Thông tin về phương án tuyển sinh đại học năm 2022, PGS.TS Vũ Duy Hải, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm 2022, về cơ bản, trường vẫn giữ nguyên các phương thức tuyển sinh như các năm 2020, 2021. Dự kiến, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trong năm tới là 7.500 thí sinh, trong đó, ĐH Bách khoa Hà Nội dành khoảng 20-30% số chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng, 60-70% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá tư duy và chỉ còn khoảng 10-20% tổng chỉ tiêu dành cho xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thông tin thêm về phương án tuyển sinh đại học năm 2022, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Bách khoa tiếp tục xét tuyển theo phương thức thi THPT với tỷ lệ hạn chế hơn. Căn cứ vào khuyến cáo của Bộ GD-ĐT, việc đánh giá và xu hướng tổ chức kỳ thi, chúng tôi sẽ không bỏ phương án này, bởi đây là phương án giúp cho thí sinh đặc biệt là thí sinh vùng sâu, vùng xa tiếp cận được quá trình xét tuyển của Bách khoa Hà Nội và một số ngành/nghề”.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cũng lưu ý, trong khoảng 20% chỉ tiêu dành cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ không rải khắp 55 chương trình đào tạo của Bách khoa Hà Nội. Đối với những ngành có tính cạnh tranh cao (điểm chuẩn rất cao) sẽ chuyển hoàn toàn sang phương thức thi đánh giá tư duy.
Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, theo gợi ý của Bộ GD-ĐT, các trường có yêu cầu cao hơn đối với thí sinh đầu vào, đòi hỏi các em có năng lực tốt hơn để đáp ứng được yêu cầu khắt khe của chương trình đào tạo và những ngành đào tạo trong một trường có tính cạnh tranh cao nên xem xét một phương thức tuyển sinh có tính phân loại học sinh Khá – Giỏi tốt hơn. Những nội dung này nằm trong phạm vi phấn đấu của kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết thêm, dự kiến, kỳ thi đánh giá tư duy sẽ được tổ chức gọn nhẹ, không gây áp lực cho thí sinh, diễn ra trong 1 ngày tại 4 điểm khu vực miền Bắc gồm: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Hàng hải (Hải Phòng), Trường ĐH Vinh (Nghệ An), Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ).
Kỳ thi tư duy được thiết kế với các môn bắt buộc như Toán và Đọc hiểu - theo cấu trúc đã được tổ chức vào năm 2020. Năm 2022 sẽ có thêm môn Khoa học tự nhiên bao gồm: Lý - Hóa - Sinh và lấy một đầu điểm. Ngoài ra có môn Ngoại ngữ để tạo điều kiện cho những thí sinh có ngoại ngữ tốt vào một số ngành không phải là kỹ thuật chuyên sâu của như Kinh tế Quản lý, Ngôn ngữ Anh.
Bài thi được làm trực tiếp trên giấy, hình thức thi chủ yếu là trắc nghiệm. Môn Toán có một phần liên quan đến tự luận để đánh giá phương pháp giải, quy trình giải Toán một cách logic, rành mạch của thí sinh.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền cũng lưu ý đề thi đánh giá tư duy sẽ được thiết kế đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức nền tảng tốt: "Mặc dù đề thi được thiết kế trong khuôn khổ các kiến thức được học trong bậc phổ thông nhưng tính phân loại thí sinh khá - giỏi chắc chắn sẽ cao hơn đề thi THPT những năm gần đây. Đây là yếu tố đảm bảo chất lượng “đầu vào” của Bách khoa Hà Nội. Cấu trúc đề thi không khuyến khích học tủ, học lệch, học thêm. Chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức thi thử online (ít nhất là 2 đợt)".