Cùng dự Toạ đàm này còn có Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Ban quản lí Đề án ngoại ngữ quốc gia và đại diện các tổ chức có uy tín trong lĩnh vực dạy và học ngoại ngữ trong và ngoài nước.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đến từ các tổ chức như EF, IIG Việt Nam, Công ty giáo dục Việt Úc, EMG, Apollo, Egroup… đã đề xuất, tham mưu nhiều giải pháp liên quan đến chương trình, học liệu, phương pháp tổ chức dạy học, nâng cao chất lượng công tác khảo thí và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Đánh giá về chỉ số thông thạo Anh ngữ (EPI) của Việt Nam trong những năm gần đây, bà Cao Phương Hà, Giám đốc Tổ chức Giáo dục quốc tế EF (Education First) tại Việt Nam cho biết, theo Bảng xếp hạng chỉ số thông thạo Anh ngữ của 88 quốc gia trên thế giới do EF thực hiện, năm 2018, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 7 ở châu Á.
So với năm đầu tiên tham gia đánh giá (năm 2011) thì những năm gần đây, Việt Nam liên tục vượt hạng về chỉ số thông thạo Anh ngữ. Điều này chứng minh việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam đã có bước cải thiện đáng kể, cần tiếp tục được duy trì và phát huy hơn nữa.
Bà Hà cũng giải thích thêm, sở dĩ năm nay vị trí của Việt Nam thấp hơn năm ngoái là do số lượng quốc gia tham gia đánh giá nhiều hơn năm ngoái, chứ thực tế các chỉ số của năm 2018 đều cao hơn năm 2017 và những năm trước đó.
Hầu hết các ý kiến tại tọa đàm thống nhất cho rằng, giáo viên đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ nên việc xây dựng đội ngũ giáo viên đạt yêu cầu về chất lượng và đảm bảo đủ số lượng là cần thiết. Bên cạnh đó, để cải tiến chương trình học hiện nay, cần gắn việc dạy ngoại ngữ với các môn học khác để tạo hứng thú cho học sinh.
Về nội dung này, bà Donna McGowan, Giám đốc Quốc gia Hội đồng Anh đã chia sẻ kinh nghiệm thông qua việc giới thiệu Chương trình bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông hiện nay Hội đồng Anh đang thực hiện hiệu quả. Bà Cao Phương Hà, Giám đốc Tổ chức Education First giới thiệu Chương trình bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh trực tuyến.
Về công tác khảo thí ngoại ngữ, các đại biểu đề xuất giải pháp về đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách nhằm nâng cao chất lượng khảo thí theo tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể như khả năng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ thực hiện khảo thí tiếng Anh cho Việt Nam của ETS hay chương trình đào tạo bồi dưỡng đội ngũ thực hiện khảo thí tiếng Anh cho Việt Nam của Hội đồng Anh và Cambridge.
Về cải tiến chương trình, học liệu bà Bùi Hiền Thục, Giám đốc Công ty Giáo dục Việt Úc cho rằng việc dạy ngoại ngữ cần gắn với các môn học, môn chuyên ngành nhằm tạo hứng thú và hiệu quả học tập cho học sinh. Bà cũng đề xuất mô hình dạy Tiếng Anh - Toán, Tiếng Anh - Thể dục - Âm nhạc hiệu quả hiện đang được áp dụng tại một số trường phổ thông.
Về ứng dụng công nghệ trong dạy và học ngoại ngữ, Bà Phạm Thị Ngọc Lan, Giám đốc BU Giáo dục Viettel cho rằng, trong Cuộc cách mạng 4.0, cần thiết phải xây dựng hệ thống chương trình và học liệu dạy tiếng Anh trực tuyến nhằm tạo cơ hội cho người học có cơ hội học ngoại ngữ mọi lúc mọi nơi và bằng mọi phương tiện.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Thủy, Tổng Giám đốc Egroup cho rằng để tăng cơ hội sử dụng ngoại ngữ, cần xây dựng mạng xã hội, xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ, các chương trình dạy - học tiếng Anh trực tuyến, kết hợp ứng dụng công nghệ điện thoại thông minh.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Tổng Giám đốc Egroup
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao giải pháp mà các đại biểu đã đưa ra nhằm “hiến kế” cho việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Bộ trưởng lưu ý đến việc chuẩn hóa chương trình, học liệu và tính thiết thực của việc dạy học tiếng Anh. Theo Bộ trưởng, hiện nay, các chương trình, học liệu học tiếng Anh tại Việt Nam rất đa dạng, nhưng cần có một chương trình chuẩn hóa, thiết thực, tránh hàn lâm để học sinh dễ tiếp cận, không phải đọc nhiều sách, phụ huynh không phải mua nhiều sách, gây lãng phí.
