Đó là cô Trần Thị Thu Nhung (SN 1986), giáo viên chủ nhiệm lớp của học sinh Trần Chí Kiên bị gãy chân trong vụ tai nạn tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên.
Đúng vào lúc vụ việc đang có nhiều mâu thuẫn cùng các nút thắt chưa được lí giải khiến mọi người không khỏi băn khoăn thì cô Nhung đã đứng lên, tự mình nói ra toàn bộ sự thật . Cô cho biết: "Nhân phẩm của giáo viên chúng tôi đang bị chà đạp. Nếu không nói ra sự thật, chúng tôi không còn đủ tự tin để đứng trước phụ huynh nữa".
Cô giáo Trần Thị Thu Nhung.
Câu chuyện bắt đầu từ lúc em Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2A4 bị gãy chân trong sân trường ngày 1/12/2016. Nhà trường thông báo Kiên tự ngã còn gia đình của Kiên lúc này chỉ mải nghĩ làm sao để chữa lành chân cho con. Kiên phẫu thuật điều trị tại bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ mổ, kẹp vít đinh ở chân phải của em.
Và chính tại đây, sự thật đầu tiên được hé lộ. Các bác sĩ nhận định tự ngã không thể gây chấn thương nghiêm trọng đến vậy được. Ban đầu, sau khi bố mẹ hỏi han, Kiên và một số học sinh khác nói em bị taxi chở cô hiệu trưởng và hiệu phó va phải.
Lúc này, gia đình làm việc với ban giám hiệu thì nhà trường phát phiếu khảo sát về vụ tai nạn. Cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc thông báo 100% giáo viên và học sinh khẳng định không có ô tô vào trường.
Cháu Kiên đã phải chịu đau đớn rất nhiều trong quá trình chữa lành vết thương. Ảnh: Internet
Biết rõ có mâu thuẫn ở đây, anh Trần Chí Dũng, bố Kiên đã quyết định đi tìm chân lý cho con mình bằng cách thông tin đến báo chí và nhờ công an vào cuộc.
Trải qua hành trình dài đầy cam go, không ít lần anh Dũng đã phải rơi nước mắt vì con mình. Trong lúc mọi sự còn chưa sáng tỏ thì đúng lúc này cô Nhung, giáo viên chủ nhiệm của em Kiên đã lên tiếng.
Cô Nhung đã nói ra việc phiếu khảo sát không đúng sự thật. Cô nói, không chỉ có cô mà một số giáo viên khác cũng cảm thấy xấu hổ và bức xúc vì chuyện tai tiếng này khi dư luận cho rằng, 100% các giáo viên trong trường tham gia khảo sát khẳng định không có ô tô vào trường là hèn nhát và đang đồng lõa với cô hiệu trưởng.
Anh Trần Chí Dũng, bố cháu Kiên trong hành trình đi tìm công lý cho con. Ảnh: Internet
Và thế rồi không chỉ một mình cô Nhung mà 18 giáo viên khác đã cùng đứng lên làm rõ sự việc. Việc thanh minh ấy không chỉ là cái tâm muốn hướng về lẽ phải, hướng về chân lý mà còn là lương tâm của nghề giáo, đạo đức của người thầy, người cô trong việc bảo vệ chính học sinh của mình.
Có lẽ, khi dám nói ra sự thật ấy, cô giáo Nhung đã phải đối mặt với vô vàn áp lực và mâu thuẫn. Từ việc phản bác lại chính hiệu trưởng, hiệu phó cho đến việc công bố danh tính, hình ảnh trên toàn bộ phương tiện thông tin đại chúng.
Cô giáo mới hơn 30 tuổi tâm sự với Vietnamnet: "Bọn em cũng xác định rồi. Cùng lắm là chết. Chết vinh còn hơn sống nhục. Bây giờ chẳng còn gì ngoài danh dự và mạng sống. Danh dự mà không giữ được thì còn thiết gì?".
Cô hiệu trưởng, người đã che giấu hành vi ngay từ khi sự việc bắt đầu. Ảnh: Internet
Và rồi sự dũng cảm của cô chủ nhiệm và các cô giáo khác đã tạo nên bước chuyển mới trong diễn tiến vụ tai nạn của Kiên. Chỉ vài ngày sau, cơ quan công an công bố kết quả điều tra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt và UBND quận Cầu Giấy đã ra quyết định cách chức hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và hiệu phó Nguyễn Thị Hương. Trong kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội có nhắc tới bức thư của cô Nhung và 18 cô giáo khác.
Sự việc đã khép lại với cái kết thuộc về lẽ phải. Một hành trình gian nan của Kiên, của anh Dũng, của các cô giáo trường Tiểu học Nam Trung Yên. Cư dân mạng thì chỉ trích cô hiệu trưởng và hiệu phó đã đồng lõa che giấu sự thật, trốn tránh trách nhiệm "giá mà cô xin lỗi, giá mà nói ra ngay từ đầu", còn cô Nhung và các cô giáo khác dù buồn nhưng cũng đã cởi bỏ được lo lắng bấy lâu nay.
Nếu không có cô chủ nhiệm dũng cảm, sự thật vụ học sinh gãy chân ở trường Nam Trung Yên mãi mãi là ẩn số!