Netflix không thành công chỉ nhờ 1 ý tưởng tỷ đô: 7 bài học thực tế về sự sáng tạo và cách để có nó

Bài viết: Minhlocispositive; Thiết kế: Tuấn Maxx, Theo Helino 12:10 30/12/2019
Chia sẻ

Có thật là Netflix chỉ ra đời từ tiền phạt thuê băng khi trả chậm của nhà đồng sáng lập Reed Hastings?

Những bài học về sự thành công hay những câu chuyện hay ho đằng sau những thương hiệu lớn luôn là điều khiến chúng ta quan tâm. Mới đây, trên MXH Lotus đã đăng tải một bài viết của tác giả Minhlocispositive, chia sẻ về 7 bài học về sáng tạo được đúc kết từ câu chuyện thành công của Netflix. Hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn vào một ngày thứ 2!

Truyền thông thường khiến chúng ta dễ tin vào những câu chuyện thần kỳ và khoảnh khắc vinh quang, vốn cũng là điều ta luôn muốn biết và muốn tin. Trong cuốn tự truyện mới đây của mình “That Will Never Work”, CEO đầu tiên và cũng là nhà đồng sáng lập của thương hiệu này - Marc Randolph đã hoàn toàn xoá bỏ những thần thoại về sự ra đời đầy thần kỳ ấy, ông cũng phá vỡ nhiều nhầm tưởng về sáng tạo thông qua câu chuyện về sự ra đời và phát triển của ý tưởng tỷ đô là Netflix. 

Dưới đây là 7 bài học về sáng tạo quan trọng mà cuốn sách đã mang đến từ những đúc kết của chính câu chuyện bản thân Netflix. Hi vọng bạn sẽ tìm được những chỉ dẫn giá trị cho mình hay ít nhất, có một cái nhìn thực tế hơn về sáng tạo và những ý tưởng cùng sự thành công.

Hai nhà đồng sáng lập Netflix Reed Hastings (trái) và Marc Randolph 

    1. Nhận thức: Không có ý tưởng tỷ đô nào xuất hiện trong mơ

Như chính nhà đồng sáng lập thừa nhận, đúng là Reed đã quên trả cuốn băng thuê 1 tuần và bị phạt thêm 40 đô la cho khoản phí. Nhưng điều này ngoài việc làm anh…cáu kỉnh và khó tính hơn, ngày hôm ấy đã không tạo ra bất kỳ ảnh hưởng trực tiếp nào tới sự ra đời của Netflix. Những khúc mắc nhỏ thường nhật vẫn luôn xuất hiện và việc thần thánh hoá một khoảnh khắc làm chúng ta tin vào câu chuyện phi thường, trong khi thực tế luôn đòi hỏi sự chuẩn bị kĩ càng để một sự sáng tạo có thể mang về kết quả. 

Cố CEO nổi tiếng của Apple, Steve Jobs đã từng có một đúc kết quan trọng về ý nghĩa thực sự của quá trình sáng tạo: “Sáng tạo chỉ là việc kết nối các vấn đề. Những người giàu sáng tạo khi được hỏi về cách thức, họ sẽ cảm thấy bối rối vì họ chỉ thấy một số việc. Mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn theo thời gian khi mà kiến thức và kinh nghiệm dần được kết nối và tổng hợp thành một thứ mới.” 

Thực vậy, sáng tạo chỉ là một quá trình của nhận thức và học hỏi. Chỉ sự tích lũy đủ mới có thể tạo ra góc nhìn đúng đắn mà qua đó tạo nên một ý tưởng sáng tạo thực sự. Một ý tưởng tỷ đô không đến từ giấc mơ thần kỳ, nó đến từ hành trình cố gắng bền bỉ theo thời gian.

Netflix không thành công chỉ nhờ 1 ý tưởng tỷ đô: 7 bài học thực tế về sự sáng tạo và cách để có nó - Ảnh 3.

    2. Duy trì thói quen luyện tập sáng tạo liên tục

Mỗi ngày mới của hai nhà đồng sáng lập Netflix đều bắt đầu theo một công thức chung: Reed và Marc sẽ thay phiên nhau lái xe đến chỗ làm. Hành trình 30 phút tới buổi họp sáng lúc 7 giờ sáng này là nơi để Marc đưa ra những ý tưởng kinh doanh mới của mình với Reed ở vị trí đánh giá. Trong khoang chiếc Toyota Avalon ấy, nhiều ý tưởng đã lần lượt xuất hiện và chết yểu. Đó có thể là một thương hiệu kinh doanh mũ bóng chày được thiết kế riêng theo đơn đặt hàng, một nhãn hiệu dầu gội thảo dược hay nhà sản xuất ván trượt mới tinh.

