Theo các giáo viên của hệ thống Học mãi, đề thi đảm bảo bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình THPT và chủ yếu thuộc chương trình lớp 12, số câu hỏi lớp 12 tăng lên so với đề thi các năm trước (khoảng 85%-90%) như văn bản và hướng dẫn mà Bộ Giáo dục và đào tạo vừa công bố cũng như lộ trình triển khai kì thi THPT quốc gia đã thông tin. Phần kiến thức lớp dưới chiếm tỉ lệ rất nhỏ (không quá 10%/1 môn và gần như chỉ rơi vào chương trình lớp 11, không có câu hỏi thuộc kiến thức lớp 10). Riêng môn Ngữ văn ngữ liệu nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, còn môn Toán có xuất hiện câu hỏi có liên quan đến kiến thức lớp 10 (câu 49).
Về độ khó của đề thi: So với đề thi chính thức kì thi THPT quốc gia năm 2018, độ khó của đề thi tham khảo được giảm đi tương đối rõ rệt và tập trung nhiều vào mục tiêu để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Số câu hỏi dễ và câu hỏi lí thuyết (Nhận biết và thông hiểu) tăng lên, số câu vận dụng cao giảm đi chỉ còn chiếm khoảng 10% (khoảng 4 câu) và đồng thời có sự giảm về độ khó của các câu hỏi này so với đề thi 2018. Theo các chuyên gia, sự điều chỉnh này tương đối hợp lí nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu của kì thi, giải quyết các vấn đề tồn đọng của kì thi các năm trước (năm 2017 đề thi được phản ánh là quá dễ dẫn đến tình trạng mưa điểm 10 còn đề thi năm 2018 lại quá khó đến mức nhiều chuyên gia cũng gặp khó khăn để giải). Ngoài ra, việc điều chỉnh về độ khó và cấu trúc đề thi như vậy cũng tạo thuận lợi hơn cho thí sinh trong việc xét công nhận tốt nghiệp theo quy chế mới.
Với đề thi này, thí sinh học ở mức TB-Khá không khó để có thể đạt 6,7 điểm/1 môn thi.
Cần phải nói thêm rằng đây mới chỉ là đề thi mang tính chất tham khảo để học sinh hình dung được sơ bộ về hình thức của 1 đề thi thật đồng thời có thêm thông tin để phục vụ việc ôn tập. Các bạn học sinh cần bám sát quy chế thi THPT quốc gia, tập trung ôn tập để nắm chắc các phần kiến thức lớp 12, đồng thời rà soát lại các phần kiến thức lớp 11 và một số phần có liên quan ở lớp 10 để gia tăng cơ hội tối đa điểm số (đặc biệt với các câu hỏi ở mức độ Vận dụng cao để xử lí được thì thí sinh cần có sự tổng hợp, móc nối các kiến thức từ lớp dưới).
Nhận định tổng quát: So với đề thi THPT quốc gia năm 2018, đề thi minh họa cho kì thi THPT quốc gia năm 2019 có một số điểm như sau:
Cấu trúc đề thi: So với 2018, số lượng vẫn là 50 câu. Tuy nhiên tăng 2 câu ngữ pháp trong phần hoàn thành câu và giảm 2 câu đọc hiểu.
Về nội dung và phạm vi đề thi.
- Tổng quan nội dung kiến thức đề thi: Vẫn là chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12
- Phạm vi kiến thức trong đề: Các chuyên đề ngữ pháp phổ biến (thì, mạo từ, câu bị động, câu điều kiện, mệnh đề nhượng bộ, danh động từ, câu gián tiếp) và từ vựng.
Về độ khó và sự phân bổ kiến thức:
Tổng quan về độ khó của đề: 60% cơ bản + 40% nâng cao
Các câu hỏi dễ lấy điểm nằm ở các dạng bài: ngữ âm, câu giao tiếp, hoàn thành câu phần ngữ pháp, câu đồng nghĩa, nối câu, tìm lỗi sai. Các câu hỏi khó tập trung vào từ vựng như: Tìm từ đồng nghĩa trái nghĩa, các câu từ vựng trong phần hoàn thành câu và đọc hiểu.
Một số kiến thức ngữ pháp nâng cao như: Đảo ngữ, Liên từ, Phân từ, modal perfect. Phần đọc hiểu cũng là dạng bài để phân loại học sinh nhưng giảm 2 câu so với năm 2018 và độ khó tăng lên.
Về mặt nội dung
- Phần Đọc hiểu: Đề thi tham khảo vẫn giữ nguyên việc sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa. Sự thay đổi lớn nhất trong phần Đọc hiểu nằm ở cách ra các câu hỏi. Câu đầu tiên không còn kiểm tra học sinh về các kiến thức tiếng Việt căn bản như thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt … như những năm trước. Các câu hỏi đều không yêu cầu học sinh có sự học thuộc các kiến thức trong sách giáo khoa. Ở đề tham khảo, phần Đọc hiểu yêu cầu học sinh thực hiện chính xác hai thao tác là đọc và hiểu ngữ liệu. Đây là sự thay đổi hết sức lớn, nếu đề thi thật vẫn giữ nguyên cách ra đề như đề tham khảo, học sinh không còn cần phải quá tập trung vào việc học các kiến thức tiếng Việt.
