Ngày 10/3 vừa qua, Italy đã phải đặt toàn bộ đất nước vào tình trạng phong tỏa sau khi các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh. Cho đến nay, Italy đã ghi nhận trên 1.000 ca tử vong do COVID-19.
Bài viết trên BBC đã chỉ ra 5 nguyên nhân khiến một quốc gia châu Âu với trình độ và cơ sở hạ tầng y tế tương đối tốt lại có tỷ lệ tử vong ở mức 5%, hơn hẳn so với các quốc gia khác (Hàn Quốc là 0,4%, Tây Ban Nha và Pháp là 2%).
Nguyên nhân đầu tiên là do Italy chỉ phát hiện người bệnh một cách thụ động. Những trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 chỉ được phát hiện sau khi đã phát triệu chứng và đến bệnh viện kiểm tra, có nghĩa là họ đều ở trong giai đoạn phát bệnh. Điều này hoàn toàn khác với Hàn Quốc, khi quốc gia này đã tìm và xét nghiệm chủ động nên rất nhiều ca dương tính được phát hiện ngay trong thời gian ủ bệnh. Nói cách khác, Italy chỉ phát hiện được người bệnh ở giai đoạn sau, còn Hàn Quốc đã phát hiện từ giai đoạn đầu khi nồng độ virus còn thấp và ít nguy cơ tử vong. Nếu tính cả những ca bệnh chưa được phát hiện, thì tổng số ca nhiễm tại Italy phải cao hơn rất nhiều, điều đó dẫn đến tỷ lệ tử vong hiện tại cao như vậy.
Cảnh sát Italy kiểm tra thông tin hành khách tại nhà ga đường sắt ở Rimini trong bối cảnh quốc gia này áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, ngày 9/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nguyên nhân thứ hai là tình trạng quá tải hệ thống y tế ở Italy. Dù hệ thống y tế của nước này không phát triển đồng đều giữa hai miền Bắc Nam, song ở Lombardy, vùng giàu nhất quốc gia, các bệnh viện cũng đã quá tải. Điều này buộc Italy chấp nhận bỏ các ca có tiên lượng xấu như người cao tuổi có tiền sử bệnh lý để tập trung nguồn lực cứu những người trẻ hơn. Tình hình nghiêm trọng hơn khi tờ Washington Post cho biết nhiều bác sĩ Italy cũng đã bị lây nhiễm và các phòng hồi sức đều chật kín.
Một nguyên nhân khác phải kể đến là ngôn ngữ và phong cách giao tiếp. Tiếng Italy là một trong những ngôn ngữ đòi hỏi nhiều sự biểu cảm, đặc biệt là việc sử dụng ngôn ngữ hình thể. Điều này khiến nguy cơ lây nhiễm từ người này sang người kia là rất cao. Văn hóa Italy cũng chuộng các hành động thân thiết khi giao tiếp, vô tình khiến người dân nước này trở nên nhạy cảm hơn với dịch COVID-19.
Về chính sách, Italy là quốc gia đi đầu ở châu Âu trong việc tham gia Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, đã nới lỏng chính sách nhập cư và xin thị thực du lịch của người Trung Quốc từ năm 2014. Điều này khiến Italy trở thành cửa ngõ đến châu Âu của nhiều người Trung Quốc. Khi dịch bùng phát, Chính phủ Italy cũng lúng túng và không dứt khoát trong cách xử lý như cấm tụ tập đám đông, nhưng lại vẫn cho các sân bay và ga tàu hoạt động bình thường. Dù Italy đã ngưng các chuyến bay từ Trung Quốc, nhưng người Trung Quốc đã đến Italy từ trước và ngay cả sau khi lệnh này được ban hành bằng cách đi qua một nước thứ ba. Đây là một nguồn lây nhiễm khó kiểm soát.
Nguyên nhân cuối cùng chính là khí hậu. Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Trung Quốc, SARS-CoV-2 rất nhạy cảm với nhiệt độ và lây lan tốt nhất ở môi trường 9 độ C. Italy vừa bước qua mùa đông từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 2 năm nay và đang có nhiệt độ trung bình từ 7 - 14 độ C. Đây là dải nhiệt độ lý tưởng cho COVID-19.