Gần đây, trên mạng xã hội Trung Quốc lan truyền mạnh mẽ một đoạn video ghi lại cảnh thầy giáo cõng học sinh trên lưng, theo sau là một cụ bà với dáng vẻ già nua, khắc khổ.
Được biết, người thầy tên là Vương, hiện đang là hiệu trưởng của một trường THCS tại Trùng Khánh. Người học trò do mắc căn bệnh lạ, gia đình lại không có ai ngoài bà nội nên thầy luôn là người cõng em về nhà.
Khi đoạn video nổi tiếng khắp các diễn đàn, người ta dành rất nhiều lời khen cho thầy Vương. Song, thầy Vương luôn coi đây là "chuyện nhỏ" và chia sẻ có hai tâm nguyện muốn thực hiện...
"Thầy Vương, Tiểu Quân lại ngủ quên trong phòng thư viện", sáng ngày 5/3, thầy hiệu trưởng Vương đang chuẩn bị đến lớp học thì nhận được cuộc gọi từ người phụ trách phòng thư viện của trường. Cậu bé Tiểu Quân, người mắc chứng ngủ gật tại lớp, hôm nay còn ngủ ở thư viện chưa dậy.
Thầy Vương yêu cầu giáo viên trông chừng học sinh trước trong khi gọi được bà nội của cậu đến đón.
Thầy Vương cõng cậu bé trên lưng, theo sau là bà nội của Tiểu Quân
11h trưa, một cụ bà lật đật chạy tới ký túc trong tình trạng thở dốc rồi tỏ vẻ ngạc nhiên và ái ngại khi cháu trai vẫn đang ngủ say. Sau đó, thầy Vương cõng cậu bé trên lưng, đi bộ từ tầng 4 xuống bãi để xe và tiếp tục đưa học trò về đến tận nhà.
Đây không phải là lần đầu tiên thầy Vương bế Tiểu Quân về nhà, ông đã làm "chuyện nhỏ" này gần hai năm.
Thầy hiệu trưởng cho biết, Tiểu Quân là đứa trẻ có hoàn cảnh đáng thương. Sau khi bố mẹ ly hôn thì mỗi người đi một nơi lập nghiệp, bỏ cậu lại cho bà nội chăm sóc.
Ngay từ hồi mới vào trường cấp 2 thì cậu đã xuất hiện triệu chứng buồn ngủ kỳ lạ. "Tiểu Quân đi ngủ lúc 10 giờ tối, nếu không đánh thức thì cậu bé có thể ngủ đến chiều hôm sau hoặc thậm chí là không tỉnh lại". Đôi khi ở trên lớp, cậu cũng tự nhiên lăn đùng ra ngủ, bất chấp là đang trong giờ học hay giờ ra chơi. Nhiều lần, Tiểu Quân ngã xuống sàn khiến đầu chảy máu, thầy Vương phải đưa đến bệnh viện kiểm tra.
"Kiểm tra không phát hiện vấn đề gì khác. Bác sĩ nói cậu bé chỉ buồn ngủ thôi, nhưng nếu không tỉnh lại, tính mạng sẽ nguy hiểm nên cần có người trông chừng Tiểu Quân khi nghỉ ngơi." Sau này, khi gặp phải tình huống như vậy, thầy Vương sẽ gọi điện thoại cho bà nội trước, rồi tùy tình hình mà đưa cậu bé về nhà hoặc đến bệnh viện.
Thầy Vương nói với phóng viên rằng, việc thầy giúp đỡ Quân là bình thường, bởi bất kỳ người giáo viên nào cũng sẽ làm như vậy.
"Ông bà của cậu bé đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe không tốt. Hiện nay ông nội vẫn đang đi làm để kiếm tiền nuôi gia đình. Thực sự tôi rất băn khoăn về hoàn cảnh của Tiểu Quân", thầy hiệu trưởng chia sẻ.
Cũng theo thầy Vương, qua thời gian dài quan sát, thầy phát hiện ra rằng nếu Tiểu Quân tâm trạng không tốt vào buổi tối hoặc môi trường xung quanh quá ồn ào thì cậu sẽ buồn ngủ nặng nề.
Sau hai năm thầy Vương nỗ lực động viên và khích lệ, hiện Quân đã dần dần giảm bớt chứng bệnh kỳ lạ này. Suốt học kỳ vừa qua, cậu bé chỉ bị ngủ sâu khoảng 2-3 lần.
"Không biết khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cậu ấy có tăng lên hay không. Tôi định đưa Tiểu Quân đi chạy marathon và tập thể dục nhiều hơn", thầy Vương nói và đặt niềm hi vọng sẽ sớm gặp được chuyên gia có thể giúp chẩn đoán và điều trị cho Tiểu Quân.
Chia sẻ với phóng viên, ông nội của Tiểu Quân nói thầy Vương là người rất tốt, bất cứ khi nào Quân gặp khó khăn trên lớp học thì thầy đều nhiệt tình giúp đỡ.
Tiểu Quân mắc căn bệnh kỳ lạ, chỉ cần ngủ là rất khó để tỉnh lại
Dịp năm mới vừa qua, thầy Vương còn tổ chức sự kiện về những đứa trẻ bị bỏ rơi để tìm mẹ cho Quân nhưng vẫn chưa có tin tức.
"Đã 10 năm rồi, kể từ khi bố mẹ của Quân rời đi thì chúng tôi chưa từng liên lạc với nhau. Về căn bệnh của nó, gia đình đã nhiều lần đưa Quân đến các bệnh viện lớn nhưng không thể làm gì được. Tôi chỉ biết cảm ơn thầy Vương đã giúp cháu tôi ngày càng tiến bộ hơn", ông nội chia sẻ.
"Thầy Vương đã biến trường học thành nơi hỗ trợ học sinh bằng những hành động ấm lòng, tất cả chúng tôi đều vô cùng xúc động sau khi chứng kiến điều đó", thầy Lưu, phó hiệu trưởng chia sẻ.
Cũng theo thầy Lưu, thầy Vương vốn là người rất nhiều tình với các phong trào phúc lợi cộng đồng, luôn quan tâm đến mọi người. Tính cách của thầy cũng vui vẻ, trẻ trung nên ai cũng gọi là "chú Vương".
Hiện nay, nhà trường đã lấy câu chuyện về người thầy miệt mài cõng học sinh suốt 2 năm để làm tấm gương cho tất cả các giáo viên noi theo.
Theo Sohu