Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục gia đình. Họ bắt đầu chú ý hơn đến việc rèn luyện nhân cách tốt cho con ngay từ khi con còn nhỏ, chứ không đợi khi lớn lên mới uốn nắn. Điều này rất quan trọng đối với quá trình trưởng thành của trẻ. Bởi tính cách và thói quen tốt có thể giúp trẻ luôn có nguồn năng lượng tích cực.
Nếu trẻ có 3 biểu hiện sau thì xin chúc mừng các bậc cha mẹ, bạn đang nuôi dạy con đúng cách và khoa học. Hãy tiếp tục phát huy.
1. Trẻ chủ động xin lỗi khi mắc sai lầm
Không phải đứa trẻ nào cũng nhận thấy lỗi sai và dũng cảm dám nói lời xin lỗi. Vì trẻ thường có tâm lý xấu hổ, ngại ngùng, không dám đối diện với lỗi mình gây ra. Nếu không được giáo dục đúng cách, trẻ sẽ trở thành người trốn tránh lỗi, không có trách nhiệm trong cuộc sống.
Vì vậy, nếu cha mẹ thấy con mình dũng cảm nhận lỗi, từ những việc nhỏ như: Lỡ ngủ quên để muộn học, bị điểm kém, chưa hoàn thành bài tập về nhà,… thì đừng vội mắng con. Đầu tiên, hãy dành lời khen bởi con dám đứng ra nhận trách nhiệm, không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác. Sau đó, cha mẹ hãy nhắc nhở con rút ra bài học để lần sau không tái phạm.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần là tấm gương sáng cho con học tập. Nhiều cha mẹ dạy con phải xin lỗi khi mắc lỗi nhưng lại chưa bao giờ thừa nhận lỗi lầm của mình và chủ động xin lỗi con. Đây chắc chắn là một ví dụ xấu cho trẻ. Cha mẹ chủ động nhận lỗi và xin lỗi là thể hiện sự tôn trọng dành cho con cái. Đây là nguyên tắc quan trọng để duy trì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Tôn trọng bình đẳng là cơ sở thiết yếu để trẻ hình thành nhân cách tốt.
2. Khi gặp sự cố, trẻ chủ động tìm đến cha mẹ
Khi trẻ gặp chuyện, đơn giản như bị điểm kém, bị bạn bắt nạt,… mà trẻ lập tức tìm đến cha mẹ thì đây là tín hiệu đáng mừng. Điều này cho thấy trẻ rất tin tưởng cha mẹ và muốn lắng nghe những lời khuyên hữu ích.
Không phải đứa trẻ nào cũng sẵn sàng chia sẻ bí mật hay những điều đang vướng mắc bởi tâm lý ngại ngùng, sợ bị dò hỏi, khiển trách. Một số trẻ thậm chí còn không muốn nói với cha mẹ ngay cả khi bị tổn thương tâm lý nặng nề. Nguyên nhân chính là do những vấn đề xảy ra trước đây, khi trẻ cần được giúp đỡ hay an ủi, cha mẹ đều thờ ơ hoặc có thái độ tiêu cực. Sau nhiều lần trải qua cảm giác khó chịu ấy, đứa trẻ không còn muốn tìm kiếm sự hỗ trợ từ cha mẹ nữa.
Vì thế, khi thấy trẻ gặp vướng mắc hay thậm chí là vấp ngã, cha mẹ hãy dịu dàng ở bên động viên, giúp trẻ vượt qua khó khăn. Lúc này, đừng dò hỏi, trách mắng, hãy khích lệ tinh thần trẻ. Đôi khi, chỉ cần ánh mắt chan chứa yêu thương, cái nắm tay ấm áp cũng là nguồn động lực lớn đối với trẻ.
Nếu trẻ sẵn sàng tìm đến cha mẹ khi gặp khúc mắc hay có vấn đề xảy ra chứng tỏ trẻ rất tin tưởng cha mẹ. (Ảnh minh họa)
3. Trẻ sẵn sàng chủ động giao tiếp với cha mẹ
Nếu trẻ sẵn sàng nói cho bạn biết bất cứ suy nghĩ nào, điều đó có nghĩa mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đang rất thân thiết. Trẻ đang cảm thấy hạnh phúc, nhận được tình yêu thương vô bờ bến từ cha mẹ.
Ngược lại, nhiều bậc cha mẹ có thói quen nói chuyện với con cái bằng hình thức ra lệnh, khiển trách hoặc có phản ứng thái quá trước suy nghĩ, cảm xúc của con sẽ khiến đứa trẻ không muốn tâm sự nữa. Lúc này, không phải vì trẻ hết yêu cha mẹ mà bởi trong lòng trẻ đang có 1 bức ngăn vô hình chưa thể bước qua.
Nếu mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không tốt đẹp thì bất kỳ phương pháp giáo dục nào cũng khó đạt được hiệu quả như mong muốn. Trên con đường trưởng thành của con cái, cha mẹ hãy tìm một phương pháp giáo dục hợp lý để giúp trẻ phát triển toàn diện.