Tòa án bang Delaware (Mỹ) mới đây đã đưa ra phán quyết về tranh chấp bản quyền thuốc ung thư giữa hai "ông lớn" ngành dược AstraZeneca và Pfizer.
Theo bồi thẩm đoàn, thuốc ung thư phổi Tagrisso của AstraZeneca đã vi phạm quyền sáng chế của công ty con Wyeth, được Pfizer mua lại kể từ năm 2009. Tòa án cho biết hai bằng sáng chế vi phạm có liên quan đến thuốc điều trị ung thư vú Nerlynx, do Puma Biotechnology sản xuất. Puma mua bản quyền thuốc từ Pfizer.
Cùng với đó, Pfizer nhận được số tiền bồi thường 107,5 triệu USD từ phía AstraZeneca.
AstraZeneca phải bồi thường 107,5 triệu USD vì vi phạm bản quyền thuốc ung thư
Người phát ngôn của AstraZeneca cho biết công ty rất thất vọng với phán quyết từ bồi thẩm đoàn. Hãng vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thuốc Tagrisso và cam kết "mạnh mẽ bảo vệ quyền này".
Đại diện Pfizer không trả lời các yêu cầu bình luận về phán quyết mới, trong khi Puma không còn là nguyên đơn của vụ kiện.
Theo báo cáo từ phía AstraZeneca, thuốc ung thư Tagrisso đã đem lại cho hãng doanh thu gần 5,8 tỷ USD vào năm ngoái. AstraZeneca phủ nhận việc vi phạm các bằng sáng chế và cho rằng chúng không hợp lệ.
Năm 2021, Pfizer kiện AstraZeneca vì vi phạm bản quyền, lập luận Tagrisso sử dụng chất ức chế kinase để điều trị ung thư theo cách tương tự như Nerlynx.
Tagrisso là thuốc ức chế yếu tố phát triển biểu mô thế hệ ba có trong ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn. Thuốc được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt lần đầu tiên vào tháng 11 năm 2015, phê duyệt hoàn toàn vào năm 2017.
Nerlynx là thuốc điều trị ung thư vú khi kết thúc liệu pháp Trastuzumab hoặc dự phòng tái phát ung thư vú. Tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Nerlynx sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.
Pfizer Inc. là một tập đoàn đa quốc gia về dược phẩm và công nghệ sinh học của Mỹ
Thẩm phán Matthew Kennelly sẽ tổ chức một phiên tòa xét xử riêng biệt đối với một số biện pháp bào chữa còn lại của AstraZeneca vào tháng 6.
Trong một diễn biến khác, tuy thắng 107,5 triệu USD từ AstraZeneca, nhưng Pfizer hôm 16/5 không đạt được thành công trong việc cáo buộc Moderna sao chép công nghệ mRNA của Pfizer. Văn phòng Bằng sáng chế châu Âu đã giữ nguyên giá trị pháp lý của một trong những bằng sáng chế quan trọng của Moderna.
Từ năm 2022, Moderna đã vướng vào một cuộc chiến pháp lý với Pfizer-BioNTech về vắc xin COVID-19. Vắc xin này bị cáo buộc sao chép công nghệ mRNA của Pfizer và tạo ra hàng tỷ USD doanh thu trong thời kỳ đại dịch.
BioNTech cho biết quyết định của Văn phòng Bằng sáng chế Châu Âu "không làm thay đổi lập trường kiên định và rõ ràng của chúng tôi rằng bằng sáng chế của Moderna không hợp lệ".
Theo Reuters