Trận lũ lụt thảm khốc ở Libya có thể đã khiến tới 10.000 người thiệt mạng nhưng nó mới chỉ là vụ gần nhất trong chuỗi các trận mưa lũ dữ dội tấn công nhiều nơi trên thế giới trong hai tuần qua.
Trong 11 ngày đầu tháng 9, đã có 8 trận lũ lụt kinh hoàng xảy ra trên 4 châu lục. Trước khi cơn bão vùng Địa Trung Hải Daniel khiến nước lũ tràn qua miền đông Libya, mưa lớn làm ngập các vùng miền trung Hy Lạp, tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ, miền nam Brazil, miền trung và ven biển Tây Ban Nha, miền nam Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và tây nam Hoa Kỳ.
Thi thể một nạn nhân lũ lụt ở Libya.
Andrew Hoell, nhà nghiên cứu khí tượng học tại Phòng thí nghiệm Khoa học Vật lý của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết việc chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan không liên quan đến nhau trên khắp thế giới trong thời gian ngắn như vậy là điều bất thường.
Ông nói: "Đôi khi chúng ta có một chuỗi các sự kiện như vậy, cho dù đó là ở một quốc gia nhất định, ở một bán cầu nhất định hay trên toàn cầu. Có vẻ như hiện tại, trên toàn cầu, đây là thời điểm cao điểm xảy ra một số đợt lũ lụt".
Người đàn ông trong khu vườn ngập nước của mình, tại Palamas, Hy Lạp, hôm 8/9.
Cũng như nhiều dạng thời tiết khắc nghiệt khác, các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu rất có thể có tác động đến lượng mưa và lũ lụt, song việc hiểu chính xác mối quan hệ giữa chúng có thể rất khó khăn.
Nhìn chung, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự nóng lên toàn cầu đang tăng cường vòng tuần hoàn nước của hành tinh. Tức là khi nhiệt độ cao hơn thì sự bốc hơi cũng gia tăng, nói cách khác là bầu không khí ấm hơn có thể có độ ẩm cao hơn. Kết quả là bão có thể giải phóng lượng mưa dữ dội hơn và do đó gây ra lũ lụt nghiêm trọng.
Người dân than khóc cho các nạn nhân xấu số sau lũ lụt đầu tháng ở Brazil.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát những thay đổi đó theo thời gian khi thế giới ấm lên. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, kể từ năm 1901, lượng mưa toàn cầu đã tăng với tốc độ trung bình 1mm mỗi thập kỷ.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến các sự kiện lũ lụt và mức độ nghiêm trọng của chúng, đồng thời việc tìm ra dấu vết của biến đổi khí hậu khi tất cả chúng tương tác với nhau có thể là một thách thức, Hoell nhận định.
Một khu vực bị nhấn chìm bởi nước lũ ở Larissa, Hy Lạp.
Ông nói: "Theo góc nhìn trên cao, chắc chắn đúng là nếu chúng ta có nhiệt độ cao hơn, chúng ta có nhiều hơi nước hơn và do đó có thể có nhiều mưa rơi từ trên trời hơn. Nhưng khi bạn xem xét một sự kiện cụ thể và tập hợp các quá trình vật lý cụ thể có liên quan đến sự kiện đó, thì việc quy kết từng quá trình đơn lẻ trong chuỗi nhân quả đó sẽ trở nên khó khăn".
Có một điều cần lưu ý là, các kiểu thời tiết khắc nghiệt gây ra từng đợt lũ lụt thảm khốc trong tháng này đều có nguồn gốc khác nhau.
Một người đàn ông được giải cứu và sơ tán trong trận lũ lụt ở Istanbul ngày 5/9.
Một cơn bão Địa Trung Hải có tên Daniel đã gây mưa lớn ở miền trung Hy Lạp và Libya. Bão Haikui và tàn dư của nó tấn công Hồng Kông và miền nam Trung Quốc với lượng mưa kỷ lục, gây ngập úng các khu vực thành thị và nông thôn, phá hủy đường sá và gây ra hơn 100 vụ lở đất.
Mặt khác, những trận mưa như trút nước đã gây ra lũ quét ở các vùng miền trung và ven biển của Tây Ban Nha, tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ và cách đó hàng nghìn km ở bang Rio Grande do Sul của Brazil.
Còn ở miền nam Nevada trong tháng này, những cơn giông di chuyển nhanh ở đã gây ra lũ quét khắp khu vực, làm ngập Dải Las Vegas và khiến hơn 70.000 người mắc kẹt tại lễ hội Burning Man ở sa mạc Black Rock.
Với một số loại sự kiện lũ lụt cực đoan nhất định, chẳng hạn như trường hợp bão Daniel ở Địa Trung Hải, chúng ta chưa có đủ dữ liệu để nhận thức rõ hơn về chúng vì chúng hoàn toàn bất thường.
Mưa lớn nhất sau hơn 100 năm nhấn chìm Hồng Kông, Trung Quốc
Hoell nhận xét: "Chúng tôi thực sự không có đủ mẫu hoặc ghi chép đủ lâu để có thể phát hiện ra sự thay đổi, bởi vì chúng không thực sự xảy ra phổ biến như vậy".
Trong các trường hợp khác, các yếu tố địa phương, chẳng hạn như mặt đất ướt hay khô hay địa hình cơ bản của khu vực, có thể có ảnh hưởng to lớn đến cách lũ lụt phát triển - và hậu quả của chúng.
Ngoài thiệt hại về người và tài sản, lũ lụt còn làm tăng nguy cơ khiến con người tiếp xúc với các mầm bệnh lây qua đường nước, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự bùng phát của những căn bệnh chết người.
Hoell cho biết số lượng lũ lụt tàn khốc trong tháng này thật đáng lo ngại nhưng ông đặc biệt lo ngại về tình hình đang diễn ra ở Libya.
Ông nói: "Nếu nhìn vào thiệt hại và số lượng người thiệt mạng, bạn sẽ hoàn toàn choáng váng".
Nguồn: NBC