Hindustan Times cho biết, vụ việc xảy ra vào sáng 16/2 khiến ông Sandeep Purohit và vợ con bị nhiều vết ong đốt vô cùng đau đớn. Ngoài gia đình Purohit còn có 7 học sinh khác bị đàn ong sát thủ tấn công.
Du khách nhanh chóng được sơ tán khỏi khu vực có ong, trong khi ông Purohit được điều trị khẩn cấp. Các nhân viên y tế cho biết nam du khách đã vấp ngã rồi đập đầu xuống đất sau khi những con ong đầu tiên tấn công, khiến anh bất tỉnh .
Khu bảo tồn chim Karnala nổi tiếng tại Mumbai ở Ấn Độ - nơi 10 du khách thương vong vì bị ong đốt. Ảnh: TripAdvisor.
Mặc dù mọi người đã cố gắng hết sức để cứu người đàn ông 44 tuổi nhưng khi đến bệnh viện nam du khách đã tử vong . Nhà chức trách tin rằng ông Purohit bị phản ứng dị ứng dẫn đến ngừng tim . Tuy nhiên, nguyên nhân chính thức dẫn đến cái chết của nam du khách vẫn chưa được xác nhận.
Tiến sĩ Ashok Gite - Giám đốc Bệnh viện Quận Panvel - cho biết, các mẫu máu của Purohit sẽ được phân tích trong những ngày tới để xác định nguyên nhân chính xác gây tử vong. Cảnh sát đang tiến hành điều tra vụ tấn công của đàn ong, bởi loài ong chỉ tấn công khi chúng bị khiêu khích hoặc đe dọa.
Theo Daily Mail, mỗi năm, vết đốt của ong sát thủ hay còn gọi là ong bắp cày và ong mật giết chết ít nhất 10 người Anh và 60 người Mỹ, nhưng ít ai biết đến những rủi ro của loài ong này. Trong đó, các trường hợp tử vong thường xảy ra do phản ứng dị ứng với nọc độc, dẫn đến tình trạng phản vệ - một biến chứng có thể gây tử vong chỉ trong vài phút.
Đã có nhiều trường hợp du khách bị tử vong do ong đốt nhưng ít ai biết đến rủi ro của nó. Ảnh: Getty.
Năm 2023, du khách Stephen Prince (69 tuổi, quốc tịch Anh) cũng chết vì phản ứng dị ứng sau khi bị ong đốt ở Thái Lan. Ban đầu, khi Prince đang đi xe máy thì cảm thấy có con ong chích vào da của mình, nhưng khi về đến nhà ông đã bị sốc phản vệ và qua đời sau đó.