Những ý tưởng này dù không thể được triển khai, nhưng chính Marc cũng thừa nhận anh trân trọng sự ra đời (và kết thúc) của các ý tưởng này như thế nào: “Nó rèn cho tôi phản xạ của việc tư duy liên tục, tìm kiếm các cơ hội mới và không nản chí trước mỗi ý tưởng thất bại”. Duy trì thói quen luyện tập tư duy cũng là cách để qua thời gian mài dũa những ý tưởng mới, khắc phục dựa trên những khiếm khuyết của ý tưởng cũ - điều không thể hoàn thiện một sớm một chiều. 

“Làm việc sâu”, một khái niệm nổi tiếng mới ra đời từ Cal Newport và ngày càng được chú ý trong những năm vừa qua, cũng đưa ra ví dụ của việc luyện tập hàng ngày như thói quen làm việc sâu cho người làm trong ngành sáng tạo. Dành mỗi ngày một khoảng thời gian nhất định để tập trung cao độ cho việc sáng tạo và duy trì trong thời gian dài, chính là thói quen nổi tiếng của nhiều nhà biên kịch nổi tiếng - những công việc đòi hỏi quá trình sáng tạo phi thường.

Netflix không thành công chỉ nhờ 1 ý tưởng tỷ đô: 7 bài học thực tế về sự sáng tạo và cách để có nó - Ảnh 4.

    3. Tranh luận luôn tạo ra những ý tưởng tốt hơn

Chúng ta luôn tự nhận mình là những con người yêu hòa bình, cũng như trong nền tảng văn hoá Á Đông thì là “dĩ hoà vi quý" - một văn hoá tránh đối đầu va chạm, vẫn luôn là tôn chỉ được ưu tiên. Mặc dù vậy, nhắc đến sự thành công của Netflix lại không thể không nhắc đến văn hoá tranh luận quan trọng của thương hiệu này, xuất phát từ chính những ngày đầu. 

Dẫu Reed là người có nhiều kinh nghiệm hơn nhưng Marc cũng có thâm niên dày dặn trong ngành truyền thông nên mỗi buổi “thuyết trình ý tưởng trong khoang xe” của họ luôn diễn ra theo cả hai chiều, phản hồi - tiếp nhận - tranh luận đã trở thành thói quen của cả hai. Nhắc về nó, Marc hồi tưởng: “Chúng tôi cao giọng và kịch liệt, tranh luận nhưng không cãi nhau. Cả hai đều muốn chứng minh là mình thuyết phục hơn, rằng ý tưởng này nên được triển khai hoặc ý tưởng này chỉ nên ở trên giấy.” 

Theo một góc nhìn khách quan, tranh luận thậm chí còn nên là tôn chỉ tối thượng của quá trình sáng tạo trong làm việc nhóm: một góc nhìn khác sẽ luôn bổ sung để hoàn thiện hơn cho bức tranh toàn cảnh, khi một sản phẩm được nhắm tới tất cả mọi người thì chính sự đa dạng từ cách mà nó được nhìn nhận cũng tạo ra sự đủ đầy cho bản thân chất lượng của ý tưởng. Từ bản chất của mỗi cá nhân, tranh luận cũng là quá trình thúc đẩy mỗi cá nhân bộc lộ những phẩm chất tốt nhất của mình, vì ai cũng muốn thắng. Mà sau cùng, khi một ý tưởng tốt ra đời sẽ đem về chiến thắng cho tất cả.

Netflix không thành công chỉ nhờ 1 ý tưởng tỷ đô: 7 bài học thực tế về sự sáng tạo và cách để có nó - Ảnh 5.

    4. Một người hướng dẫn (mentor) tốt sẽ giúp bạn tiến xa hơn và nhanh hơn

Với tấm bằng thạc sĩ về Quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford, cùng kinh nghiệm thành lập một công ty hàng trăm triệu đô trong quá khứ, Reed chắc chắn là một người đồng hành đáng quý, điều được Marc tái khẳng định nhiều lần. “Anh ấy hiểu được tầm nhìn của tôi, đồng hành và cho tôi nhiều sự trợ giúp giá trị, thứ mà chỉ người từng trải mới có thể nắm được.” Chúng ta thường nhắc đến mentor như người có thể đưa ra những gợi ý phù hợp mà quên rằng cũng chính những mentor giỏi với vốn kinh nghiệm của bản thân mới là người hiểu được tầm nhìn của những ý tưởng tốt, tìm được tiếng nói đồng điệu luôn là khởi đầu cần thiết cho bất kỳ dự định nào. 

Khi nhìn lại vào lịch sử, đã có rất nhiều tỷ phú thành công khác trên thế giới đạt được những kết quả ban đầu nhờ sự đồng hành và chỉ lối của những mentor nổi danh khác. Nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới: Warren Buffet vẫn luôn được xem là tấm gương thành công nổi bật nhưng ít ai biết những thành công ngày đầu của ông được đóng vai trò quan trọng bởi người thầy giáo trực tiếp của Warren tại Đại học: Giáo sư Benjamin Graham, người đặt nền móng cho đầu tư tài chính hiện đại. 

