Nạn nhân của "Thức khuya để trả thù" đang ở khắp nơi: 24 tiếng một ngày nhưng không có nổi 1 phút cho riêng mình

Hải My, Theo Đời sống Pháp luật 20:33 16/05/2025
Chia sẻ

Nhiều khi thức khuya không phải vì bận chạy deadline hay đang hóng dở drama tình ái nào đó, mà chỉ đơn giản là thấy ấm ức vì cả ngày chưa có thời gian cho riêng mình.

Bạn đã từng rơi vào cái “bẫy” quen thuộc này chưa? Sau một ngày dài lê lết từ deadline đến họp hành, về tới nhà ăn uống, dọn dẹp, tắm giặt xong xuôi là đồng hồ cũng đã điểm gần 10h. Cơ thể lẫn tâm trạng đều mệt mỏi, hai mắt đã bắt đầu díp lại, réo gọi “ngủ đi” nhưng bạn vẫn cố gắng trì hoãn, cầm điện thoại lên và lướt mạng xã hội.

Hết Instagram, TikTok, đến cả tin nhắn nhóm bạn đã bỏ quên từ sáng, cái gì cũng phải xem qua một lượt. Dù nội dung chẳng mấy đặc sắc, bạn vẫn bám trụ như đang chờ đợi điều gì đó bất ngờ sẽ hiện ra từ cú vuốt tiếp theo. Dù là một video viral, hay drama tình ái nào đó hoặc đơn giản chỉ là meme giải trí cũng đủ để thêm dopamine cho một ngày uể oải vừa trôi qua.

Nhưng rồi vì não bộ đã quá mệt mỏi, đến mức không còn đủ sức dung nạp thêm bất cứ sự thú vị nào. Và thế là, bạn ngủ thiếp đi trong vô thức, điện thoại vẫn còn nguyên trên tay và chạy đi chạy lại một video cho tới tận sáng. Khi tỉnh dậy với tiếng chuông báo thức, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy khó chịu, đôi mắt sưng húp, tâm trí thì không muốn rời khỏi giường.

Đó cũng là lúc bạn tự nghĩ rằng: “Tại sao đêm qua mình không ngủ sớm hơn nhỉ?”. Cứ thế, một ngày làm việc đầy mệt mỏi lại lặp lại, các diễn biến tiếp theo cũng cứ như vậy mà thành một vòng tròn vô tận mà không có cách nào thoát ra.

Nạn nhân của "Thức khuya để trả thù" đang ở khắp nơi: 24 tiếng một ngày nhưng không có nổi 1 phút cho riêng mình- Ảnh 1.

Thức khuya rồi uể oải khi dậy sớm cứ như một vòng lặp mà ai cũng đã từng

Thật ra thì, bạn không cần cầm điện thoại hay lướt MXH đến vậy đâu! Bạn chỉ đang cố gắng trì hoãn, kéo dài vài phút ít ỏi tự do cuối ngày, điều mà ban ngày bạn chẳng có được mà thôi.

Hội chứng này được gọi tên là “Revenge bedtime procrastination", được dịch là trì hoãn giờ đi ngủ để trả thù cuộc đời hay ngắn gọn hơn là: Thức khuya để trả thù đời.

Thực tế, đây là câu chuyện rất phổ biến với người trẻ hiện nay, nhất là những ai làm các công việc văn phòng. Hiệu ứng tâm lý này lần đầu được mô tả trong một bài báo khoa học năm 2014, đăng trên tạp chí Personality and Social Psychology. Nó mô tả cho việc một người dù đã rất mệt, rất buồn ngủ, biết ngày mai cần dậy sớm nhưng vẫn cố tình thức khuya. Lý do đơn giản là vì không cam tâm để một ngày trôi qua mà chẳng có chút thời gian nào cho riêng mình.

Hiểu đơn giản, “Revenge bedtime procrastination” là việc cố tình thức khuya dù không có lý do bắt buộc nào rõ ràng, nhằm giành lại cảm giác tự chủ về thời gian cá nhân khi ban ngày đã bị công việc, học hành hoặc trách nhiệm gia đình "chiếm dụng" toàn phần. Từ “revenge” (trả thù) ở đây không mang nghĩa tiêu cực, mà đúng hơn là một kiểu “trả đũa ngầm” đối với guồng quay bận rộn, căng thẳng và thiếu công bằng về thời gian.

Nạn nhân của "Thức khuya để trả thù" đang ở khắp nơi: 24 tiếng một ngày nhưng không có nổi 1 phút cho riêng mình- Ảnh 2.

Chẳng hạn như cả ngày bị deadline rượt, họp hành dồn dập, trả lời tin nhắn công việc không ngừng nghỉ, thì tối đến bạn thấy mình xứng đáng được sống một chút cho bản thân. Đôi khi thức khuya chỉ là để lướt TikTok, xem Netflix, chơi điện tử hay đơn giản là nằm trơ mắt nhìn trần nhà. Và thế là, thay vì đi ngủ lúc 10h như lời bác sĩ khuyên, bạn tự dỗ mình bằng câu cửa miệng: “Coi chút rồi ngủ”, “Chơi nốt ván này rồi off”, “Lướt vài cái nữa thôi”. Nhưng ai cũng biết cái “chút” đó dễ dàng kéo dài tới… 2h sáng.

Theo các nhà nghiên cứu tâm lý học, những người dễ bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng trì hoãn giấc ngủ để trả thù nhất chính là những người có nhu cầu trả thù cao nhất. Họ là đối tượng bận rộn trong phần lớn thời gian vào ban ngày, ví dụ như học sinh, sinh viên, người đi làm, những bậc cha mẹ có con nhỏ,...

