Lưu ý bài viết có spoil nội dung phim, cân nhắc trước khi đọc.
Phim Tết của Trấn Thành vẫn luôn tạo những chủ đề tranh luận. Dù khen hay chê, không thể phủ nhận thương hiệu mà anh tạo ra khiến khán giả phải tò mò, ra rạp để kiểm chứng: “Tại sao nó được khen hay như vậy?” hoặc “Phim có gì mà bị chê tơi tả quá vậy?”.
Bộ Tứ Báo Thủ 2025 của Trấn Thành cũng vậy. Phim ra rạp vào mùng 1 Tết, từ đó đến nay, MXH vẫn không ngừng những bài nhận xét, phân tích, đánh giá trái chiều về phim.
Bên cạnh những lời bàn luận về nội dung, mảng miếng hài hay diễn xuất của diễn viên, thì có 1 điểm khiến tôi bị “nhấn chìm” trong suốt 2 tiếng ngồi tại rạp để xem bộ phim này, đó chính là: Trấn Thành bị ám ảnh quá nhiều về cái đẹp!
Đến mức cả bộ phim của anh chỉ truyền tải đúng 1 thông điệp: Chỉ cần đẹp thôi là đã thắng đời. Đẹp được bảo vệ. Đẹp sẽ được yêu. Đẹp sẽ thành công. Nhức đầu vì những câu thoại cảm thán “đẹp quá” dành cho đôi nam nữ chính suốt cả bộ phim.
Tôi biết Trấn Thành từng nhận mình là người hiểu phụ nữ, tôn trọng phụ nữ nên các bộ phim của anh luôn làm xoay quanh nội dung này. Nhưng việc anh xây dựng hình ảnh nhân vật nữ chính xinh đẹp, ngây ngô, dựa dẫm vào tình yêu của đàn ông và sau loạt biến cố xoay chuyển cuộc đời, chỉ nhờ xinh đẹp cô lại tiếp tục thành công, thì liệu, tư duy của Trấn Thành về phụ nữ có quá… hạn hẹp và cũ kỹ?
Ngay từ những phút đầu tiên của phim, nhân vật Quỳnh Anh (Tiểu Vy thủ vai) đã được xây dựng là cô gái xinh đẹp, có nhiều bạn trai thích, làm gì cũng dễ dàng. Điểm thiếu sót duy nhất của Quỳnh Anh là không có một gia đình bình thường có bố, có mẹ như mọi người nhưng bù lại, cô được Dì Bốn (Lê Giang), Cậu Mười Một (Trấn Thành) và cô bạn thân Kiều (Uyển Ân) hết mực yêu thương, chăm sóc. Ai cũng cưng Quỳnh Anh như trứng, hứng như hoa vì cô… đẹp.
Chưa kể, Trấn Thành còn tô đậm sự xinh đẹp của nữ chính bằng cách đặt cô bên cạnh người bạn thân đối lập hoàn toàn: Không có ngoại hình xuất chúng nên làm gì cũng khó khăn hơn nhiều lần. Nếu Quỳnh Anh chẳng cần làm gì cũng xếp hàng dài các chàng trai đến “cưa cẩm”, công việc thuận lợi thì Kiều - người không có nhan sắc lại chật vật với ước mơ của mình, cũng chỉ gặp được những chàng trai “lạ lùng”, phải là người chạy theo tình yêu,...
Hay đến khi Quỳnh Anh tìm được người đàn ông của mình - Quốc Anh (do Quốc Anh đảm nhận), cô cũng được mô tả y hệt một “bình hoa di động”, không cần cố gắng gì nhiều chỉ cần ngoan ngoãn thì được ở nhà lầu, đi xe hơi. Thậm chí, Quỳnh Anh còn không có nghề nghiệp cụ thể, không biết ước mơ của mình là gì.
