5 bài học tôi rút ra sau khi mua ngôi nhà đầu tiên: Mỗi người chỉ cần 1 căn nhà thôi, đừng vội!

.Ebe; Thiết kế: Mai Linh, Theo 08:06 23/02/2021

Có những chuyện bạn chỉ có thể hiểu sâu sắc sau khi nó đã qua đi, và bạn có đủ sự bình tĩnh để chiêm nghiệm lại. Mua một căn nhà là chuyện như vậy, đặc biệt là căn nhà đầu tiên của chúng ta.

Không phải là tôi có gì không hài lòng với căn nhà của mình. Tôi tự cảm thấy bản thân mình may mắn trong rất nhiều điểm mà một “đứa trẻ” ngây ngô tập lớn, lần đầu mua nhà không thể nào biết trước được nếu không có ai chỉ dẫn.

Chuyện tiền nong, phải vô cùng tỉnh táo

Một trong những câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất là làm thế nào để có đủ tiền mua nhà? Phải nói ngay rằng không phải bạn mua một căn nhà 3 tỉ nghĩa là bạn cần có 3 tỉ trong tay. Tôi mua nhà theo cách trả góp (tức là chỉ thanh toán một phần tiền nhà ngay khi mua, sau đó dùng chính căn nhà để thế chấp và vay ngân hàng khoản còn lại, trả nợ hàng tháng). Cá nhân tôi thấy cách ấy giảm rất nhiều áp lực về tài chính trên vai mình, và cũng cho mình cơ hội thay đổi cuộc sống dễ dàng hơn. Để áp dụng được cách ấy, tôi chia các khoản tiền mua nhà thành 3 khoản chính:

5 bài học tôi rút ra sau khi mua ngôi nhà đầu tiên: Mỗi người chỉ cần 1 căn nhà thôi, đừng vội! - Ảnh 1.

Khoản tiền phải-có trong tay

Trong tay bạn nên có ít nhất là 30% số tiền bạn cần để mua căn nhà mơ ước. Tôi thì khuyến khích bạn nên có 50%, hoặc thậm chí là 70% thì càng tốt. Nhưng tối thiểu thì 30% là đủ rồi. Vậy bạn cũng có thể tính ngược lại, rằng với số tiền mình đang có trong tay thì mình có thể mua nhà trong khoảng ngân sách nào, và dự án nào sẽ phù hợp với mình nhất. Nếu các dự án phù hợp với khả năng kinh tế hiện tại chưa làm bạn hài lòng, đừng cố. Chuyện mua nhà là chuyện lâu dài, chứ không phải thứ để chúng ta phải làm bằng được khi bạn bè mình đều đã và đang làm.

Để mua một căn nhà 3 tỉ, bạn cần có trong tay 1 tỉ. Để mua 1 căn nhà 1 tỉ, trong tay bạn lại cần khoảng 350 triệu.

Làm thế nào để có khoản tiền ấy trong tay? Kinh nghiệm của tôi là đừng chỉ lao mình vào làm việc. Hãy cố gắng để chính số tiền bạn đã kiếm ra tiếp tục “tự đẻ” ra tiền, cho dù chỉ là 10-15% một năm cũng đã cao hơn lãi ngân hàng rất nhiều rồi. Số tiền tiết kiệm mua nhà không thể được tiết kiệm trong một sớm một chiều, nếu không muốn nói là có thể mất tới một vài năm. Hãy chuẩn bị cho mình tinh thần như vậy. Trong trường hợp của mình, tôi làm cùng lúc 1 công việc chính tại agency truyền thông, 1-2 công việc freelance vào mỗi thời điểm theo đúng chuyên môn marketing của mình, tự kinh doanh 1 thương hiệu riêng và đầu tư vào 1 thương hiệu kinh doanh nhỏ khác. Không quá tập trung vào việc mở rộng kinh doanh, tôi chỉ cố gắng làm thế nào để giảm mọi chi phí và thu về lợi nhuận tiền mặt được nhiều và nhanh nhất trong khoảng thời gian tích vốn này. Thứ tự ưu tiên của tôi khi đang muốn mua nhà là NHÀ trước, SỰ NGHIỆP sau. Bố mẹ bảo là an cư lạc nghiệp, nên cứ tạm tin thế vậy.

5 bài học tôi rút ra sau khi mua ngôi nhà đầu tiên: Mỗi người chỉ cần 1 căn nhà thôi, đừng vội! - Ảnh 2.

Nguồn thu của tôi đến 50% từ việc kinh doanh, 30% từ việc freelance, và 20% từ lương công việc chính. Tôi ưu tiên tiền tiết kiệm hơn là tiền chi tiêu, nên tháng nào cũng tiết kiệm được chính xác chừng ấy tiền để kế hoạch mua nhà không bị ảnh hưởng, rồi sau đó mình mới tiêu trên số tiền còn lại. Cũng phải nói rằng không phải vì vậy mà tôi ép bản thân sống kham khổ – tháng nào kiếm được nhiều tiền tôi cũng không tiết kiệm nhiều hơn, để tự “an ủi” bản thân mình so với những tháng ăn nhờ ở đậu vào tình yêu thương của bạn bè và gia đình. Có như vậy thì quyết tâm tiết kiệm của mình mới bền vững được. Số tiền tiết kiệm có được, tôi gửi tiết kiệm thông thường hoặc mua trái phiếu theo tư vấn của ngân hàng để lãi suất cao hơn. Vào thời điểm này, chẳng có bí quyết nào cho việc làm giàu nhanh ngoài 2 “luật chơi” mà tôi luôn tuân thủ: 

1. Bền bỉ, bền bỉ và bền bỉ. Người khác dành 8 tiếng làm việc thì mình dành 10-12 tiếng, để làm được nhiều việc hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Quyết tâm của mình không thể thực hiện trong 3-4 tháng thì phải cam kết với bản thân sẽ bền bỉ trong 3-4 năm. 

2. Luôn luôn tìm một phương án trong ngân hàng để tiền tiết kiệm được gửi với lãi suất cao hơn tiết kiệm (và sẽ luôn có phương án ấy).

Thế nhưng cho dù mức độ tài sản của 3 công việc từ cao tới thấp là như vậy, thì mức độ an toàn trong công việc thì hoàn toàn ngược lại, đấy là lí do mà cho dù công việc chính mang lại ít thu nhập nhất, tôi cũng không hề từ bỏ. Nó liên quan trực tiếp tới khoản tiền số 2 của mình…

Khoản tiền bạn chắc-chắn sẽ kiếm

 được hàng tháng

Không ai dám khẳng định rằng tháng sau bạn sẽ vẫn bán được nhiều hàng như tháng trước, kinh doanh là vậy. Một khi bạn đã mua một căn nhà theo hình thức trả góp thì dù có thích hay không, tháng nào bạn cũng sẽ mang trong mình một khoản nợ. Đấy là điều chắc chắn duy nhất tồn tại. Vậy để bản thân thực sự sẵn sàng, hãy quan tâm nhiều hơn tới những khoản lương cứng của mình. Chỉ khi tôi cảm thấy thoải mái rằng giả sử tháng này tôi bỗng… mất tất cả và chỉ có 20% lương cứng, tôi vẫn có thể trả nợ ngân hàng, thì khi ấy suy nghĩ về việc mua một căn nhà mới trở nên mạnh mẽ hơn. Nó mạnh mẽ hơn vì nó đã trở nên thực tế hơn, thế thôi.

5 bài học tôi rút ra sau khi mua ngôi nhà đầu tiên: Mỗi người chỉ cần 1 căn nhà thôi, đừng vội! - Ảnh 3.