Chương trình này phải tương đối phổ biến và cố gắng số hóa để các trường khu vực vùng sâu, vùng xa, thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ đạt chuẩn vẫn có thể tiếp cận được.
Việc dạy và học ngoại ngữ cần phải thiết thực, ứng dụng, coi ngoại ngữ là công cụ để giao tiếp, học thực chất, tránh tình trạng học đối phó, học vì bằng cấp, chứng chỉ. Cần xây dựng một cộng đồng nói tiếng Anh, khơi dậy một môi trường mà mọi người thích nói tiếng Anh, thích đọc tiếng Anh, một xã hội học tập, tạo thành phong trào sâu rộng, người biết nhiều dạy cho người biết ít, không chỉ với học sinh, sinh viên mà cả người trưởng thành, toàn dân đều có thể học ngoại ngữ.
Các trường đại học, nhất là các trường đại học công nghệ có thể nhập chương trình của nước ngoài bằng tiếng Anh về giảng dạy và tổ chức các buổi sinh hoạt, thảo luận bằng tiếng Anh. Có thể đưa một số môn học như Toán, Khoa học Tự nhiên vào giảng dạy bằng tiếng Anh trong nhà trường. Qua đó, tăng tính hiệu quả của việc học ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, mục tiêu học ngoại ngữ của mỗi người khác nhau nên cần đa dạng hóa các mô hình giảng dạy theo hướng, các trường phổ thông dạy nội dung cơ bản, mang tính ứng dụng thực tiễn cao. Những học sinh có nhu cầu sử dụng ngoại ngữ trong học tập, nghiên cứu hoặc đi du học có thể tìm đến các trung tâm đào tạo chuyên sâu ngoài nhà trường.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Tọa đàm.
Về vấn đề khảo thí, Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ sẽ xem xét việc xây dựng trung tâm khảo thí độc lập, uy tín, có thể mời các tổ chức kiểm định quốc tế có kinh nghiệm để đánh giá chất lượng của các trung tâm giảng dạy ngoại ngữ tại Việt Nam hiện nay, đảm bảo khách quan, không để thả nổi, buông lỏng chất lượng. Các trung tâm đều phải kiểm định và được xếp hạng khi tham gia hoạt động giảng dạy.
Bộ GD&ĐT cũng đang xem xét các giải pháp đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, Giáo viên phải được chuẩn hóa, bồi dưỡng đào tạo theo thực tế, phù hợp theo yêu cầu của từng cấp học. Đổi mới phương thức bồi dưỡng giáo viên bằng công nghệ, giảm cách bồi dưỡng truyền thống không thiết thực. Đồng thời tăng cường xã hội hóa, tạo động lực cho giáo viên tự học để nâng cao kiến thức.
“Tất cả các giải pháp đặt ra đều hướng đến mục đích cuối cùng là tạo môi trường tốt nhất cho việc dạy và học ngoại ngữ đạt hiệu quả. Nếu thế hệ trẻ có được kỹ năng tiếng Anh cùng kiến thức CNTT vững chắc thì chắc chắn sẽ hiện thực hóa được rất nhiều khát vọng. Chúng ta sẽ làm được nếu thực hiện tốt ngay từ bây giờ. Để trong 20 năm tới, khi tiếng Anh tốt, CNTT mạnh thì chắc chắn nền giáo dục sẽ thay đổi” - Bộ trưởng nhấn mạnh.