Na Uy xôn xao vụ bắt cóc vợ triệu phú, đòi chuộc bằng tiền điện tử

Yến Chi, Theo An ninh Thủ đô 10:00 16/01/2019

Elisabeth Falkevik Hagen, vợ doanh nhân giàu có hàng đầu Na Uy bị bắt cóc từ hôm 31-10-2018 nhưng phải hơn 2 tháng sau, cảnh sát mới tiết lộ về vụ việc khi manh mối về con tin trở nên bế tắc.

Na Uy xôn xao vụ bắt cóc vợ triệu phú, đòi chuộc bằng tiền điện tử - Ảnh 1.

Gia đình Hagen có một ngôi nhà khiêm tốn ở thị trấn Lorenskog, gần thành phố Oslo

Tại các cuộc họp báo vào cuối tuần trước, cảnh sát cho biết, họ đã thiết lập một đường dây liên lạc với những người tuyên bố đang giữ bà Hagen, nhưng thừa nhận rằng họ không biết thủ phạm là ai, hoặc thậm chí là liệu bà Hagen, 68 tuổi, còn sống hay không. “Không có dấu hiệu của sự sống”, ông Tommy Broske, người đứng đầu đơn vị cảnh sát điều tra vụ mất tích, cho biết hôm 10-1.

Cú sốc với gia đình doanh nhân

Vụ việc đã gây xôn xao dư luận Na Uy và trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông nước này. Nhà chức trách không tiết lộ số tiền chuộc được những kẻ bắt cóc đưa ra nhưng theo giới truyền thông, nó rơi vào khoảng 9 triệu euro, tương đương 10,3 triệu USD. Ông Broske cho biết, cảnh sát đã khuyên doanh nhân Tom Hagen không trả tiền.

Cũng trong cuộc họp báo hôm 10-1, các quan chức tiết lộ rằng một số hãng tin của Na Uy biết về vụ bắt cóc từ cách đó hơn 1 tháng, nhưng vẫn giữ bí mật theo yêu cầu của cảnh sát. Cảnh sát cũng công bố đoạn video từ camera giám sát có hình ảnh 3 người đàn ông bên ngoài văn phòng của ông Hagen, cho biết đó là những đối tượng họ muốn thẩm vấn. Ngoài ra, kể từ khi công khai vụ việc, cơ quan chức năng cũng đã nhận được hơn 100 tin báo có liên quan.

Gia đình Hagen có một ngôi nhà khiêm tốn ở Lorenskog, một thị trấn trung lưu, yên tĩnh gần thành phố Oslo - cũng chính là ngôi nhà mà họ sống trước khi ông Hagen trở nên phát đạt. Các trang tin tức của Na Uy trích dẫn nguồn từ cơ quan cảnh sát cho hay, bà Hagen đã được đưa ra khỏi nhà vào sáng 31-10. Dù không có bằng chứng về một vụ đột nhập nhưng có dấu hiệu của một cuộc ẩu đả trong phòng tắm. Giấy đòi tiền chuộc đã được để lại cho ông Hagen, trong đó có lời dọa giết con tin và yêu cầu số lượng lớn Monero, một loại tiền điện tử rất khó kiểm soát với các giao dịch ẩn danh.

Ông Hagen, năm nay cũng 68 tuổi, là người sáng lập và chủ sở hữu Công ty điện lực Elkraft cùng nhiều bất động sản, bao gồm một cổ phần lớn trong một khu trượt tuyết nổi tiếng. Theo một tạp chí kinh doanh Na Uy, ông này có khoảng 1,7 tỷ kroner, tương đương khoảng 200 triệu USD.

Người dân Na Uy thường tự hào về tinh thần bình đẳng của họ nên rất ít người khoe khoang sự giàu có, nhưng vụ bắt cóc bà Hagen cũng châm ngòi cho tranh luận về việc: Luật pháp yêu cầu mọi người dân phải công khai tiền đóng thuế, nhưng một số người lại lo sợ người giàu sẽ trở thành mục tiêu bị hãm hại.

Na Uy xôn xao vụ bắt cóc vợ triệu phú, đòi chuộc bằng tiền điện tử - Ảnh 2.

Hiện chưa rõ tung tích của bà Anne-Elisabeth Falkevik Hagen, người được cho là bị bắt cóc tại nhà từ hôm 31-10-2018

Tiền điện tử bắt đầu được sử dụng trong hoạt động phạm pháp

Vụ việc cũng làm nổi lên khía cạnh rất mới, đó là sử dụng tiền điện tử trong các hoạt động bất hợp pháp. Nhiều người kêu gọi cần phải cấm hoặc có luật quy định về loại tiền này và để các cơ quan thực thi pháp luật có thêm quyền điều tra về người sử dụng chúng. “Nhiều Chính phủ đang đi sau so với tiền điện tử. Tiền điện tử không được một Nhà nước hay thực thể nào quản lý, đó là lý do tại sao rất khó để điều chỉnh chúng”, ông Carsten Schurmann, Giáo sư tại Đại học CNTT Copenhagen nhận xét.

Ông Torbjorn Bull Jenssen, nhà đầu tư và là Giám đốc điều hành Arcane Crypto, một công ty chuyên về tiền điện tử cho rằng nếu tội phạm coi tiền điện tử là an toàn vì khó truy vết thì không hẳn là được việc. “Đòi số tiền chuộc  lớn bằng đồng Monero là phi thực tế, bởi thị trường giao dịch đồng tiền này khá nhỏ. Số tiền chuộc chiếm 1% tổng số đồng Monero hiện có. Nhưng những kẻ bắt cóc, nếu có nhận tiền cũng phải rất mất thời gian mới tìm được người mua”, ông Jenssen nói.

Cảnh sát Na Uy cho biết họ đã tìm kiếm sự giúp đỡ của quốc tế. “Chúng tôi chưa từng gặp trường hợp tương tự như ở Na Uy, vì vậy việc tìm kiếm thông tin quốc tế là điều hoàn toàn tự nhiên”, đại diện cơ quan điều tra Na Uy Tommy Broske nói. Vụ bắt cóc đòi tiền chuộc là tiền điện tử đầu tiên trên thế giới xảy ra vào tháng 1-2015, khi Ryan Piercy, một người Canada sống ở Costa Rica, bị bắt cóc và những kẻ bắt giữ ông này đòi số Bitcoin trị giá 500.000 USD. Một tháng sau, nạn nhân được thả.

Ông Tom Hagen và vợ dự kiến sẽ kỷ niệm 50 năm ngày cưới vào năm 2019 này. Doanh nhân giàu có này hiện chỉ muốn liên lạc được với những kẻ bắt cóc để chắc chắn rằng bà Anne-Elizabeth Falkevik Hagen, người mà ông kết hôn từ năm 19 tuổi còn sống và vẫn khỏe mạnh, mặc dù vụ bắt cóc là “hành động tàn nhẫn và vô nhân đạo”.