Tôi đã rất buồn lòng khi phải viết lên Facebook mình sau chuyến Đà Lạt hồi tháng 3: "Quay lại Đà Lạt sau vài tháng nhưng thấy xa lạ quá - như không còn là thành phố mình từng thương ..." – Đà Lạt của tôi vẫn thế nhưng con người bắt đầu làm cho nơi này trở nên nông cạn, diêm dúa và xô bồ một cách khó hình dung.
Nếu đã quá lâu bạn không online thì đây chính là hình ảnh về Đà Lạt được chuyền tay nhau thời gian gần đây. Hơi hoảng hốt nhưng những gì bạn thấy: những con đường ngập rác sau một đêm hội hè, cả biển người chen chúc hay các thể loại công trình kém thẩm mỹ – đều chính là Đà Lạt đấy! Chính là thành phố trong truyền thuyết được khuyên "nên đến một lần trong đời" cùng hàng vạn bí kíp du lịch.
Đó là chưa kể đến những câu chuyện dài kì về các homestay "treo đầu dê bán thịt chó", khách du lịch phải dựng lều ngủ tạm ở Hồ Xuân Hương vì hết phòng mùa cao điểm, các vụ lừa đảo khi đi tham quan vườn dâu hay tệ nạn chặt chém du khách đến không còn manh giáp tại khu Hòa Bình – nơi được xem là trái tim của Đà Lạt.
Bạn đang nghĩ gì ngay lúc này? Chán chẳng buồn đến đúng không? Nhưng đến lúc thẳng thắn với nhau rồi, thế lực nào đã làm cho một thành phố vốn rất lãng mạn, hiền hòa trở nên dị dạng và khó cảm như thế? Đừng đổ thừa Đà Lạt vì nơi đây đã quá mệt mỏi để phục vụ cho chúng ta rồi. Chính con người bắt đầu làm cho Đà Lạt trở nên nông cạn, diêm dúa và xô bồ một khách khó hình dung như hôm nay.
Số lượng du khách trong và ngoài nước đến với Đà Lạt tăng mạnh nhiều năm qua. Nếu như năm 2000 chỉ khoảng 710 ngàn lượt du khách thì 2007 là 2.2 triệu lượt và đến năm 2018, bạn đoán xem? Là 6.5 triệu lượt. Không gian thành phố cùng những hạ tầng liên quan đến du lịch không có quá nhiều sự khác biệt trong cả thập kỷ qua nhưng số lượt du khách thì tăng theo cấp số nhân.
Hãy nhìn sân bay Tân Sơn Nhất oằn mình quá tải trong những dịp cao điểm, bạn sẽ liên tưởng được sức ép mà Đà Lạt đang gánh chịu. Lượng du khách tăng nhanh cùng thói quen du lịch "phá cho đáng tiền" của bộ phận không nhỏ người Việt Nam là nguyên nhân chính đang từng ngày một tàn phá Đà Lạt. Và cho đến cuối cùng, trong số họ, ai sẽ vun đắp lại cho thành phố này để con cháu tụi mình còn biết đến một nơi gọi là Đà Lạt?
Đề bài quen thuộc thường xuyên được đặt ra khi nói đến vấn đề bảo tồn du lịch là: nên bảo tồn, gìn giữ những giá trị vốn có hay nên hướng đến những điều hiện đại, mới mẻ hơn. Với Đà Lạt, đâu mới là giải pháp chính xác nhất? Dẫu đến cuối cùng, giải pháp có là gì, đừng quên giữ lại những điều nguyên bản thuộc về Đà Lạt vì đó mới chính là giá trị thu hút du khách ghé thăm nơi này.
Phải chăng, muốn phát triển, lẽ tất yếu là phải thế? Ai cũng mong muốn cuộc sống của mình hiện đại hơn, tiện nghi hơn, người dân Đà Lạt hẳn cũng không ngoại lệ. Nhưng để cân bằng những giá trị nguyên bản và tính hiện đại tại một thành phố đa màu sắc như Đà Lạt thật sự là một đề bài khó. Đây là bài toán để cân bằng giữa lợi ích kinh tế, tính văn hóa lịch sử và vấn đề môi trường của một thành phố. Nhưng một cách công bằng nhất, Đà Lạt không có nghĩa vụ phải làm hài lòng tất cả mọi người, đừng can thiệp một cách thiếu hiểu biết vào thành phố vốn rất đẹp này chỉ để vừa lòng số đông.
Nếu phải đi vài trăm cho đến vài ngàn ki-lô-mét để đến một thành phố hiện đại na ná như Sài Gòn, tôi thà ở nhà hoặc soạn đồ bay hẳn qua Bangkok, Kular Lumpur hay Singapore còn hơn. Giá trị của Đà Lạt chính là thiên nhiên, là bề dày văn hóa, đánh mất những điều này tôi e là mất hết.
Dẫu tôi hay rất nhiều bạn trẻ khác chưa bao giờ bước vào rạp Hòa Bình nhưng hình ảnh rạp hát với những cửa tiệm cũ kĩ bao quanh, những con người dễ mến, những gánh hàng rong luôn tỏa khói đã trở thành một phần không thể thiếu khi nhớ về thành phố này. Hình ảnh đó cùng rất nhiều những điều dung dị khác trong lòng Đà Lạt đã là một giá trị tinh thần khó có thể bù đắp được nếu một ngày chúng mất đi theo sự nông cạn của con người.