Một nghiên cứu năm 2019 đăng trên tạp chí Frontiers in Neuroscience cho biết phụ nữ dễ vướng phải hiện tượng này hơn nam giới, và những người thường xuyên thức khuya, thuộc nhóm cú đêm sẽ dễ bị tâm lý không ngủ để trả thù hơn người bình thường. Một nghiên cứu khác trên tạp chí Journal of American College Health cho biết có khoảng 1 phần 3 học sinh sinh viên bị vướng phải vấn đề này, do áp lực học tập đặt lên họ.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người nhận ra bản thân là “nạn nhân” của chính mình trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát thời gian.

Hương Ly (27 tuổi, TP.HCM) - nhân viên văn phòng chia sẻ: “Ban ngày mình không có phút nào rảnh cho bản thân, nên đêm là lúc mình cố kéo dài để được tự do. Mình cũng biết thói quen này không tốt nhưng thực sự không thể nào an tâm đi ngủ sớm nếu như không cầm điện thoại lướt MXH. Vì cảm giác như mình đã bỏ lỡ một thứ gì đó trong cuộc sống”.

Trang Kim (28 tuổi, Hà Nội) cũng tương tự, cô bạn bày tỏ: “Mình phải dậy từ 6h sáng mỗi ngày để chuẩn bị cho việc đưa con đi học, rồi mình đi làm. Tối về nấu cơm, cho con ăn uống, học bài rồi cho con đi ngủ,... loanh quanh cũng phải 9h mình mới bắt đầu có thời gian cho bản thân. Nên lúc đó mới bắt đầu cầm điện thoại cập nhật tin tức, chat chit với bạn bè,... Cứ nghĩ xem một chút thôi thế mà cũng tới khuya, 12h đêm mới đi ngủ”.

Nhìn chung, từ sinh viên đến những người đi làm, ai cũng từng ít nhất một lần rơi vào vòng xoáy thức khuya, mệt mỏi nhưng lại tiếp tục thức khuya. Cứ thế, một kiểu "trả thù ngọt ngào nhưng đắt giá" lặp đi lặp lại, khiến người trong cuộc vừa thấy đã đời, vừa thấy… “khủng hoảng”.

Nạn nhân của "Thức khuya để trả thù" đang ở khắp nơi: 24 tiếng một ngày nhưng không có nổi 1 phút cho riêng mình- Ảnh 3.

Một phân tích tổng hợp cho thấy trì hoãn giấc ngủ liên quan đến chất lượng giấc ngủ kém hơn, thời gian ngủ ngắn hơn và tăng tình trạng mệt mỏi trong suốt cả ngày hôm sau. Những người trì hoãn giấc ngủ thường có biểu hiện bồn chồn, mất tập trung, mất kiểm soát bản thân.

Thiếu ngủ tiếp tục gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần khác như suy giảm trí nhớ, hiện tượng "brain fog" hay "hội chứng não sương mù" khiến bạn không thể ghi nhớ điều gì, mất tập trung và giảm khả năng suy nghĩ nhạy bén. Điều này dễ khiến bạn đưa ra những quyết định sai lầm vào ngày làm việc hôm sau, gia tăng cảm giác lo lắng, căng thẳng và khó chịu, cáu kỉnh. Nếu thiếu ngủ không được điều trị, hậu quả lâu dài có thể bao gồm cả bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, hệ miễn dịch suy yếu, các vấn đề về hormon và các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, căng thẳng kéo dài.

Song, nếu bạn cũng đang thấy mình thức đến 1h sáng mỗi đêm chỉ để "kịp xem vài tập phim" hay "được im lặng một mình", thì đừng vội trách bản thân thiếu kỷ luật. Bởi đây không chỉ là chuyện của một chiếc đồng hồ sinh học đảo lộn, mà là câu chuyện rất con người: chúng ta thèm cảm giác tự do, thèm được sống chậm, thèm có quyền quyết định cách mình dùng thời gian dù chỉ là vài giờ trong ngày.

Nạn nhân của "Thức khuya để trả thù" đang ở khắp nơi: 24 tiếng một ngày nhưng không có nổi 1 phút cho riêng mình- Ảnh 4.

Tuy vậy, cũng không thể để bản thân trượt mãi trong cái vòng luẩn quẩn ấy. Giải pháp không phải là ép mình ngủ lúc 10h ngay từ hôm nay, mà tập cách phân bổ lại thời gian trong ngày. Có thể dành 15 phút buổi trưa để nghe nhạc, 10 phút chiều để đi bộ quanh nhà, hoặc đơn giản là không quá khắt khe với chính mình khi muốn nghỉ một chút.

Cũng đừng quên tắt bớt thông báo, giới hạn thời gian dùng mạng xã hội trước khi ngủ, hoặc chuyển các thói quen giải trí sang khung giờ sớm hơn buổi tối, để đêm thực sự là khoảng thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa chứ không phải gồng mình sống nốt phần còn lại của một ngày.

Vì suy cho cùng, giấc ngủ không phải là phần thời gian thừa ra trong ngày, mà là điều thiết yếu để bạn có sức sống cho ngày mai. Và trong cuộc chiến "trả thù" bằng việc thức khuya, kẻ thua cuộc đau đớn nhất… vẫn là chính bạn với đôi mắt gấu trúc và một ngày mới bắt đầu bằng sự uể oải thay vì năng lượng.

(Tổng hợp)

Ảnh minh hoạ bằng AI

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày