Nhiều năm trước, một người phụ nữ vượt đại dương tìm chồng, nhưng phát hiện anh ta đã có người mới. Khi còn chưa kịp nguôi ngoai nỗi đau, bà đã bị mẹ chồng lạnh lùng quát mắng, gần như bị đuổi bà ra khỏi nhà vì "không sinh con trai".
Người phụ nữ ấy tên là Tang Kiện Hòa (tên tạm dịch - tên gốc: 臧健和 / Chong Kin Wo). Có thể chưa từng nghe tên bà, nhưng nếu đến Trung Quốc, rất có thể bạn sẽ thấy món há cảo nổi tiếng Wanchai Ferry của bà được bày bán trong hệ thống siêu thị, hay còn gọi là Há cảo Bến Vạn Tử.
Năm 1945, Tang Kiện Hòa sinh ra trong một gia đình nông dân ở Sơn Đông, Trung Quốc. Cha bỏ đi từ sớm, năm lên 5, bà đã biết ra đồng làm ruộng. Đến năm 14 tuổi, vì mưu sinh, bà buộc phải nghỉ học, đi làm hộ lý trong một bệnh viện. Nhờ thế, năm 22 tuổi, bà quen và yêu một bác sĩ quốc tịch Thái Lan. Hai người lập gia đình và có với nhau hai cô con gái.
Mùa xuân năm 1974, chồng bà nhận được tin cha mất tại Thái Lan nên lập tức về quê hương lo hậu sự. Bà tin rằng chồng sẽ sớm quay lại, nhưng lần đi đó kéo dài 3 năm biệt vô âm tín.
Chờ đợi trong vô vọng suốt một thời gian dài, Tang Kiện Hòa cuối cùng quyết định nghỉ việc, mang theo hai con gái lên đường sang Thái Lan tìm chồng. Nhưng khi tìm tới địa chỉ nhà họ, bà ngỡ ngàng phát hiện ông đã ở bên một người phụ nữ khác và cả hai có với nhau một bé trai. Người đàn ông không hề cảm thấy tội lỗi, thậm chí còn được mẹ của mình bao che.
Quá phẫn nộ, Tang Kiện Hòa quyết định ly hôn dù khi đó con gái lớn của bà mới 8 tuổi, con gái nhỏ chỉ 4 tuổi.
Ở tuổi 32, trên đường về nước, bà cảm thấy không còn mặt mũi nào gặp lại gia đình. Khi quá cảnh ở Hồng Kông, Trung Quốc, bà đưa ra một quyết định táo bạo: ở lại và tự gây dựng cuộc sống mới. Nghĩ là làm, bà lập tức tìm thuê một căn phòng ở đây. Tài chính có hạn nên căn hộ chỉ rộng đúng 4 mét vuông, không cửa sổ. Không biết tiếng Quảng Đông nên bà chỉ có thể làm các công việc tay chân, thậm chí một ngày làm ba việc, chỉ ngủ 2-3 tiếng mỗi đêm.
Không may, bà bị ngã chấn thương cột sống, không thể làm việc một thời gian dài. Những chỗ làm thuê lập tức sa thải bà để kiếm người mới.
Trong thời điểm đó, bà Tang chỉ ở nhà chi tiêu tằn tiện đợi ngày khỏi bệnh. Một lần bạn tới thăm, bà không có tiền mời họ ra cửa hàng nên tự vào bếp nấu một bát há cảo. Người bạn ăn xong đã khen nức nở: "Ngon quá! Cô đem ra phố bán chắc chắn đắt hàng!"
Lời nói ấy như đánh thức người trong mộng. Tang Kiện Hòa lập tức làm một chiếc xe đẩy, dẫn theo hai con ra bến Vạn Tử (Wanchai Ferry) bán há cảo. Về sau này, bà vẫn nhớ mãi cảm giác bối rối khi lần đầu đứng ở đầu ngõ, dùng giọng Quảng Đông ngọng nghịu để hô lớn "Bán há cảo" mời khách.
Những khách hàng đầu tiên là vài học sinh vừa chơi bóng xong. Bà hồi hộp chờ đợi phản ứng và khi nghe các em reo lên "Ngon quá!", bà mới trút được gánh nặng trong lòng.
Từ hôm đó trở đi, bất kể nắng mưa, tối nào người ta cũng thấy Tang Kiện Hòa đẩy xe ra bán há cảo ở bến Vạn Tử. Nhờ chất lượng thơm ngon và giá cả hợp lý, bà dần dần tạo dựng được chỗ đứng. Không chỉ người dân sống ở khu vực này mà quầy há cảo của bà còn được truyền thông "điểm danh". Khách du lịch từ nơi khác cũng tìm đến chỉ để ăn món há cảo của "Người phụ nữ ở bến Vạn Tử".
Năm 1982, cơ hội lớn đến với cửa hàng nhỏ của bà Tang. Trong một buổi tiệc, con gái của chủ tịch chuỗi bách hóa Daimaru Nhật Bản, vốn là người kén ăn, đã ăn liền chục cái há cảo. Điều này khiến ông chủ Daimaru nảy sinh hứng thú và đề nghị hợp tác kinh doanh.
Tang Kiện Hòa hỏi thẳng: "Nếu hợp tác với ông, há cảo của tôi vẫn được gọi là 'Wanchai Ferry' chứ?"
Ban đầu, đối phương từ chối. Nhưng Tang Kiện Hòa cũng kiên quyết khẳng định sẽ không lấy tên bất cứ thương hiệu nào khác. Cuối cùng, 'Wanchai Ferry' được đóng gói chuyên nghiệp và phân phối trong chuỗi Daimaru, đánh dấu bước chuyển mình của Tang Kiện Hòa từ người bán hàng rong thành một nữ doanh nhân bản lĩnh.
Sau đó, chỉ trong hai năm, "Wanchai Ferry" trở thành thương hiệu thực phẩm đông lạnh nổi tiếng hàng đầu Hồng Kông. Năm 1985, Tang Kiện Hòa mở liền 3 nhà máy há cảo tại đây.
Năm 1998, bà đưa thương hiệu vào thị trường Trung Quốc đại lục, cũng nhanh chóng trở thành thương hiệu há cảo đông lạnh hàng đầu.
Người phụ nữ tay trắng lập nghiệp ấy đã trở thành một nữ doanh nhân thành đạt, được người đời ngưỡng mộ. Năm 2000, bà được vinh danh tại Giải thưởng Nữ Doanh nhân Xuất sắc Thế giới lần thứ 4, đồng thời cũng là người duy nhất phát biểu bằng tiếng Trung trong số 40 người đạt giải. Năm 2006, bà tiếp tục nhận Giải thưởng Hoa kiều xuất sắc toàn cầu.
Dù đã thay đổi vận mệnh của mình, Tang Kiện Hòa không quên giúp đỡ cộng đồng. Bà tham gia thành lập quỹ giáo dục tại đại học, xây viện dưỡng lão ở Thanh Đảo, quyên góp cho Quỹ Phát triển Phụ nữ Trung Quốc…
Hai cô con gái của bà cũng không phụ lòng mẹ. Sau khi du học trở về, họ đều kế nghiệp và cùng điều hành công ty.
Tháng 2 năm 2019, Tang Kiện Hòa qua đời ở tuổi 73. Thời điểm đó, Wanchai Ferry đã có 15 nhà máy toàn cầu, doanh thu hàng năm vượt 6 tỷ NDT, theo Sohu.
Đến nay, trong các siêu thị khắp nơi, sản phẩm há cảo Wanchai Ferry vẫn hiện diện, và câu chuyện truyền kỳ của bà vẫn là nguồn cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ bình thường.
Bên cạnh việc ngưỡng mộ sự thành công của người phụ nữ này, ai cũng xuýt xoa khi nghĩ tới quá khứ vất vả mà bà từng trải qua khi còn là người mẹ đơn thân, một nách hai con, vất vả bươn chải nơi đất khách. Dân mạng cũng cho rằng, chồng cũ của bà mà biết tin chắc không khỏi tiếc nuối vì bản thân đã phụ bạc một người phụ nữ tuyệt vời.
Sau tất cả, Tang Kiện Hòa luôn khẳng định rằng, thành tựu của bà đạt được là nhờ một quý nhân. Và quý nhân đó chính là bản thân bà!
Dựa vào ai cũng không bằng dựa vào chính mình. Chỉ có bản thân mới có thể trở thành quý nhân vững chắc nhất của mỗi người.
Chúng ta đều là những người trưởng thành, đều phải tự lực cánh sinh. Dựa vào cha mẹ, có một ngày cha mẹ sẽ già yếu; dựa vào bạn bè, bạn bè cũng có lúc gặp phải khó khăn. Vấp ngã phải tự mình đứng dậy, lần sau mới cẩn thận hơn; thất bại cũng phải phấn chấn trở lại, thành công sẽ sớm tới với bạn như cách bà Tang làm được.
Nguồn: Sohu