Con trai tôi năm nay học lớp 9, khoảng hơn 1 năm trước cháu từng rất nghịch ngợm, cá biệt. Vợ chồng tôi nhiều lần muối mặt đến trường xin lỗi giáo viên vì con đã lười học, lại còn gây gổ với bạn bè. Không chỉ vậy, con từng lấy trộm tiền của bố mẹ để đi chơi game.
Rất may là sau khi sử dụng nhiều biện pháp can thiệp, con tôi đã dần thay đổi. Hiện tại, con không hẳn là "con ngoan trò giỏi" nhưng ít nhất đã biết tập trung học, nghe lời bố mẹ, giáo viên. Cũng cũng nhận thức là chuẩn bị thi lớp 10, nhiệm vụ lớp nhất của mình là phải học chăm chỉ.
Tuy nhiên cách đây 2 tháng, có 1 sự việc xảy ra khiến suýt nữa thì con trở nên hư hỏng như trước. Buổi tối một hôm, khi ngồi ghi chép những khoản chi tiêu trong ngày, tôi phát hiện trong ví mất một tờ 500.000 đồng. Tôi nhớ lại lúc về, mình có quăng ví lên trên bàn ở phòng khách. Lúc đó trong nhà chỉ có tôi và con, chồng chưa về.
Vì con từng có lần lấy trộm tiền của bố mẹ nên ngay lập tức, tôi nổi điên, nghĩ chắc chắn con ngựa quen đường cũ. Hôm đó, tôi đã quát tháo, mắng mỏ, gọi chồng ra dạy con.
Khi con tức chảy nước mắt, nói: "Con không lấy. Bố mẹ khuyên con thay đổi, con đã thay đổi, sao không ai chịu tin con? Sao lại vu cho con như thế?", tôi vẫn nghĩ con "già mồm, hết thuốc chữa".
Chỉ đến khi có tin nhắn của đồng nghiệp báo "chuyển trả chị 500.000 nhé", tôi mới giật mình, bàng hoàng nhớ ra: Sáng hôm đó, đồng nghiệp vay tôi tiền mặt để đi đổ xăng và mua đồ và bảo sẽ chuyển khoản trả sau. Chỉ vì đãng trí mà tôi trách nhầm con.
Khi biết sự thật, con tôi nhìn mẹ đầy tức giận và thất vọng. Con không nói gì, chạy vào phòng và đóng sầm cửa lại. Suốt 3 ngày liền, con không nói gì với mẹ. Tôi vì xấu hổ nên cũng không dám mở miệng nói chuyện với con. Khi ấy tôi đã nghĩ rằng, thôi thì cừ lờ đi vậy, rồi mọi chuyện cũng xí xóa. Nhưng đến khi tình cờ xem một tập phim Sex Education thì tôi đã vội vàng thay đổi suy nghĩ.
Đó là khi nhân vật Jean Milburn nói: "Apologizing isn’t just social etiquette, it’s a hugely important human ritual that brings relationships together and helps people to move forward". (Việc xin lỗi không chỉ đơn thuần là phép xã giao, mà còn là một nghi thức quan trọng trong đời sống con người, giúp hàn gắn các mối quan hệ và giúp mọi người tiến về phía trước).
Tôi nhận ra rằng, bấy lâu nay, tôi dạy con phải biết xin lỗi, nhận lỗi sai nhưng khi tôi mắc lỗi, mà lại là một lỗi rất nghiêm trọng, gây tổn thương tinh thần con thì lại trốn tránh, lấy uy quyền của người mẹ để lấp liếm, lờ tịt đi. Tôi như vậy đâu phải là một bà mẹ tốt, một bà mẹ biết làm gương? Vậy thì tôi sao dám to miệng trách móc, và có khi tôi chính là người làm hư con!
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về câu nói của Jean Milburn. Nếu tôi không xin lỗi con chân thành thì mối quan hệ của tôi và con chẳng những rạn nứt mà còn khiến con học phải tính cách vô trách nhiệm, lấp liếm, thiếu tôn trọng người khác từ chính mẹ mình.
Ngay hôm sau, khi con tan học về, tôi đã vào phòng con và nói xin lỗi. Đó là một cuộc nói chuyện rất lâu. Tôi chân thành chỉ ra lỗi sai của mình như việc không làm rõ mọi việc mà đã vu oan cho con, không chịu nghe lời giải thích của con, và tội to nhất là đã chần chừ không xin lỗi con.
Sau khi nghe mẹ chia sẻ, con trai tôi đã ngồi im rất lâu. Con nói: "Con không giận mẹ nữa. Trước đây, con mắc nhiều lỗi, bố mẹ đã tha thứ và cho con cơ hội sửa sai. Giờ mẹ mắc lỗi, con cũng sẽ làm như vậy".
Câu nói của con khiến tôi vừa cười, vừa khóc vì xúc động. Quả thật trong cuộc sống, nhiều người lớn sẽ không dễ dàng nói xin lỗi một đứa trẻ, có thể do lòng kiêu hãnh dù biết mình sai. Nhưng câu nói của Jean Milburn đã thức tỉnh tôi và dạy cho tôi một bài học đắt giá trên hành trình làm cha mẹ.
Mong rằng, tất cả chúng ta, đều có thể dũng cảm nói lời xin lỗi khi mắc sai lầm, bất kể đối tượng cần xin lỗi là ai!