Khoản tiền tiết kiệm cho cuộc sống tương lai

Mọi người cứ bảo rằng có một căn nhà là yên tâm rồi, nhưng đấy là nói ẩn dụ thôi. Ngoài tiền nợ nhà chúng ta vẫn còn tiền ăn, tiền di chuyển, tiền điện tiền nước, và quan trọng hơn cả (với tôi) là tiền vui chơi. Tôi không bao giờ sẵn sàng cho việc sở hữu một chiếc hộp trong toà nhà chung cư, nhưng lại phải đánh đổi mọi niềm vui trong cuộc sống, mà một bữa ngon tự thưởng bản thân không dám ăn, một chuyến du lịch ngắn xả stress cũng không dám đi. Ở trong căn nhà của mình nhưng sống một cuộc sống “rón rén” có vui không? Không bạn ơi.

5 bài học tôi rút ra sau khi mua ngôi nhà đầu tiên: Mỗi người chỉ cần 1 căn nhà thôi, đừng vội! - Ảnh 4.

Hãy chỉ mua nhà nếu bạn thấy sau khi đã trừ hết chi phí nhà, bạn vẫn còn đủ tiền để trang trải cuộc sống cơ bản của mình, với những niềm vui cơ bản và cả những nỗi buồn cơ bản (như là lỡ phải vào viện chẳng hạn). Đừng tính sát nút từng đồng, không ổn chút nào đâu.

Chuyện tương lai, đừng suy nghĩ quá nhiều

Thật sự đấy. Đấy là yếu tố duy nhất khiến tôi nghĩ rằng nếu được chọn lại, có lẽ mình sẽ tìm một căn nhà khác… nhỏ hơn ở trong chính khu chung cư mình đã lựa chọn. Trước khi mua nhà, tôi trải qua một “khủng hoảng” tương lai không hề nhỏ: Mình sẽ sống ở căn nhà này bao lâu? Với ai? Liệu mình có lấy chồng, sinh con, và sống ở đây cả cuộc đời không? Và thế là mình lại nghĩ miên man về việc người yêu của mình giờ đây có thành chồng mình không nhỉ, tương lai của mình sẽ thế nào nhỉ,... Tất cả những suy nghĩ hoạch định ấy đánh cắp niềm vui của tôi trong cuộc sống thực tại rất nhiều. Đến giờ thì chúng ta đều quá hiểu: không ai có thể nói trước điều gì trong tương lai. Mình cứ bình tĩnh sống thôi, và đừng nghĩ xa quá làm gì.

Khi nhìn lại tôi đã nhận ra rằng mình khủng hoảng tới vậy là vì hai yếu tố. Từ trước tới nay tôi đều ở trong những căn nhà “chắc chắn”, là căn nhà mình đã dành cả tuổi thơ, và căn nhà mình biết bố mẹ mình sẽ ở đến cuối cuộc đời. Bởi vậy như một lẽ dĩ nhiên, tôi nghĩ rằng một căn nhà là một thứ gì đó rất cố hữu trong cuộc sống của mình, và mỗi lần thay đổi không chỉ là một lần con tim như tan vỡ, mà còn mất rất nhiều thời gian và gắn với sự xáo trộn kinh khủng trong cuộc sống. Nhưng không phải vậy. Ngay sau khi đã ổn định cuộc sống trong nhà mới – khoảng 2 tuần sau khi chính thức dọn vào nhà, tôi có một giây phút vỡ ra rằng: À, nó cũng chỉ thế này thôi. Chuyển nhà, dọn nhà, sắp xếp nhà có thể mệt thật, nhưng nó cũng đến vậy thôi. Phải nhớ kĩ rằng chúng ta đang trò chuyện với nhau trong bối cảnh mua một căn chung cư. Cảm xúc của bạn sẽ rất khác so với căn nhà mặt đất mà bạn đã thường sống. Chung cư có sự hiện đại, tiện lợi, tất-cả-trên-một-mặt-phẳng, an ninh tốt hơn và độ ẩm trong nhà thì ổn định hơn, thế nhưng nó thiếu một yếu tố rất quan trọng: đó là “cái hồn” của một căn nhà mặt đất. Hiển nhiên chúng ta sẽ là người tạo ra cái hồn cho chính ngôi nhà của mình, nhưng sự gắn bó thì sẽ không mạnh mẽ như nhà mặt đất đâu.