Trước khi đặt bút viết bài này, tôi đã suy nghĩ rất kĩ về câu hỏi "Đà Lạt có đang thay đổi không?" – Buồn quá, câu trả lời là có nhưng Đà Lạt của riêng tôi thì đến giờ vẫn vậy. Điều tôi tìm kiếm ở nơi này là không khí lành lạnh quanh năm, những làn sương mù len lỏi qua từng con đường mỗi khi đêm về, những con dốc trải đầy hoa hay chỉ đơn giản là một tách cà phê bên góc quán quen mà chưa lần nào quên ghé. Tôi là tuýp người thích những điều nguyên bản của Đà Lạt.
Nhớ lại hồi tháng 3 vừa rồi, tôi cảm thấy rất "đã" dù phải chạy xe băng đèo, vượt dốc đến gần 45 phút để đến một quán cà phê nằm sâu hun hút tên là "Đất Trại Hồng". Đó là một quán cà phê nho nhỏ, bao quanh là rẫy cà phê cùng những ngọn đồi với ngập tràn cây xanh. Khi viết những dòng này, tôi còn chưa quên mùi hoa cà phê trên con đường vào quán – với tôi, chỉ vậy là đủ cho một chuyến Đà Lạt.
Đằng sau mỗi thành phố du lịch đều có một câu chuyện để kể. Với tôi, đó có thể là câu chuyện về sự an yên, với bạn, Đà Lạt có thể kể cho bạn nghe những điều mộc mạc khác. Như tôi có ông anh đồng nghiệp độc thân, năm nay 30, cũng là fan bự của Đà Lạt – chàng trai rất ngầu, mười mấy hình xăm, mê cà phê và chụp hình. Đà Lạt với anh là kính thưa các quán cà phê, ngồi uống một ly, chụp hình những góc nhỏ, xong up lên Instagram cho mọi người cùng xem – anh thấy vậy là vui.
Nếu bạn đến Đà Lạt với một trái tim nông cạn và đến chỉ vì "ai cũng đến", Đà Lạt sẽ thật sự rất chán và chỉ toàn những thứ bề nổi. Tôi xin phép được đứng ngoài hầu hết các điểm vui chơi đang được quan tâm ở Đà Lạt hiện nay vì với tôi nó xa lạ quá. Những thứ màu mè, diêm dúa đó thật sự đã làm giảm đi tính thẩm mỹ vốn có của thành phố này. Nhưng dù bạn có đến vì những điều chưa đẹp đó thì cũng xin cảm ơn vì bạn chọn Đà Lạt làm nơi dừng chân. Nhưng thay vì chỉ chăm chăm đến những địa điểm sống ảo ngàn like, chen chân dưới trời nắng cho một tấm ảnh đại diện, hãy dành thêm chút thời gian để tìm hiểu chiều sâu của Đà Lạt, bạn sẽ thấy yêu hơn thành phố này.
Nếu đã đến đây, đừng ngần ngại chạy xe trên những con đèo uốn lượn để hòa mình cùng thiên nhiên, ngắm nhìn những kiến trúc Pháp đẹp mê hồn vòng quanh thành phố, tận hưởng những món ăn từ người Đà Lạt hay những góc quán nhỏ lặng lẽ, thanh lịch, đúng chất lãng du.
Đã có lúc tôi nghĩ Đà Lạt nên học như người láng giềng Myanmar, "ích kỉ" và chọn lọc một chút trong việc khai thác du lịch. Bagan là thành phố cổ mà ai đến Myanmar cũng đều muốn ghé thăm – nếu bạn muốn vào Bagan, bạn phải mua vé 500.000 đồng cho 5 ngày lưu trú, cảnh sát có thể kiểm tra vé bạn bất kì lúc nào. Có những lần khi nhìn khung cảnh đầy rác của chợ Đà Lạt sau một đêm đông khách, tôi giận run người và thật sự nghĩ rằng nên áp dụng điều đó với Đà Lạt để sàng lọc khách du lịch. Và điều đó chỉ thoáng qua thôi vì tôi biết Đà Lạt là của mọi người, thành phố này sẽ yêu thương bạn như cách bạn nâng niu và trân quý từng làn sương ở nơi này.
Rồi tôi có quay lại Đà Lạt không? Có, trăm lần có, vạn lần có, mỗi năm đều đặn vài lần – và tôi tin là nhiều người cũng thế vì chúng tôi có riêng một Đà Lạt của mình. Mỗi lần đến Đà Lạt, tôi biết luôn có những điều mới mẻ, ngọt ngào nào đó đang đợi chờ mình.
Có một điều nho nhỏ trước khi kết thúc bài viết này, mọi người hay nói nhau rằng "Hầu hết các homestay, các quán cà phê trên Đà Lạt hiện nay đều là do người Sài Gòn làm chủ, nào có phải dân Đà Lạt" – nhưng điều này nào có quan trọng không khi tôi thấy rất nhiều người trẻ Sài Gòn với những góc quán nhỏ của mình đã thật sự đem lại cho Đà Lạt nhiều điều thú vị. Bạn là ai, bạn đến từ đâu không quan trọng nhưng khi ghé đến Đà Lạt, hãy yêu thương và đối xử với thành phố này thật tốt nhé vì nơi đây không dành cho những kẻ nông cạn và hời hợt.
(Nguồn ảnh: Internet; Hồ Trường Thành; Nam Thi Lê; Nắng, Sally)