Một người mentor tốt với những kinh nghiệm và va vấp của bản thân họ cũng sẽ giúp bản thân bạn tránh mắc phải  hay lặp lại những sai lầm trong quá khứ, mà do đó đi nhanh và đi xa hơn, điều luôn đúng trong những bước khởi đầu, dù là ngành nghề hay lĩnh vực nào.

Netflix không thành công chỉ nhờ 1 ý tưởng tỷ đô: 7 bài học thực tế về sự sáng tạo và cách để có nó - Ảnh 6.

    5. Sự kiểm tra thực tiễn là điều quan trọng với một ý tưởng

Trước khi là nền tảng streaming trực tiếp như hiện nay, Netflix khi ra đời là nền tảng cho thuê DVD không thời hạn, không trễ phạt dựa trên cơ sở của nhà sản xuất là chi phí vận chuyển tối thiểu hoá: chỉ cần qua thư, DVD sẽ là món quà mà Netflix gửi đến qua đường bưu phẩm đến tận cửa nhà bạn. Nhưng liệu gửi đĩa qua thư có phải một ý tưởng khả thi? 

Đây là câu hỏi lớn trong những ngày đầu của những nhà sáng lập, chỉ có một cách để biết là phải trực tiếp kiểm tra. Họ đã thử gửi một đĩa DVD tới bưu cực và vô cùng bất ngờ khi nhận được chiếc đĩa nguyên của mình vào sáng hôm sau, đây chính là dấu hiệu quan trọng để họ biết rằng mình đã đúng và có thể bắt đầu triển khai. 

Chúng ta luôn có thể cảm thấy hợp lý về cách thức tư duy, sự thuyết phục luôn là điều có thể được cảm giác. Nhưng cảm giác thì không phải là thực tiễn và chính nhờ thực tiễn mà những ý tưởng mới có thể phát triển. Quy tắc về sự kiểm tra này đúng với mọi ý tưởng quá khứ của hai nhà đồng sáng lập Netflix khi họ luôn kiểm tra kĩ lưỡng, để xem và để biết không đủ nhu cầu cho những chiếc mũ bóng chày thiết kế riêng hay người ta không cần dùng dầu gội quá nhiều để bắt đầu đi vào sản xuất mặt hàng này. Đặc biệt là với bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay với sự xê dịch và biến đổi liên tục cùng những quy tắc lý thuyết đã ngày càng mai một theo thời gian, duy trì sự kiểm tra bắt buộc sẽ luôn là cách một ý tưởng tốt ra đời.

Netflix không thành công chỉ nhờ 1 ý tưởng tỷ đô: 7 bài học thực tế về sự sáng tạo và cách để có nó - Ảnh 7.

    6. Luôn giữ một cuốn sổ ý tưởng bên mình

Marc luôn cầm theo cuốn sổ nhỏ và chiếc bút bên người, ghi lại mọi điều anh quan sát và những ý tưởng chợt nảy ra từ thực tế. Một thực tế liên tục biến đổi cũng đồng nghĩa với những ý tưởng liên tục xuất hiện là điều dễ thấy, nhưng cũng chính thực tại liên tục biến đổi này còn là cơ sở để những ý tưởng cũ bỗng trở nên khả thi: đây chính là câu chuyện của Netflix, “đôi khi một ý tưởng tốt xuất hiện nhưng bản thân bạn còn không biết nó là một ý tưởng tốt, cho tới khi nó thực sự tốt". 

Khi ý tưởng về mô hình cho thuê băng đĩa xem phim được đề xuất, Reed nhanh chóng gạt nó đi khi mô hình khả dĩ duy nhất lúc bấy giờ là thông qua các băng VHS to bản, đắt đỏ và nặng nề mà BlockBuster đang triển khai (và vừa phạt anh ta 40$ vì trả băng trễ). Giống như ý tưởng về mũ bóng chày và dầu gội hay kem đánh răng, Netflix lại trở về trong cuốn sổ của Marc.

Nhưng cũng chính lúc này, DVD vừa xuất hiện tại Đài Loan và bắt đầu manh nha phát triển. Vài tháng sau, một số đĩa DVD đầu tiên xuất hiện tại Mỹ và với những thử nghiệm thành công cùng khả năng gửi đĩa qua thư, họ biết có thể đây sẽ là một ý tưởng tốt. Chỉ một thời gian ngắn sau, DVD dần trở nên vượt trội nhờ giá thành rẻ, gọn nhẹ và khả năng lưu trữ lớn, cơ hội hợp tác cùng các thương hiệu kinh doanh máy đọc đĩa khi khách hàng chỉ cần trả 100$ cho một chiếc máy đọc đĩa và Netflix sẽ cho bạn dùng thử dịch vụ miễn phí - hai nhà sáng lập biết Netflix lúc này đã là ý tưởng triệu đô. Một điều sẽ không bao giờ xảy ra nếu nó không được ghi lại trong quyển sổ của Marc rồi đi vào quên lãng. 