5 bài học tôi rút ra sau khi mua ngôi nhà đầu tiên: Mỗi người chỉ cần 1 căn nhà thôi, đừng vội! - Ảnh 5.

Bởi vậy yếu tố thứ 2 khiến tôi khủng hoảng, chính là yếu tố khiến tôi có phần nuối tiếc. Tôi quyết định rằng có thể mình chưa cần biết năm bao nhiêu tuổi mình lấy chồng và sinh con, thế nhưng mình nên mua một căn nhà sẵn sàng cho việc ấy, để đảm bảo “an toàn”. Tôi liền tay tìm những căn nhà có 2 phòng ngủ và 2 phòng vệ sinh. Sự an toàn này là không cần thiết. Tin tôi đi, một căn nhà hơi nhỏ so với nhu cầu tương lai có thể dạy bạn cách xử lý không gian của mình thật thông minh và giữ cho nhà cửa gọn gàng sạch sẽ. Một căn nhà hơi rộng so với nhu cầu hiện tại sẽ làm bạn thấy hơi… cô đơn và gồng gánh. Một cảm giác hoàn toàn không nên có, và tạo ra một rủi ro không đáng có về mặt tài chính.

Tương lai là chuyện của tương lai. Chúng ta chắc hẳn sẽ không ngừng phấn đấu chỉ vì đã mua được nhà. Đến khi thấy chật quá, bạn có thể bán đi và đổi nhà mà, phải không?

“Đừng mua nhiều nhà hơn mình cần”

Câu hát của Lý vẫn văng vẳng bên tai tôi mỗi khi tôi nghĩ lại về quyết định của mình. Không phải vì tôi đã ngay lập tức nuôi tham vọng có thêm căn nhà thứ hai, không, mà là vì câu hát của Lý trong lòng tôi có nghĩa là, “Đừng mua nhà khi mình chưa thực sự cần.”. Mỗi người chỉ cần duy nhất một căn nhà mà thôi, và bởi vậy không phải vội.

Tôi nhận ra mình có thể mua nhà muộn hơn 1 vài năm nữa cũng không sao cả, không nhất thiết phải có ngay lúc này, cho dù có thì cũng rất tuyệt. Tôi nhận ra việc có một căn nhà sẽ không nghĩa lý gì nó đặt quá nhiều áp lực lên vai chúng ta, khiến ta phải đánh đổi quá nhiều niềm vui sẽ-không-quay-trở-lại của tuổi 20. Tôi nhận ra dù có nhà hay không, thì mọi thứ cũng sẽ chẳng khác gì nếu lối sống của mình không thay đổi – nếu chúng ta vẫn dành thời gian từ sáng tới tối ở ngoài đường và cũng chẳng mấy khi có thời gian nghĩ tới chuyện nấu ăn hay vun vén không gian, căn nhà chỉ là một gian phòng cũng chẳng sao.

5 bài học tôi rút ra sau khi mua ngôi nhà đầu tiên: Mỗi người chỉ cần 1 căn nhà thôi, đừng vội! - Ảnh 6.

Không phải để làm bạn nản lòng hay nhụt chí. Nhưng hãy đừng đưa bản thân mình vào con đường này khi chưa thực sự sẵn sàng.

Kể cả sau khi đọc những dòng vừa rồi, bạn vẫn thấy sẵn sàng, thì chúc mừng bạn. Bắt đầu lên kế hoạch 5 năm tiếp theo của cuộc đời mình, và đặt một căn nhà vào đó thôi!