Bồn rửa chén nếu được dùng thường xuyên sẽ rất dễ bị tắc nghẽn bởi dầu mỡ, thức ăn thừa hay tóc rụng… Những thứ này dần tích tụ trong đường ống và lâu ngày sẽ gây ra hiện tượng nước rút chậm hoặc tắc hẳn. Mấy hôm trước, nhà tôi cũng gặp đúng tình trạng này. Tôi thử đủ cách từ dùng bột kiềm, giấm, coca đến cả baking soda nhưng đều không có tác dụng. Cuối cùng, khi định gọi thợ đến sửa thì cô lao công ở công ty biết chuyện đã đề nghị xử lý hộ.
Cô đến với một túi bột màu trắng rồi mở vòi nước nóng. Sau khi nước nóng đầy khoảng 3–5cm trong bồn rửa, cô đổ hết túi bột trắng đó vào miệng ống thoát nước. Lúc này, bột bắt đầu tan ra, sủi bọt lên và tôi nghe thấy âm thanh “rột rột” phát ra từ bên trong đường ống. Chưa đầy vài phút sau, nước trong bồn bỗng “phụt” một cái rồi rút sạch xuống cống.
Thấy tôi mắt chữ A mồm chữ O, cô lao công giải thích luôn: Đó là xút công nghiệp – loại bột mà ban quản lý dùng để vệ sinh các thùng rác lớn của chung cư.
Các thùng rác đặt trước mỗi toà nhà đều chứa rất nhiều dầu mỡ, thức ăn thừa nên mỗi tuần đều phải cọ rửa kỹ. Và chính loại xút công nghiệp này giúp tẩy sạch lớp mỡ bám lâu ngày. Giá của nó cực rẻ, chỉ vài nghìn đồng một ký nên khi cần dùng, cư dân có thể xin ban quản lý một ít là đủ dùng.
Điều thú vị là loại xút công nghiệp này tuy cùng là chất kiềm như baking soda hay bột kiềm ăn được trong bếp nhưng tác dụng mạnh gấp nhiều lần vì độ kiềm rất cao. Khi kết hợp với nước nóng sẽ phát sinh nhiệt lượng lớn và tạo phản ứng hóa học giúp “phá vỡ” các khối dầu mỡ và chất thải bám trong đường ống, từ đó giúp đường ống được thông thoáng trở lại.
Đồng thời, xút sẽ phản ứng với dầu mỡ (chủ yếu là các este của axit béo) để tạo thành xà phòng tan trong nước và glycerin – chính phản ứng này giúp “biến” mỡ thành dạng dễ rửa trôi.
Ngoài ra, xút còn có thể phân hủy các chất hữu cơ như tóc, vụn thức ăn hay xác côn trùng. Dưới môi trường kiềm mạnh, protein trong những chất này sẽ bị phân giải thành axit amin và peptit, giúp giảm kích thước và độ kết dính của chúng, nhờ đó đường ống thông trở lại.
Thậm chí, trong quá trình phản ứng, xút còn tạo ra các bọt khí. Những bong bóng này khi đẩy lên sẽ tạo lực nhỏ giúp “đánh bật” các mảng bám, làm cho nước rút nhanh hơn.
Cách sử dụng kiềm công nghiệp để thông tắc đường ống an toàn và hiệu quả
Bởi vì có "sức công phá" lớn nên khi dùng xút công nghiệp, bạn cũng phải có công đoạn chuẩn bị kĩ càng. Nên đeo các dụng cụ bảo hộ như găng tay cao su, kính bảo hộ và khẩu trang vì xút công nghiệp có tính ăn mòn cao, dễ gây bỏng da và tổn thương mắt nếu tiếp xúc trực tiếp.
Bên cạnh đó, không thể thiếu một lượng xút vừa đủ, nước nóng, một que khuấy dài bằng gỗ hoặc nhựa (tránh dùng kim loại) và xô đựng nước. Cách thực hiện rất đơn giản:
- Đổ nước nóng trước: Rót nước nóng khoảng 40–50°C vào ống thoát nước để làm mềm một phần chất thải và tạo điều kiện phản ứng tốt hơn.
- Thêm xút: Từ từ rải khoảng 50–100g kiềm vào miệng ống, tùy mức độ tắc.
- Khuấy nhẹ: Dùng que dài khuấy nhẹ hỗn hợp để kiềm hòa tan đều với nước, tăng hiệu quả phản ứng.
- Đợi phản ứng: Chờ khoảng 15–30 phút để kiềm phản ứng với các chất bẩn. Lúc này có thể thấy bọt sủi và nghe âm thanh phát ra từ trong ống.
- Xả nước lần cuối: Sau khi phản ứng xong, đổ thêm nước nóng để cuốn trôi toàn bộ chất thải và cặn bã còn sót lại trong đường ống.
Trong quá trình thực hiện, cần lưu ý thêm là không trộn xút với giấm, chanh hoặc các chất có tính axit, bởi kiềm và axit phản ứng sẽ sinh nhiệt mạnh và khí độc, dễ gây nguy hiểm. Đồng thời, tránh tiếp xúc với kim loại quá lâu vì có thể gây ăn mòn.
Nhờ mẹo nhỏ này từ cô lao công, tôi đã tiết kiệm được một khoản tiền gọi thợ không nhỏ. Nếu nhà bạn cũng đang gặp tình trạng tương tự thì đừng ngại thử áp dụng, hiệu quả bất ngờ luôn đấy!
Nguồn: Aboluowang