Vụ học sinh gãy chân trong trường: "Khi các giáo viên được mời lên lấy phiếu khảo sát, ai cũng ngỡ ngàng"

Định Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 07:29 18/02/2017

Liên quan đến vụ học sinh lớp 2 bị gãy xương đùi sau tai nạn xảy ra ở trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội. Cô Nhung, giáo viên chủ nhiệm cho biết bản thân cô cùng nhiều giáo viên khác không biết có báo cáo trước đó về trường hợp của em Kiên.

Nhiều ngày nay dư luận vẫn không ngừng xôn xao về việc em Trần Chí Kiên, lớp 2A4 bị ngã gãy chân trong trường Tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đáng chú ý là những thông tin liên quan đến vụ việc này từ phía ban giám hiệu nhà trường cứ thay đổi theo thời gian càng khiến dư luận đặt dấu hỏi nghi vấn.

Trước đó, như báo cáo của bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên, nhà trường phát phiếu khảo sát và 100% học sinh cũng như giáo viên cho biết không có ô tô nào đi vào trường trong thời gian cháu Kiên xảy ra tai nạn.

Clip: Cô Nhung tâm sự sau sự việc khiến em Kiên bị gãy xương đùi. Thực hiện: Định Nguyễn

Thế nhưng sự thật dần được hé lộ khi người lái xe taxi xuất hiện và cho biết ngày hôm đó người này đã chở bà Ngọc từ bệnh viện về. Điều đó đã khiến dư luận vô cùng bức xúc vì sự "không thành thật" trong những phiếu khảo sát của giáo viên trường Tiểu học Nam Trung Yên.

Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, cô Trần Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp cháu Trần Chí Kiên cho biết, bản thân cô cùng nhiều giáo viên khác không biết có báo cáo trước đó về việc em Kiên bị taxi tông gãy xương đùi trong trường.

"Việc 100% giáo viên ký giấy khảo sát và khẳng định không có ô tô nào đi vào trường là không đúng. Bởi lẽ, buổi trưa hôm lấy phiếu khảo sát, tôi không tham gia trông bán trú ở trường. Ngoài ra còn một giáo viên nữa cũng không trông bán trú như tôi".

Vụ học sinh gãy chân trong trường: Khi các giáo viên được mời lên lấy phiếu khảo sát, ai cũng ngỡ ngàng - Ảnh 2.

Cô Trần Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp cháu Trần Chí Kiên buồn rầu sau khi xảy ra sự việc

Khi các giáo viên được mời lên để lấy phiếu khảo sát, họ cũng rất ngỡ ngàng và nhiều người còn không biết chuyện gì đang xảy ra, chỉ biết có một học sinh bị ngã chứ không biết ngã thế nào.

"Ngày hôm sau tôi được điều động đi đến các lớp với vai trò là đoàn viên thanh niên để khảo sát học sinh về việc an toàn, an ninh trường học, phục vụ cho việc thanh tra kiểm tra vào tháng 3 chứ không phải về vụ tai nạn liên quan đến em Kiên", cô Nhung nói.

Theo cô Nhung, ngay cả khi các giáo viên khác được mời lên làm phiếu khảo sát, họ cũng chỉ được thông báo giống như học sinh, không đề cập cụ thể sự việc của Kiên. Nội dung của phiếu khảo sát cũng chỉ xoay quanh vấn đề giáo viên có thường xuyên nhắc nhở học sinh an toàn khi vui chơi hay không, học sinh chơi ở đâu? Chơi với ai? Có thấy ô tô vào trường trong giờ ra chơi hay không?...

"Xung quanh vụ việc này, bản thân tôi cũng thấy nhiều băn khoăn. Học sinh của tôi ngã gãy chân nhưng tôi lại là người biết cuối cùng".

Vụ học sinh gãy chân trong trường: Khi các giáo viên được mời lên lấy phiếu khảo sát, ai cũng ngỡ ngàng - Ảnh 3.

Vụ tai nạn khiến em Kiên bị gãy xương đùi.

Trong báo cáo có ghi, cô Hòe (giáo viên lớp 1A5) đã báo lại ban giám hiệu về việc học sinh Trần Chí Kiên bị ngã. Điều này không đúng sự thật vì cô Hòe không phải là người báo cáo. "Ngay khi biết học sinh của mình gặp nạn, tôi lập tức xuống phòng giám hiệu thì lúc đó cô Hòe mới đến và biết sự việc", cô Nhung cho hay.

Chia sẻ quanh câu chuyện này, cô Nhung cùng rất nhiều giáo viên khác trong trường rất bức xúc, nhất là khi dư luận cho rằng giáo viên dối trá trong khi làm phiếu khảo sát. "Thực tế, có nhiều giáo viên không biết sự việc em Kiên bị ngã. Và tại thời điểm ấy họ không nhìn thấy ô tô đi vào trường thì họ tích vào ô "không nhìn thấy" chứ họ không khẳng định không có xe taxi vào trường".

Cô Nhung cho biết, để xảy ra sự việc như thế này, bản thân cô thấy cần có trách nhiệm với học sinh của mình.

"Tuy nhiên, tôi nghĩ ai làm gì thì người đó rõ nhất và họ phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Là người lớn, chúng ta hãy sống sao cho đúng với lương tâm chứ đừng để tới mức phụ huynh phản ánh thế này. Hiện nay tôi được phân công tới dạy học cho em Kiên tại nhà. Em Kiên tiếp thu môn Toán cũng khá tốt nhưng các bài tập viết với em lại khó khăn hơn một chút".

Vụ học sinh gãy chân trong trường: Khi các giáo viên được mời lên lấy phiếu khảo sát, ai cũng ngỡ ngàng - Ảnh 4.

Cô Tú cho biết, kết quả khảo sát không phản ánh đúng sự thật.

Cùng chung ý kiến như cô Nhung, cô Tú, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, trường Tiểu học Nam Trung Yên cho biết: "Khi phát phiếu khảo sát thì hầu như giáo viên và học sinh trong trường không hề biết có vụ tai nạn khiến em Kiên bị gãy xương đùi. Ngoài ra việc khảo sát vào buổi trưa, nhiều giáo viên như tôi không ở lại dạy bán trú nên không có mặt tại trường.

Khu vực xảy ra tai nạn ở vị trí sân sau nơi có nhà để xe, cấm học sinh chơi ở khu đó. Vụ tai nạn chỉ có bảo vệ, cô giáo hiệu trưởng và hiệu phó biết, chứ chúng tôi không lừa dối ai", cô Tú chia sẻ.

Các cô giáo cũng mong muốn công an nhanh chóng kết luận vụ việc để mang lại tâm lý học tập và làm việc tốt hơn cho học sinh cũng như giáo viên, để dư luận nhìn vào không đánh giá sai lệch như hiện nay.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày