Sáng nay 22/11, tại Nhà Thái Học thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) bắt đầu diễn ra Vòng Chung kết Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”. Đây là sự kiện ý nghĩa, tiếp nối thành công của mùa đầu tiên, nhằm tìm kiếm và tôn vinh những nỗ lực vì cộng đồng, đồng thời thúc đẩy sự lan tỏa của các sáng kiến tiêu biểu, kết nối những cá nhân và tổ chức cùng chung mục tiêu, góp phần xây dựng một xã hội nhân ái và một tương lai bền vững.
Sau thời gian làm việc nghiêm túc, khách quan và công tâm, Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 32 dự án xuất sắc nhất vào Vòng Chung kết. Và "Nâng bước em đến trường", "Con nuôi nuôi Đồn Biên phòng là 1 trong những dự án hành động vì cộng đồng lọt vào Vòng Chung kết.
Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.
BĐBP luôn gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc vùng biên giới, hải đảo. Tận mắt chứng kiến cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn của đồng bào. Đảng ủy - Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng tích cực tham gia củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương.
Riêng trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đã có nhiều chương trình, mô hình hay, cách làm sáng tạo giúp đỡ các cháu học sinh nghèo được cắp sách tới trường như: “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thắp sáng ước mơ cho em”, “Bữa sáng cho em”… Đặc biệt là Chương trình “Nâng bước em tới trường” được triển khai thực hiện từ năm 2016; Chương trình "Con nuôi Đồn Biên phòng" được thực hiện từ năm 2019.
Chương trình “Nâng bước em tới trường”: Giai đoạn 2010 - 2015, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Trung ương và các địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, đời sống đồng bào các dân tộc từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, khu vực biên giới còn những vấn đề bất cập, yếu kém so với các địa bàn khác như: Hệ thống chính trị cơ sở một số địa phương còn hạn chế; cơ sở hạ tầng còn khó khăn, nhiều công trình hiệu quả sử dụng thấp; các cơ sở y tế chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân; tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ, học sinh bỏ học, không có điều kiện đến trường ở một số địa bàn còn cao; nhiều phong tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại, một số hoạt động văn hóa truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc đang bị lợi dụng, mai một, biến dạng...
Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đời sống khó khăn của Nhân dân để đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các tuyến biên giới cơ bản ổn định, song vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.
Trước thực trạng đó, năm 2016, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, nhằm hỗ trợ nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”: Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, các đơn vị BĐBP đã hỗ trợ phần lớn các cháu có hoàn cảnh khó khăn và đưa một số cháu về đồn chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có điều kiện theo học, có nguy cơ bỏ học, thất học... Cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhiều gia đình mong muốn các đơn vị BĐBP tiếp tục quan tâm, chăm lo, giúp đỡ các cháu nhiều hơn. Từ thực tiễn đó, Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng”, để tiếp tục nhận nuôi các em là người dân tộc thiểu số rất ít người và dân tộc thiểu số có khó khăn đặc biệt; các em mồ côi, không nơi nương tựa; các em là con liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách...
Chương trình được triển khai trên 44 tỉnh thành có biên giới của Việt Nam, cả biên giới đất liền và biên giới biển (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang).
Tổng số học sinh đã nhận được hỗ trợ của dự án từ 2016 đến nay: Trung bình mỗi năm học khoảng 3.500 cháu. Tính đến nay đã hỗ trợ hơn 30.000 lượt cháu. Tổng ngân sách hỗ trợ đến thời điểm hiện tại: Khoảng 200 tỷ đồng
- Đối với Chương trình “Nâng bước em tới trường”: Hỗ trợ 500.000đ/cháu/tháng (đến khi học hết lớp 12). Từ khi triển khai đến nay có 28.000 lượt cháu được hỗ trợ. Năm học 2023 - 2024 hỗ trợ 2.231 cháu, với số tiền đã tài trợ cho chương trình này là 135 tỷ đồng.
- Đối với các cháu trong Chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng”: Để chăm lo chu đáo cho các cháu, cùng với việc đảm bảo toàn bộ chi phí nuôi dưỡng, hằng tháng căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng cháu, các đơn vị hỗ trợ mỗi cháu 200.000đ/tháng để phục vụ chi phí sinh hoạt, học tập. Tổng chi phí cho mỗi cháu khoảng 3 triệu đồng/tháng.
+ Vào đầu năm học hỗ trợ sách, vở, trang phục, phương tiện đến trường cho tất cả các cháu.
+ Tặng quà cho các cháu trong các dịp Lễ, Tết.
+ Từ khi triển khai đến nay đã nhận nuôi 2.000 lượt cháu. Năm học 2023 - 2024 nhận nuôi 312 cháu tại 227 đồn Biên phòng, với số tiền hỗ trợ cho các cháu trong chương trình này là 65 tỷ đồng.
- Chương trình được triển khai thực hiện trên tất cả 433 Đồn Biên phòng trên cả nước.
Các cháu được Bộ đội Biên phòng đỡ đầu đã thường xuyên tới trường, bám lớp, tiến bộ về học tập, rèn luyện và thể chất; nhiều cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số từ chỗ còn tự ti về hoàn cảnh gia đình nay đã mạnh dạn, hòa nhập và tự tin hơn. Kết quả, thành tích học tập, rèn luyện của các cháu được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh Khá, Giỏi năm sau đều cao hơn năm trước, nhiều cháu đạt giải kỳ thi các cấp; được các thầy cô, nhà trường khen ngợi, biểu dương. Cụ thể:
+ 03 cháu đạt giải các kỳ thi quốc gia; 42 cháu đạt giải các kỳ thi cấp tỉnh; 63 cháu đạt giải các kỳ thi cấp huyện.
+ 621 cháu tốt nghiệp phổ thông trung học; 215cháu đỗ các trường đại học, cao đẳng. Gần 6.000 lượt cháu đạt danh hiệu học sinh Giỏi cấp trường.
Có mặt tại Vòng Chung kết Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024, Thiếu tướng Văn Ngọc Quế - Phó chủ nhiệm chính trị Bộ đội biên phòng và các đồng chí thuộc Cục Chính trị bộ Quốc phòng chia sẻ về hành trình của "Nâng bước em đến trường", "Con nuôi đồn Biên Phòng".
"Giải thưởng hành động vì cộng đồng này là một trong những nội dung hết sức có ý nghĩa để lan tỏa những việc làm tốt trong xã hội. Đối với bộ đội Biên Phòng là sự tri âm của bộ đội đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi biên giới. Đây là nguồn động viên đối với cán bộ chiến sĩ bộ đội Biên Phòng tiếp tục làm nhiều việc tốt và riêng việc này phải tiếp tục làm tốt hơn nữa và đúng với ý nghĩa ươm mầm bảo vệ biên cương".
Theo Thiếu tướng Văn Ngọc Quế - Phó chủ nhiệm chính trị Bộ đội biên phòng cho biết sắp tới sẽ còn rất nhiều chương trình được triển khai. Ở mỗi một vùng miền địa phương, các chiến sĩ lại vận dụng và sáng tạo để chương trình phù hợp hơn, hiệu quả hơn mang đến sức mạnh lan tỏa cao. Sự nghi nhận của nhân dân, đồng bào chính là động lực để bộ đội biên phòng làm tốt hơn nữa.
Chương trình "Nâng bước em tới trường" là Chương trình được thực hiện xuyên suốt từ năm này qua năm khác, liên tục chọn các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn khu vực biên giới để nhận nuôi và hỗ trợ các cháu đủ điều kiện được cắp sách đến trường. Từ chương trình “Nâng bước em tới trường”, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo và phê duyệt Kế hoạch số 1670/KH-CCT ngày 27/7/2019 của Cục Chính trị về thực hiện Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” trong BĐBP, với các nội dung, chỉ tiêu, hình thức triển khai thực hiện cụ thể, thiết thực để nhận các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nuôi dưỡng tại các đồn Biên phòng.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề "Cộng đồng kiến tạo" tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West, Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:
1. Ra mắt ấn phẩm "Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam" – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
2. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:
PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.
Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.
Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực
Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, Tiktok
Human Act Prize 2024 quy tụ các dự án phát triển bền vững, các sáng kiến đóng góp cho cộng đồng của nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nước, như Công ty Cổ phần Canifa, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, đội ngũ sản xuất chương trình Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly, quỹ học bổng Vừ A Dính, và nhiều đơn vị khác…
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org