Nhưng Quỳnh Anh còn là 1 “tiểu thư vô tri”, kém duyên khi liên tục bị bạn trai nhắc nhở về giới hạn cần thiết khi sống chung nhưng liên tục phớt lờ gây ra những tình huống “nhạy cảm”. Một cô gái chỉ cần xinh đẹp thôi, cái nết cũng chẳng dễ ưa thì vẫn cứ là “okila” 1 nữ chính trong phim Trấn Thành?
Có thể nhiều người sẽ thắc mắc: Quỳnh Anh có cái gì mà được Quốc Anh yêu? Mà yêu tận 5 năm…
Đẹp! Vậy thôi đó.
Với lý lẽ của Trấn Thành thì điều đó thuyết phục, nhưng với số đông ngoài kia thì không.
Xuyên suốt bộ phim, trong mọi tình huống hay diễn biến, Trấn Thành đều khiến công chúng nhìn ra thông điệp: Đẹp là đặc quyền của phụ nữ. Phần lớn các câu thoại đều có nhắc đến vấn đề nhan sắc, ngoại hình, trầm trồ sự xinh đẹp của nữ chính cũng như cuộc sống viên mãn của cô.
Kể cả khi Quỳnh Anh gặp biến cố lớn trong cuộc đời - chuyện tình yêu bị đe dọa bởi một cô gái xinh đẹp, thông minh, quyền lực khác thì trong cuộc đối mặt với “tiểu tam”, cô lại tiếp tục bị thao túng bởi những lời nói liên quan đến sắc đẹp.
“Em làm đẹp, em đi shopping, em đi tập thể dục thể thao rồi tự nhiên lúc đấy sẽ có rất nhiều trai đẹp đến với em”, nhân vật Karen (Kỳ Duyên) nói.
Đỉnh điểm, Trấn Thành tiếp tục nhấn mạnh vào việc “Đẹp là được yêu, đẹp là thành công” trong phân đoạn 2 người bạn thân là Quỳnh Anh và Kiều tâm sự với nhau. Khi vừa bước ra khỏi một cuộc tình, Quỳnh Anh tỏ rõ sự thất vọng vì không biết phải làm gì, thấy bản thân vụng về và vô dụng. Lúc này, cô than phiền rằng đẹp không hề sướng, thà đừng đẹp có khi còn bớt khổ.
Tuy nhiên khi nghe những lời nói này, Kiều - người bạn thân chưa bao giờ được nhìn nhận là phụ nữ đẹp bỗng tức giận đến bật khóc.
Kiều bày tỏ: “Mày thử đẻ ra vừa đen, vừa xấu như tao, sống một ngày thôi, biết đá biết vàng là gì. Chơi với mày nhiều khi tao cũng ghen tị lắm. Tao tự hỏi hoài, tại sao những gì tao muốn trên cuộc đời này tao phải rất là cố gắng, nỗ lực mới có được. Trong khi đó mày chẳng cần làm gì hết, chỉ cần ngồi im, người ta dâng tận họng mày. Tại sao? Tại mày đẹp! Mày đẹp mày làm má người ta rồi, chỉ cần đẹp thôi là thắng người ta 70% rồi. Mày phải biết quý chứ tại sao lại than”.
Đoạn hội thoại này khiến tôi đặt ra câu hỏi, năm 2025 rồi, Trấn Thành vẫn còn thực sự nghĩ: Cứ đẹp là nhất, đẹp là được yêu và nghiễm nhiên thành công?
Dù không phủ nhận, Trấn Thành có nỗ lực trong việc đưa ra rằng đẹp thì vẫn phải cố gắng. Nhưng điều này là không đủ và bị che lấp bởi những nội dung cố khắc họa những đặc quyền của người đẹp - thiệt thòi của người xấu trong bộ phim.
