Nhắc đến những thiết bị điện tử, đồ gia dụng quen thuộc trong một gia đình, không thể bỏ qua cái tên máy giặt. Máy giặt ra đời hỗ trợ nhiều cho công việc làm sạch quần áo của con người, giúp tiết kiệm thời gian và công sức hơn. Cách sử dụng máy giặt khá đơn giản, chủ yếu bằng bảng điều khiển điện tử của thiết bị.
Tuy nhiên cũng có những lưu ý nhất định khi dùng thiết bị mà không phải ai cũng nắm rõ. Sau đây là một ví dụ. Đó là khi cho quần áo vào máy giặt, nên cho quần áo khô hay quần áo ướt?
Các chuyên gia về máy giặt cũng như các nhà sản xuất, phân phối cho biết, thao tác đúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động và tuổi thọ của thiết bị. Muốn tìm ra câu trả lời, người dùng cần hiểu kỹ về chính các thông số của chiếc máy giặt.
Nhiều người dùng cho rằng, cho quần áo khô hay quần áo ướt đều hợp lý như nhau. Bởi lẽ quần áo khi đưa vào thiết bị đều sẽ được xả nước, xử lý với chất tẩy rửa rồi vắt. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo rằng, tốt nhất quần áo khi đưa vào máy giặt nên ở trong tình trạng khô ráo, không bị đọng hay ngấm quá nhiều nước.
Điều này được chuyên trang Brightside khẳng định, thậm chí bài viết trên trang này còn đề cập tới: Cho quần áo ướt vào máy giặt như một sai lầm tai hại có thể khiến thiết bị bị hư hỏng, thậm chí tạo môi trường để vi khuẩn bên trong lồng máy sinh sôi. "Ẩm ướt là môi trường hoàn hảo để nấm mốc phát triển, khiến quần áo có mùi hôi khó chịu ngay cả khi giặt xong. Đó là lý do vì sao không nên cho quần áo ướt hoặc đồ thể thao đẫm mồ hôi vào máy giặt và để lâu trong đó".
Chính bởi vậy, Brightside đưa ra lời khuyên, nếu chưa có ý định giặt ngay mà quần áo lại vô tình bị đọng, thấm quá nhiều nước hay mồ hôi, người dùng cần vắt bớt, hoặc để, treo bên ngoài để quần áo khô rồi mới cho vào máy giặt.
Việc nên cho quần áo khô vào máy giặt cũng dựa trên thông số cân nặng, được quy định trên từng thiết bị. Cụ thể, theo Global Weighing News, các con số 7kg, 8kg hay 10kg trên các máy giặt chính là biểu thị cho khối lượng quần áo, trang phục khô.
Sau khi quần áo khô được đưa vào lồng giặt, máy sẽ xả thêm nước đến một mức nhất định rồi mới bắt đầu quá trình giặt. Vì vậy nếu cho quần áo ướt, lồng máy có thể vô tình bị quá tải, trở nên nặng hơn so với mức quy định, từ đó tiềm ẩn nguy cơ khiến thiết bị không thể hoạt động hiệu quả, tối ưu, lâu ngày dẫn tới hư hỏng nghiêm trọng.
Ngoài việc nên cho quần áo khô vào máy giặt, người dùng cũng cần lưu ý không nên cố đè nén quần áo vào thiết bị sao cho đầy nhất có thể. Hãy căn sao cho lượng đồ đầy khoảng 70-80%, hay 2/3 dung tích lồng giặt. Khi này, lồng giặt vẫn có đủ khoảng trống để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Dưới đây là một số cách tính đo lường khối lượng quần áo cho đồ khô được đưa ra bởi Global Weighing News. Ví dụ: 1kg đồ giặt sẽ bằng 1 áo sơ mi cộng với 2 món đồ vải bò dày, hoặc 5 áo sơ mi, hoặc 2 khăn tắm; 5kg đồ giặt sẽ bằng 5 áo sơ mi cộng với 5 món đồ vải bò dày, hoặc 25 áo sơ mi, hoặc 10 khăn tắm; 7kg đồ giặt sẽ bằng 7 áo sơ mi cộng với 7 món đồ vải bò dày, hoặc 35 áo sơ mi, hoặc 14 khăn tắm...
Với những đồ vật cồng kềnh hơn, chẳng hạn như chăn, màn, ga giường, đây là những vật dụng cần những không gian trong máy giặt hơn để được giặt đúng cách. Vì vậy người dùng hãy cân đối số lượng sao cho vừa phải, không nhồi nhét quá nhiều vào một chu trình giặt.
Máy giặt nên được đảm bảo đặt ở vị trí bằng phẳng để tránh tạo ra tiếng ồn lớn khi hoạt động. Vị trí của máy giặt cũng nên ở nơi thông thoáng, tránh nơi ẩm ướt hoặc quá nhiều ánh nắng trực tiếp. Những vị trí ẩm ướt như nhà vệ sinh, nhà tắm sẽ tiềm ẩn nguy cơ khiến máy giặt bị chập bảng mạch, hư hỏng các linh kiện điện tử hoặc bị rỉ sét các bộ phận. Còn ngược lại, ánh nắng trực tiếp chiếu vào quá lâu cũng khiến thiết bị bị suy giảm tuổi thọ.
Các chất tẩy rửa dùng cho máy giặt chính là bột và nước giặt, hay các viên giặt xả nhiều tính năng trong một. Người dùng cần sử dụng lượng vừa đủ, không nên quá nhiều cũng không nên quá ít, đồng thời phân biệt các loại phù hợp dùng riêng cho từng loại máy giặt. Có như vậy, việc làm sạch quần áo sẽ được hiệu quả, tối ưu và chính thiết bị cũng sẽ hoạt động tốt và bền hơn.
Trước khi cho trang phục vào máy giặt, hãy kiểm tra kỹ và chắc chắn rằng, không có các vật lạ, đặc biệt là những vật có thể gây nguy hiểm bên trong quần áo của bạn. Danh sách những vật này có thể kể tới là đồ bằng giấy, kim loại, vật sắc nhọn hay bật lửa.
Với các loại áo, quần có khóa kéo, đảm bảo mở khóa toàn bộ, tất bị cuộn phải được gỡ ra và giũ thẳng, các ống quần hay tay áo cũng tương tự như vậy. Với những loại trang phục có chất liệu vải dễ rách hoặc co giãn, nên được cho vào túi lưới giặt riêng biệt để được bảo vệ tốt hơn.
Cuối cùng là đừng quên lên lịch kiểm tra, vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ cho máy giặt nhà mình. Thông thường việc vệ sinh nên được tiến hành 1 tháng/lần, còn bảo dưỡng là 6 tháng/lần.