- Phần Làm văn:
+ Câu viết đoạn văn: Đây là câu hỏi duy nhất không chứng kiến bất kì một sự thay đổi nào. Đề tham khảo vẫn giữ nguyên cách hỏi và hình thức thể hiện của câu hỏi này so với đề thi THPT quốc gia năm 2018. Học sinh vẫn được yêu cầu viết một đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ nghị luận về một vấn đề được trích ra trong ngữ liệu ở phần Đọc hiểu. Học sinh cần nắm chắc nội dung ngữ liệu phía trên để có thể làm tốt câu hỏi này.
+ Câu nghị luận văn học: Giống như phần Đọc hiểu, câu nghị luận văn học trong đề tham khảo năm 2019 có sự thay đổi rất lớn so với câu nghị luận văn học trong đề thi năm 2018. Nếu năm 2018, câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức trong hai lớp là lớp 11 và lớp 12 thì trong đề tham khảo chỉ hỏi duy nhất kiến thức nằm trong chương trình lớp 12. Câu nghị luận văn học trong đề tham khảo chỉ hỏi kiến thức nằm trọn vẹn trong một tác phẩm của lớp 12 nhưng vẫn ẩn chứa sự so sánh trong nội tại câu hỏi. Còn về độ khó, câu nghị luận văn học trong đề tham khảo năm 2019 được đánh giá có độ khó gần tương đương so với đề thi năm 2018. Không liên hệ với kiến thức 11, chỉ hỏi duy nhất kiến thức của lớp 12 nhưng câu hỏi này lại đi sâu vào việc yêu cầu học sinh phân tích sự thay đổi hình ảnh của nhân vật qua hai lần miêu tả. Với câu lệnh như vậy, dù đề bài không yêu cầu nhưng trong quá trình làm bài, học sinh vẫn phải thực hiện thao tác so sánh để làm rõ sự thay đổi của nhân vật.
Nhận định chung
So với đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, đề tham khảo năm 2019 không có sự thay đổi nào về cấu trúc đề thi mà chỉ chứng kiến sự thay đổi trong việc ra câu hỏi và nội dung của từng câu hỏi. Nhưng xét trên tổng quan và dựa theo những thông báo chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phạm vi kiến thức thi thì đề thi tham khảo năm 2019 không hề xuất hiện bất kì một kiến thức nhỏ nào trong chương trình lớp 11 và lớp 10. Đây thực sự là một câu hỏi lớn cần đặt ra và đi tìm lời giải đáp. Bởi nếu dựa vào đề tham khảo để tiến hành ôn tập kiến thức thì liệu học sinh có thực sự làm tốt được trong kì thi sắp tới hay không?
Theo thầy Phạm Trung Thông - GV Luyện thi Vật lý tại Hà Nội, Đề thi có 40 câu trải dài kiến thức từ lớp 11 -->12. Trong đó có: 4 câu 11 ( thuộc mức độ thông hiểu); 24 câu đầu (6 điểm) nhẹ nhàng chủ yếu lý thuyết - Đọc rồi khoanh. Từ câu 25 đến 30 (1,5 điểm) tính toán 1 phép tính. 30 câu đầu không đánh đố, không bẫy học sinh; 36 câu còn lại thuộc chương trình 12.
Từ câu 31 đến 40 (2,5 điểm) đề thi có sự phân hóa hơn, các câu khó lấy điểm 9,10 vẫn xoay quanh những kiến thức quen thuộc của Dao động cơ, Sóng cơ, Điện xoay chiều, Sóng ánh sáng
Đề minh họa dễ hơn so với đề thi thật 2018 và đề Minh họa 2018. Cũng là xu hướng tất yếu vì chủ trương của bộ hiện nay là nâng tỉ lệ điểm xét tốt nghiệp ở các bài thi lên 70%
Lời khuyên: Đề thi không có lớp 10 nên không cần học, lớp 11 tập trung ôn những công thức cơ bản của các chương: Điện - Từ trường, Dòng điện không đổi, Thấu kính. Lớp 12 đương nhiên phải học hết 7 chương trong SGK. Những em muốn được 8 thì vẫn phải học hết kiến thức, hiểu hết bản chất của các bài học, hiện tượng vật lý.
Những em muốn được 9+ thì cần học thêm các dạng khó của 3 chương đầu lớp 12, đặc biệt là khả năng tính toán phải tốt mới có thể xử lí được hết các câu hỏi trong đề thi.