Mới đây, các chuyên gia tại NASA tiết lộ các phi hành gia sống ở Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) phải đối mặt với 1 thứ 16 lần/ngày, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ở ngoài không gian, có nhiều yếu tố có thể tác động đến sức khỏe của các phi hành gia. Chuyên gia Rachel Jansen, nhà nghiên cứu về cách vũ trụ ảnh hưởng tới giấc ngủ của các phi hành gia tại NASA, chia sẻ với trang The Washington Post: “Trạm vũ trụ ISS quay quanh Trái Đất 16 lần mỗi ngày, điều này có nghĩa là các phi hành gia đối mặt với việc mặt trời mọc 16 lần/ngày. Bình minh và hoàng hôn cách nhau mỗi 90 phút”.
Việc phải trải qua 16 lần mặt trời mọc có thể gây rối loạn nhịp sinh học, làm gián đoạn chu kỳ thức - ngủ của phi hành gia, khiến họ gặp phải tình trạng thiếu ngủ, NASA cho biết.
Các phi hành gia đối mặt với việc mặt trời mọc 16 lần/ngày.
Theo NASA, các phi hành gia phải tập trung duy trì và đảm bảo hiệu suất làm việc trong mọi giai đoạn của nhiệm vụ. Tuy nhiên, hiệu suất công việc phụ thuộc vào việc các phi hành gia có ngủ đủ giấc hàng ngày hay không. Tình trạng thiếu ngủ có thể khiến các phi hành gia bị mệt mỏi về cả thể chất lẫn tinh thần và dễ gặp sai sót khi thực hiện nhiệm vụ.
Chuyên gia nghiên cứu của NASA Erin Flynn-Evans lấy ví dụ: “Chúng tôi cử các phi hành gia, nhà khoa học lên thực hiện thí nghiệm trên trạm vũ trụ, trong một số nhiệm vụ họ phải nhỏ các chất vào các ống nghiệm ở các thời điểm khác nhau trong ngày. Nếu họ thiếu ngủ và quên làm điều này, các thí nghiệm có thể bị gián đoạn hoặc hủy bỏ, gây tổn hại rất lớn”.
Để khắc phục tình trạng thiếu ngủ do rối loạn nhịp sinh học của các phi hành gia, chuyên gia Rachel cho biết họ đã dựng thêm các khu nhà riêng cho phi hành đoàn ở trên trạm vũ trụ. Các khu nhà này có khả năng kiểm soát nhiệt độ tốt hơn cũng giảm ánh sáng và tiếng ồn từ ngoài không gian, giúp các phi hành gia có giấc ngủ ngon hơn.
“Chúng tôi thường khuyên các phi hành gia tắt đèn trước khi đi ngủ hoặc sử dụng mặt nạ mắt để chặn ánh sáng và các yếu tố gây mất tập trung. Các phi hành gia được yêu cầu ngủ đủ 8 tiếng rưỡi một ngày để duy trì nhịp sinh học đều đặn”, chuyên gia Rachel nói.
Các phi hành gia thường tắt đèn trước khi đi ngủ hoặc sử dụng mặt nạ mắt để chặn ánh sáng và các yếu tố gây mất tập trung.
Chuyên gia Rachel cũng tiết lộ thêm về tư thế ngủ ở ngoài vũ trụ: "Trong điều kiện vi trọng lực, các phi hành gia sẽ lơ lửng trong không gian. Tư thế ngủ trong không gian giống như tư thế “thây ma”, có nghĩa là cánh tay của các phi hành gia sẽ vô thức giơ lên cao khoảng ngang vai và lơ lửng ở vị trí đó. Vì vậy, một số phi hành gia sẽ dùng dây có khóa cài trói cơ thể và hai tay vào một trong những bề mặt tường tại các phòng ở trạm vũ trụ để cơ thể không vô thức bay lơ lửng trong lúc ngủ".
Chuyên gia Erin nhấn mạnh với CNN: “Giấc ngủ có liên quan mật thiết đến hiệu suất làm việc, sự tỉnh táo, khả năng giao tiếp giữa người với người. Vì vậy, chúng tôi muốn đảm bảo rằng các phi hành gia luôn có chất lượng giấc ngủ tốt”.
(Theo NASA.gov, The Washington Post, CNN)