Trời nắng như đổ lửa, thời tiết trở nên oi bức, và đâu đó trong gió thoang thoảng mùi... trứng rán - đó là những dấu hiệu cho thấy một mùa hè cực kỳ dữ dội đang xảy ra.
Nắng nóng thì dĩ nhiên chẳng ai thích. Chẳng những cháy da, đen thịt, trời nóng còn dễ khiến con người ta đổ bệnh vì say nắng, thậm chí có trường hợp tử vong nếu không được chú ý kịp thời. Tuy nhiên với một số người, nắng nóng không phải là vấn đề thích hay không, mà còn là nỗi đau khổ đến cùng cực.
Đó là những người mắc phải chứng viêm da do ánh sáng (PMLE) - hay còn có tên gọi khác là "dị ứng nắng".
Dị ứng với nắng - một căn bệnh có thật và hết sức phổ biến
Giống như bao chứng dị ứng khác, người mắc PMLE sẽ bị nổi mẩn ngứa khi tiếp xúc với ánh nắng Mặt trời. Dĩ nhiên, Mặt trời cũng có nhiều tác nhân khiến da bạn nổi mẩn, nhưng đa phần là do bạn có một làn da quá nhạy cảm với ánh nắng.
Các nốt mẩn ngứa sẽ lan từ tay ra toàn thân, và theo Lauren Strapagiel - một bệnh nhân không may mắc phải chứng bệnh này, thì nó ngứa đến mức không gãi không chịu được. Bi kịch hơn, càng gãi thì tình trạng càng nặng, khiến đôi bàn tay trở thành thảm họa của thẩm mỹ.
Đôi tay trở thành thảm họa thẩm mỹ
Theo một số thống kê trên thế giới, đây là một căn bệnh tương đối phổ biến, với tỷ lệ mắc lên tới 15% dân số. Tuy nhiên, bệnh chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ có làn da trắng, và phổ biến hơn ở các vùng phương Bắc.
Dị ứng nắng, nhưng không hẳn là dị ứng
Theo bác sĩ Whitney High - giám đốc viện da liễu của ĐH Colorado thì căn bệnh này không hẳn là dị ứng dù triệu chứng khá giống.
Về tổng thể, dị ứng là cách hệ miễn dịch phản ứng thái quá với một số protein đặc biệt có trong thực phẩm, phấn hoa, hoặc lông động vật. Nhưng với bệnh PMLE, nguyên nhân lại là vì tia cực tím trong ánh Mặt trời.
Lý do tại sao có người mắc bệnh này chưa được tìm ra. Còn về cơ chế, tia cực tím lại kích thích hệ miễn dịch phản ứng, gây viêm, sưng, ngứa ngáy, nổi mẩn khắp người.
"Ngay cả ở thời điểm hiện tại, khoa học vẫn chưa biết lý do vì sao có người mắc phải bệnh này" - High cho biết.
Dấu hiệu nhận biết bạn bị dị ứng nắng
Dấu hiệu quan trọng nhất chính là thời gian da nổi mẩn. "Thường là sau khoảng 4 - 6h tiếp xúc với ánh nắng, bạn sẽ thấy da nổi mẩn đỏ và ngứa ngáy" - High chia sẻ.
"Các vết mẩn tồn tại trong 2 - 3 ngày, rồi hệ miễn dịch bắt đầu "bình tĩnh" trở lại và đưa da bạn về bình thường."
Tin buồn: bệnh không có cách chữa
Cũng giống như các bệnh dị ứng khác, chứng dị ứng nắng không thể biến mất hoàn toàn được. Thay vào đó, người bệnh chỉ có thể làm giảm bớt các triệu chứng nhờ kem chống ngứa và các loại thuốc trị viêm như corticosteroid.
Ngoài ra, những người mắc PMLE cần hạn chế tiếp xúc ánh nắng một cách tối đa. Khi ra đường lúc trời nắng, các bộ phận trên cơ thể cần được che chắn một cách cẩn thận. Và lưu ý này, kem chống nắng cũng không giúp ích gì đâu.
Và tin vui: đây không phải căn bệnh nguy hiểm
Bác sĩ High chia sẻ: "Căn bệnh này không gây hại. Nó không khiến bạn ung thư hay viêm nhiễm gì hết. Bạn cũng chẳng thể lây được bệnh cho ai cả."
Vấn đề duy nhất chỉ là vấn đề thẩm mỹ. Dù vậy, trên thị trường vẫn có một số loại thuốc có thể giảm bớt tình trạng bệnh. Ngoài ra chỉ cần hạn chế kiêng khem một chút là đủ để bạn sống thoải mái rồi.