Trên thực tế, ung thư vú là dạng u vú ác tính có thể gặp ở mọi giới tính. Bệnh phổ biến hơn ở nữ giới do đa số các trường hợp ung thư vú bắt đầu từ các ống dẫn sữa, 1 phần nhỏ phát triển ở túi sữa hoặc các tiểu thùy.
Theo thống kê năm 2020 của WHO, mỗi năm có khoảng 2.261.419 ca ung thư vú mới, chiếm tới 24,5% trong tất cả các trường hợp ung thư mới. Đặc biệt là bệnh này đang trẻ hóa nhanh chóng và cứ 40 giây lại có 1 người tử vong vì nó. Năm 2021 ung thư vú vượt qua ung thư phổi để trở thành bệnh ung thư phổ biến và đáng sợ nhất trên thế giới.
May mắn là 80% trường hợp ung thư vú được phát hiện sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn ở giai đoạn đầu. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo dù nam hay nữ cũng nên chú trọng tự kiểm tra ngực hàng ngày hoặc thường xuyên.
Nên tự kiểm tra thường xuyên để không bỏ lỡ các dấu hiệu ung thư vú (Ảnh minh họa)
Phương pháp tự khám đơn giản và phổ biến nhất gồm 4 bước như sau:
1. Nằm ngửa, thư giãn và dùng tay phải để sờ nắn vú trái, ngược lại dùng tai trái nắn vú phải.
2. Thao tác nhẹ nhàng, chậm rãi bằng các đầu ngón tay chuyển động vòng tròn vừa vặn 1/4 mỗi bên vú cho đến hết toàn bộ vú. Nhớ luôn giữ cho các ngón tay thẳng và khép lại với nhau.
3. Tiếp tục lặp lại thao tác trên với tư thế đứng thẳng hoặc ngồi thả lỏng.
4. Giơ cánh tay lên cao và dùng 3 ngón tay nhấn từ nhẹ đến trung bình quanh vùng dưới cánh tay, đặc biệt là hốc nách xem có gì bất thường không.
Nếu không muốn khám theo vòng tròn mỗi 1/4 ở trên, có thể chọn vị trí bắt đầu ở núm vú, di chuyển theo vòng tròn lớn hơn cho đến khi chạm đến mép ngoài của vú. Hoặc cũng có thể di chuyển ngón tay lên xuống theo chiều dọc hay theo hàng ngang. Nhưng cần lưu ý rằng khi chọn trình tự khám thì phải áp dụng thống nhất. Không chỉ với các bên vú, các tư thế mà còn trong mỗi lần thực hiện để đạt kết quả tốt nhất.
Bạn có thể tận dụng thời gian tắm hoặc khi thay đồ, trước khi đi ngủ để tự khám ngực theo hướng dẫn ở trên. Nếu không thể tự khám hàng ngày, ít nhất cũng hãy tự khám thường xuyên theo tần suất 1 - 2 tuần hoặc 1 tháng 1 lần. Trong quá trình đó, nếu phát hiện 1 trong 6 bất thường sau đây thì nam hay nữ cũng cần đi thăm khám ngay:
1. Ngực to bất thường, không cân xứng
Nếu bạn cảm thấy vú to lên bất thường, 2 bên vú không tương xứng hay thường xuyên cảm thấy cương cứng thì tốt nhất nên đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân.
Với nam giới, triệu chứng này rất dễ phát hiện, tốt nhất nên đi khám ngay. Còn với nữ giới, nếu tình trạng này kéo dài liên tục quá 2 tuần, không liên quan tới sinh nở hay kỳ kinh nguyệt thì rất có thể bạn đã bị ung thư vú.
2. Màu da vùng ngực thay đổi
Lâm sàng chỉ ra rằng hầu hết những người mắc phải căn bệnh này thường có thay đổi màu sắc và tính chất da ở vùng ngực dù ở giới tính nào. Thông thường, da vùng này khá trắng và mềm mại, nên nếu mắc ung thư vú, người bệnh có thể dễ dàng nhận ra những thay đổi bất thường.
Ung thư vú phổ biến ở cả nam lẫn nữ, nên "cánh mày râu" đừng chủ quan (Ảnh minh họa)
Cụ thể, đó là sự xuất hiện của các nếp nhăn hay vết lõm như má lúm đồng tiền trên ngực. Vùng da quanh ngực đột nhiên sẫm màu hoặc xuất hiện các mụn nước và ngứa rất lâu mà không dứt.
3. Đau ngực bất thường
Nam giới ít khi bị đau ngực, trừ khi mắc bệnh tật hoặc bị chấn thương, nên hễ bị đau quá 1 ngày thì nên đi khám. Còn với chị em, cần hiểu rằng hầu hết chị em cảm thấy đau, căng tức ở ngực hoặc toàn bộ vùng ngực trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt, điều này là bình thường. Nhưng nếu cảm thấy vùng ngực đau âm ỉ, không rõ nguyên nhân và không có quy luật thì hãy cẩn trọng với bệnh ung thư vú.
Điểm khác biệt là cơn đau do ung thư khiến vùng ngực đau và nóng rát liên tục hoặc càng ngày càng dữ dội, đau lan sang nách và vai gáy, vào cả xương ngực, nhiều khi còn gây khó thở. Khi gặp trường hợp này thì bạn cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám.
4. Đau lưng, vai, gáy kéo dài
Trong lâm sàng, có một số ít trường hợp bệnh nhân ung thư vú không có triệu chứng rõ ràng ở vú hay nách nhưng lại bị đau lưng, vai, gáy thay vì đau ngực. Điều này phổ biến hơn ở nam giới mắc bệnh ung thư vú.
Cơn đau thường xuất hiện ở vùng lưng trên hoặc vùng giữa hai bả vai và đau thành từng cơn, không có quy luật nhưng lại âm ỉ trong thời gian dài. Khi xoa bóp, dùng thuốc giảm đau không có nhiều tác dụng và dữ dội hơn về đêm.
Đáng lo là những cơn đau này dễ bị nhầm lẫn với giãn dây chằng hay những bệnh về cột sống, nên nhiều người thường bỏ qua giai đoạn đầu của bệnh, mất đi cơ hội chữa trị.
5. Vùng ngực, nách bị sưng hoặc nổi hạch
Cơ thể mỗi chúng ta có khoảng 500 - 600 hạch bạch huyết, chúng nằm rải rác khắp cơ thể trên đường đi của mạch bạch huyết và thường tập trung thành nhóm và nhận bạch huyết của từng vùng cơ thể.
Ngoài ngực, vùng nách cũng cần được kiểm tra kỹ vì dễ xuất hiện các triệu chứng ung thư vú (Ảnh minh họa)
Có 3 nguyên nhân chính gây ra tình trạng sưng hạch bạch huyết gồm: virus, vi khuẩn và ung thư. Còn khi phát hiện các hạch ở vị trí nách, ngực đi kèm với cảm giác đau, có thể kéo dài nhiều ngày không khỏi thì khả năng cao bạn đã mắc ung thư vú.
6. Núm vú bị tụt, chảy dịch bất thường
Nếu không bị tụt núm vú bẩm sinh nhưng đột nhiên núm vú của bạn bị tụt hẳn vào trong, kèm theo biểu hiện cứng và không kéo ra được như bình thường thì hãy cẩn trọng với bệnh ung thư vú. Đó là những gì chuyên gia ung bướu nhắc nhở, áp dụng cho cả nam và nữ.
Còn nếu có thêm các hạt nhỏ ở quầng vú xung quanh núm vú, núm vú thường xuyên chảy dịch bất thường, xuất hiện các vùng da sẫm màu, vết lõm giống đồng xu thì có thể bệnh đã sang giai đoạn nặng, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa.
Nguồn và ảnh: HK01, Cancer123, Lifetime