Bé trai đứng trong sân nhà khi đám cháy rừng bùng cháy ở làng Agios Charalampos, gần Athens, Hy Lạp, ngày 18/7/2023. (Ảnh: AFP)
Theo đó, năm 2023 đã tăng kỷ lục về khí nhà kính, nhiệt độ đất và nước cũng như tình trạng tan chảy của sông băng và băng biển.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết trong một báo cáo được công bố hôm 19/3 rằng có "khả năng cao" năm 2024 sẽ lại là một năm nóng kỷ lục nữa, đồng thời cảnh báo rằng những nỗ lực của thế giới nhằm đảo ngược xu hướng này là chưa thỏa đáng.
Cơ quan có trụ sở tại Geneve, Thụy Sĩ này bày tỏ quan ngại trong báo cáo Tình hình Khí hậu Toàn cầu rằng một mục tiêu quan trọng về khí hậu đang ngày càng gặp nguy hiểm - hạn chế sự nóng lên của hành tinh ở mức không quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Bà Celeste Saulo, Tổng Thư ký VMO, nói: "Cộng đồng WMO đang gióng lên hồi chuông cảnh báo đỏ cho thế giới".
Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, khoảng thời gian 12 tháng từ tháng 3/2023 đến tháng 2/2024 đã vượt quá giới hạn 1,5oC, trung bình cao hơn 1,56oC.
Trong năm Dương lịch 2023, mức này chỉ dưới 1,5oC (1,48oC), nhưng khởi đầu phá kỷ lục trong năm nay đã đẩy mức trung bình 12 tháng vượt quá mức đó.
Băng tan kỷ lục ở Nam Cực (Ảnh: AFP)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết: "Trái đất đang đưa ra lời kêu cứu. Báo cáo Tình hình Khí hậu Toàn cầu mới nhất cho thấy một hành tinh đang trên bờ vực. Ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch đang khiến khí hậu trở nên hỗn loạn".
Omar Baddour, Giám đốc Giám sát khí hậu của WMO, nhận định: "Chúng tôi không thể nói chắc chắn rằng năm 2024 sẽ là năm ấm nhất. Nhưng tôi cho rằng có khả năng cao năm 2024 sẽ lại phá kỷ lục của năm 2023, nhưng chúng ta hãy chờ xem. Tháng 1/2024 là tháng 1 ấm nhất được ghi nhận. Vì vậy, các kỷ lục vẫn đang bị phá vỡ".
Vào năm 2023, hơn 90% nước biển đã trải qua tình trạng sóng nhiệt ít nhất một lần. Nhiệt độ đại dương ở mức ấm nhất trong 65 năm, gây hại cho hệ sinh thái biển.
Theo kết quả theo dõi từ năm 1950, các sông băng đã thất thoát lượng băng nhiều kỷ lục. Băng biển ở Nam Cực rút xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, thấp hơn kỷ lục trước đó tới 1 triệu km2.