Ngay đến cả hành trình làm lại cuộc đời của Quỳnh Anh cho tới kết phim - khó khăn mà cô gặp cũng chỉ như một “miếng vụn bánh”. Mở quán ăn, vắng khách 1 ngày, 2 ngày nhưng cuối cùng vẫn lại là một bà chủ xinh đẹp, thành công và được tất cả mọi người hỗ trợ, giúp đỡ. Quỳnh Anh cuối cùng lại vẫn là 1 cô gái xinh đẹp và thành công, chứ chưa hẳn là 1 cô gái sâu sắc hay trưởng thành để chạm đến thành công.
Tôi đồng ý, những người phụ nữ đẹp luôn có lợi thế ban đầu. Họ dễ dàng thu hút sự chú ý, nhận được thiện cảm và có nhiều cơ hội hơn trong công việc, giao tiếp xã hội và tình yêu. Bởi công bằng mà nói, ai cũng thích cái đẹp.
Nhưng định nghĩa về cái đẹp của mỗi người là khác nhau. Nên không thể nhồi nhét tư tưởng một người phụ nữ đẹp sẽ có tất cả còn người phụ nữ kém đẹp hơn thì cuộc đời cứ mãi là chuỗi ngày trượt dài không thấy ánh sáng.
Trấn Thành không sai trong việc bám vào cái đẹp để khuyên người phụ nữ nên biết yêu bản thân, độc lập, tự chủ để sống cuộc sống riêng của mình. Tuy nhiên cách anh thể hiện qua từng bộ phim đều cho thấy một điểm chung rằng mục đích cuối cùng để người phụ nữ trở nên xinh đẹp lại chính là để có được tình yêu của một người đàn ông. Điều này thấy rõ trong phim Bộ Tứ Báo Thủ khi nói rằng phụ nữ chỉ cần tập trung làm đẹp là đàn ông tự khắc vây quanh.
Trong khi đó, phụ nữ xinh đẹp và độc lập là để tốt cho chính bản thân họ chứ không phải chỉ để thu hút hay níu giữ một người đàn ông nào khác. Và đương nhiên ở ngoài cuộc sống thực tế, những người phụ nữ được cho là đẹp xuất chúng tới đâu cũng vẫn phải đánh đổi bằng rất nhiều thứ, nỗ lực từng ngày để đạt được một cuộc sống giống như tiêu chuẩn mà họ đặt ra.
Đã từ rất lâu rồi, xã hội không còn đánh giá sự thành công qua vẻ bề ngoài. Hay nói trong giới nghệ thuật mà Trấn Thành đang hoạt động, không khó để thấy những trường hợp khiến khán giả phải đặt câu hỏi: “Xinh gái/ đẹp trai như vậy mà sao flop hoài?”. Ngược lại, rất nhiều những người không sở hữu ngoại hình “hợp nhãn” số đông nhưng lại thăng tiến rất nhanh vì giỏi giang, tài năng trong lĩnh vực của mình.
Bởi vậy mới nói, chỉ có vẻ đẹp thôi thì không đủ để một người phụ nữ đạt được thành công bền vững. Nếu không có thực lực, một người có thể “được yêu” nhanh chóng nhưng cũng dễ dàng bị lãng quên vì biết đâu có ai đó đẹp hơn lại còn giỏi hơn. Nghe sẽ hơi đau lòng nhưng xã hội có thể ưu ái người đẹp thì họ cũng sẵn sàng quay lưng khi nhan sắc phai mờ.
Một người phụ nữ thông minh sẽ không chỉ dựa vào nhan sắc mà còn biết phát triển bản thân để có giá trị thực sự. Đẹp có thể là một điểm cộng, nhưng không phải là tất cả. Thế giới rộng lớn hơn một gương mặt đẹp, và cuộc sống này không chỉ đánh giá con người qua vẻ ngoài. Nếu chỉ trông cậy vào sắc đẹp mà không cố gắng, thì dù có thắng 1-0 lúc ban đầu, bạn vẫn có thể bị gỡ hòa hay thậm chí bị đánh bại bất cứ lúc nào.