Thói quen giữ sổ ghi chép cũng là bài học quan trọng mà tỷ phú nổi tiếng người Anh Richard Branson luôn đề cao, ông luôn giữ cho mình một quyển sổ nhỏ về những góc nhìn thú vị trong cuộc sống và những ý tưởng mới, có lẽ đó là cơ sở để tập đoàn Vigrin có thể phát triển mạnh mẽ như ngày nay với đa dạng các lĩnh vực từ hàng không, đồ uống cho tới...sản phẩm làm mọi người đều vui.

Netflix không thành công chỉ nhờ 1 ý tưởng tỷ đô: 7 bài học thực tế về sự sáng tạo và cách để có nó - Ảnh 8.

    7. Hãy nghĩ lớn và làm điều bạn đam mê

Không chỉ có Marc và Reed, đây là điều mà mọi tỷ phú thành công đều cùng chia sẻ: nghĩ lớn. Với công việc sáng tạo mà mục tiêu là tạo ra những giá trị mới, hãy luôn tin rằng nó sẽ là ý tưởng cho tất cả mọi người, rằng bạn tạo ra nó là cho tất cả và vì tất cả. Bởi khi mà những giá trị thông thường như vật chất hay tiền bạc dần lu mờ theo thời gian, chính giá trị cao cả của một giấc mơ lớn sẽ là điều giữ bạn tiếp tục bước đi. Nghĩ lớn có thể không phải là một xuất phát điểm chung trong tư duy của tất cả mọi người nhưng đã được nhìn nhận là cách tư duy mang lại thành công cho đa số. Quyết tâm hơn một chút, nghĩ về một tương lai tốt đẹp hơn mà bạn cũng đang là người kiến tạo cho nó, khi bạn bắt đầu nghĩ lớn, bạn đã thực sự đang “lớn" lên rồi.

Luôn bắt đầu với điều bạn đam mê cũng là bài học quan trọng mà Marc đúc kết từ sự thành công của Netflix. Từng là người đưa thư trong quá khứ, Marc hồi tưởng: “Khi đứng trước bưu cục, chuẩn bị để gửi đi chiếc đĩa thử nghiệm đầu tiên, quá khứ bỗng ùa về, khi ấy tôi biết là tôi muốn làm điều này.” Đam mê không chỉ giúp bạn bắt đầu và chỉ lối, đam mê còn là chỗ dựa để bạn biết bạn vẫn đang làm điều bản thân yêu thích và tạo ra kết quả từ chính những đam mê ấy. Cũng giống như nghĩ lớn, nhiều người chúng ta không may mắn tìm ra đam mê ngay từ những bước chân đầu đời. Nhưng qua những trải nghiệm cuộc sống, nơi ta lớn lên và trưởng thành, mỗi chúng ta sẽ dần tìm thấy điều mình thích, điều mình đam mê và bắt đầu từ đó sẽ luôn là một khởi đầu hứa hẹn cho một ý tưởng sáng tạo.

Netflix không thành công chỉ nhờ 1 ý tưởng tỷ đô: 7 bài học thực tế về sự sáng tạo và cách để có nó - Ảnh 9.

Lời kết

“Netflix - Số phận thần kỳ của một ý tưởng” là cuốn hồi ký thú vị mà dù tác giả có dùng cụm từ “thần kỳ" thì chính bản thân sự ra đời ấy hoá ra lại không hề viển vông mà từ những tư duy và hành động đúng đắn. Những bài học về sáng tạo từ sự ra đời và thành công của thương hiệu này hi vọng có thể giúp bạn ít nhiều. Hãy suy nghĩ thực tế và ngừng mơ mộng, liên tục luyện tập và tư duy đồng thời không né tránh những ý kiến tranh luận. Tìm đến một người hướng dẫn tốt để có những chỉ lối đúng đắn, liên tục thử nghiệm thực tiễn để hiện thực hoá ý tưởng và không quên giữ bên mình một cuốn sổ tay cho những dự định của tương lai. Hơn hết, hãy nghĩ lớn và làm điều bạn đam mê. 

Bây giờ, hãy thử bắt đầu tư duy với những thứ bạn thích, những điều bạn đam mê rồi thử có cho mình một ý tưởng. Biết đâu, với một chút may mắn, bạn sẽ là người tiếp theo có được ý tưởng tỷ đô.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày