Nằm cạnh 'ổ dịch' lớn nhất châu Âu, vì sao Bồ Đào Nha có số người tử vong vì nhiễm Covid-19 thấp hơn hàng xóm đến 32 lần?

Jayden, Theo Tổ Quốc 16:41 15/04/2020

Cùng thuộc bán đảo Iberia nhưng Bồ Đào Nha không chịu thiệt hại kinh khủng như Tây Ban Nha trong đại dịch Covid-19.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Tây Ban Nha hiện có số người nhiễm Covid-19 cao nhất châu Âu (174.000 người), bao gồm 18.255 nạn nhân tử vong.

Trong khi đó, hàng xóm Bồ Đào Nha gần 17.500 người nhiễm và 567 người tử vong, thấp hơn Tây Ban Nha đến 32 lần. Con số tử vong của Bồ Đào Nha cũng đứng sau nhiều nước châu Âu khác như Italy, Pháp, Anh, Bỉ, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ và Thụy Điển (đều có hàng ngàn người qua đời do dịch bệnh).

Vậy đâu là bí quyết của Bồ Đào Nha để giảm tốc độ lây lan của đại dịch Covid-19?

Nằm cạnh ổ dịch lớn nhất châu Âu, vì sao Bồ Đào Nha có số người tử vong vì nhiễm Covid-19 thấp hơn hàng xóm đến 32 lần? - Ảnh 1.

Đường phố ở thủ đô Lisbon vắng vẻ khi người dân cách ly xã hội (Ảnh: AP)

"Sự khác biệt nằm ở thời gian chuẩn bị"

Bác sĩ hô hấp Filipe Froes - người cố vấn cho Bộ trưởng Y tế Graça Freitas - cho biết Bồ Đào Nha đã khẩn trương chuẩn bị trước khi dịch Covid-19 bùng lên mạnh mẽ. 

"Điểm khác biệt của Bồ Đào Nha là chúng tôi có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị. Chúng tôi  nghĩ mình đang theo sau diễn tiến dịch bệnh ở Italy khoảng 3 tuần và sau Tây Ban Nha chỉ 1,5 tuần; vì vậy chúng tôi tận dụng từng ngày trôi qua để chuẩn bị sẵn sàng" - bác sĩ Froes cho biết với đài Euronews.

"Tôi nghĩ yếu tố mấu chốt chính là tinh thần chuẩn bị chiến đấu của các nhân viên y tế" - vị chuyên gia nói thêm.

Nằm cạnh ổ dịch lớn nhất châu Âu, vì sao Bồ Đào Nha có số người tử vong vì nhiễm Covid-19 thấp hơn hàng xóm đến 32 lần? - Ảnh 2.

Chuyên gia hô hấp Filipe Froes tin rằng Bồ Đào Nha đã chuẩn bị khẩn trương để chống dịch Covid-19, sau khi nhìn thấy tình hình nghiêm trọng ở Italy và nước láng giềng Tây Ban Nha (Ảnh: Publico)

Bồ Đào Nha đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào hôm 18/3, hai ngày sau khi có ca tử vong đầu tiên do Covid-19. Hiện tại, nước này ghi nhận 567 người tử vong trên dân số 10,3 triệu người. Tỷ lệ trung bình là 52 người tử vong trên 1 triệu dân, trong khi chỉ số này ở Tây Ban Nha là 385.

Theo Euronews, tỷ lệ nhiễm bệnh ở thủ đô Madrid (Tây ban Nha) cũng gần gấp đôi thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha), mặc dù cách thức xét nghiệm và thống kê có sự khác biệt. 

Mặc khác, Bộ trưởng Y tế Bồ Đào Nha Graça Freitas cho biết 88% bệnh nhân mắc Covid-19 có tình trạng nhẹ, được ở nhà theo dõi mà không cần nhập viện. "Các bệnh viện đều chưa quá tải. Vì vậy, chúng tôi có thêm thời gian và điều kiện để chăm sóc cho những người nguy kịch trong phòng ICU" - bà Freitas cho biết.

"Số liệu cho thấy Bồ Đào Nha chưa đạt tới điểm giới hạn" về khả năng tiếp nhận người nhiễm Covid-19, theo nữ Bộ trưởng khẳng định.

"Tinh thần công dân không thể tuyệt vời hơn"

Theo một nghiên cứu của Đại học NOVA Lisbon (Bồ Đào Nha), quốc gia này từng duy trì tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất châu Âu trong 25 ngày đầu tiên bùng phát dịch.

Để đạt được kết quả như vậy, bác sĩ Froes tin rằng sự chấp hành quy định của người dân đóng vai trò quan trọng. "Hầu hết hoạt động đều ngưng lại, bao gồm trường học và cơ sở kinh doanh. Nhìn chung, mọi người đều tuân thủ cách ly xã hội và các khuyến nghị của chính phủ" - vị bác sĩ chia sẻ.

Bộ trưởng Nội vụ Eduardo Cabrita từng khẳng định người dân Bồ Đào Nha đang thể hiện tinh thần công dân "không thể tuyệt vời hơn", tuân thủ các quy định hạn chế tiếp xúc xã hội ngay cả trong Lễ phục sinh. "Lực lượng chức năng báo cáo rất ít trường hợp vi phạm".

Nằm cạnh ổ dịch lớn nhất châu Âu, vì sao Bồ Đào Nha có số người tử vong vì nhiễm Covid-19 thấp hơn hàng xóm đến 32 lần? - Ảnh 3.

Đến nay Bồ Đào Nha chống dịch khá hiệu quả, dù các ca lây nhiễm vẫn diễn ra mạnh mẽ ở viện dưỡng lão (Ảnh: Reuters)

Ngày 10/4, Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa đã gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 1/5. Chính phủ cho rằng quá sớm để lơ là cảnh giác trước dịch bệnh, bất chấp những kết quả khả quan ban đầu.

Đặc biệt, Bộ trưởng Cabrita cho biết thêm: "Các ông bà cụ ở viện dưỡng lão và nhân viên chăm sóc cho họ là mối lo lắng hàng đầu của chúng tôi". Theo hãng tin Reuters, cứ 8 người qua đời vì nhiễm Covid-19 ở Bồ Đào Nha thì có 1 người sống tại viện dưỡng lão.

Mặt khác, Bồ Đào Nha cũng cho hồi hương 4.000 công dân từ nước ngoài. Với những người nhập cư hay tị nạn đã nộp đơn cư trú, chính phủ quyết định trao quyền công dân cho họ, giúp họ được bảo vệ và tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ hơn.

(Theo Euronews)