Ông Lưu (60 tuổi, sống ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) gần đây đã phải nhập viện khẩn cấp sau khi ngất xỉu tại nhà. Kết quả chẩn đoán cho thấy ông nhiễm ký sinh trùng sán lợn trong não, nguyên nhân được xác định là do thói quen ăn tiết canh kéo dài nhiều năm.
Người nhà cho biết, ông Lưu bắt đầu xuất hiện những triệu chứng kỳ lạ từ nhiều năm trước, khi ông bắt đầu ăn tiết canh. Những lúc bệnh nhẹ, ông chỉ cảm thấy chóng mặt, đau đầu, nặng thì ngất xỉu. Chỉ trong vòng một năm qua, ông đã ngất xỉu tới 5, 6 lần.
Tiết canh là thực phẩm nguy hiểm.
Con trai ông Lưu tiết lộ: "Khoảng 5, 6 năm trước, bố tôi bắt đầu thích uống tiết heo sống vì nghe nói nó bổ cơ thể, chữa bệnh tật. Chúng tôi không ngờ lại xảy ra chuyện như thế này". Anh còn cho biết thêm, tại quê nhà, việc dùng tiết canh trong dịp Tết là một tập tục phổ biến, được nhiều người tin là có tác dụng bổ dưỡng, đem lại may mắn, sức khỏe.
Bác sỹ chuyên khoa truyền nhiễm trực tiếp điều trị cho ông Lưu cho biết có rất nhiều ký sinh trùng trong não bệnh nhân, điều này được xác định qua hình ảnh cộng hưởng từ. Xét nghiệm máu cũng cho kết quả dương tính với kháng thể IgG của ấu trùng sán dây lợn.
Sau ba đợt điều trị, tình trạng của ông Lưu đã cải thiện đáng kể, các triệu chứng đau đầu, chóng mặt không còn xuất hiện nữa. Tuy nhiên, các bác sỹ cảnh báo rằng ông được như vậy cũng là may mắn, nếu để chậm hơn sẽ không thể cứu vãn. Bác sỹ cũng dặn ông từ bỏ thói quen ăn tiết canh cũng như thận trọng với các phương thuốc dân gian chưa được kiểm chứng. Nếu cơ thể có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, nên đi khám ngay lập tức.
Hè năm ngoái, một trường hợp suýt chết vì tin theo cách thức chữa bệnh vô căn cứ khác cũng làm xôn xao dư luận Trung Quốc. Một bé gái 9 tuổi ở Tuyền Châu, Phúc Kiến, bị một con vật nào đó cắn vào mu bàn chân lúc đang ngủ. Bà ngoại nhìn vào vết thương, đoán rằng cháu bị rết cắn. Sau khi rửa sạch, bà học theo cách lấy độc trị độc trong phim, quyết định dùng nhện độc để "đánh bại" rết độc. Bà bắt một con nhện đặt lên vết thương của cháu gái, khiến cô bé bị nhện độc cắn.
Người bà tin rằng sau một đêm, cháu mình sẽ đỡ hơn; nào ngờ ngày hôm sau tình trạng thương tổn của cô bé không cải thiện, thậm chí còn chảy máu nghiêm trọng. Lúc này, gia đình hoảng sợ biết rằng cách "lấy độc trị độc" đã thất bại, liền đưa bé đến bệnh viện. Lúc này, chân bé gái đã sưng rất to, có máu bầm dưới da, nướu răng chảy máu. Sau khi kiểm tra, bác sỹ phát hiện rằng vết thương của bệnh nhi không chỉ chứa chất độc của rắn mà còn có chất độc của nhện.
Nhờ được dùng thuốc đặc trị, cô bé dần dần hồi phục.