Những ngày vừa qua, Mỹ, Trung Quốc, Canada... đang phải trải qua những ngày giá rét đầy khắc nghiệt, khiến cho nhiều sinh vật tê cóng, cảnh vật như đông cứng lại trong băng tuyết.
Nhiều khu vực ở Mỹ, Canada đang phải trải qua đợt giá rét chưa từng thấy trong hơn 100 năm qua.
Theo CNN, nền nhiệt độ đo được ở 1 số vùng trên nước Mỹ xuống tới âm 35 độ , kết hợp với gió thổi, mức nhiệt còn hạ thấp hơn nữa, khoảng âm 60 độ C - thấp hơn cả nhiệt độ ở sao Hỏa (khoảng âm 55 độ C).
Nhưng câu hỏi đặt ra hôm nay là: ở mức nhiệt độ nào thì con người không chịu nổi nữa, hay nói đơn giản hơn là con người chịu được giá lạnh ở giới hạn nào?
Bởi bạn biết đó, khi nhiệt độ hạ thấp thì cơ thể người cũng sẽ chịu những tổn thương nhất định. Hãy cùng tìm hiểu xem sao.
Từ cơ chế chống lại cái lạnh của con người...
Cơ thể của ta vô cùng kỳ diệu khi sở hữu cơ chế bảo vệ tính mạng mỗi khi thân nhiệt tăng hoặc giảm.
Khi bị lạnh, cơ thể sẽ tự phản ứng bằng cách rút dần máu ở các bộ phận "hở" - rất dễ lạnh như ngón tay, ngón chân và chuyển lượng máu này vào khu vực trung tâm của cơ quan này.
Cơ chế co, giãn mạch trên cơ thể người.
Quá trình đó có tên gọi là sự co mạch (vasoconstriction) - có nhiệm vụ giúp giới hạn lượng nhiệt thoát ra ngoài môi trường.
Tiếp đến, cơ thể sẽ run lên khi gặp lạnh. Cùng với đó là chuỗi phản ứng mà bạn sẽ trải qua như rùng mình, nổi da gà, răng va vào nhau lập cập...
Lúc này, cơ bắp sẽ co giãn liên tục nhằm tăng thân nhiệt cho cơ thể, đồng thời báo động cho bạn biết rằng cần tìm 1 chỗ ấm áp hơn.
... và giới hạn chịu nhiệt của con người
Theo một báo cáo năm 1958 của NASA, con người có thể sống trong điều kiện nhiệt độ môi trường dao động từ 4 - 35 độ C. Nhiệt độ tối đa mà con người chịu được có thể đẩy lên nếu độ ẩm không khí thấp.
Lý do là bởi lượng nước trong không khí thấp hơn thì cơ thể sẽ dễ dàng đổ mồ hôi hơn, giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể.
Cơ thể có thân nhiệt ổn định mức 37 độ C, tuy nhiên dưới tác động của môi trường, nếu thân nhiệt giảm (hypothernmia) sẽ gây ra ảnh hưởng rõ rệt.
Thân nhiệt giảm dưới 35 độ C, chân tay sẽ run, khó cử động. Thân nhiệt giảm 32 độ C, mọi người hầu hết sẽ bất tỉnh, cơ thể gắng gượng để duy trì thân nhiệt, hơi thở, nhịp tim rối loạn khi thân nhiệt giảm xuống còn 28 độ C. Nhiệt độ thấp hơn tí nữa, bạn sẽ mất dần ý thức và khi thân nhiệt chạm mức 20 độ C, tim sẽ ngừng đập.
Kỷ lục ghi nhận thân nhiệt thấp nhất của một người trưởng thành từng được biết đến là 13,7 độ C - trong điều kiện là người này ngâm mình trong nước lạnh và đóng băng trong thời gian khá lâu.
Con người "đóng băng" không khi nhiệt độ xuống tới âm 40 độ C?
Cần phải khẳng định rằng, nhiệt độ xuống thấp tới âm 45 độ C được ghi nhận ở 1 số vùng ở nước Mỹ, Canada... tác động không nhỏ tới cơ thể và sinh hoạt của con người.
Phần da thịt, tóc, râu... của con người tiếp xúc trực tiếp với thời tiết này sẽ đóng băng chỉ trong vài phút.
Đó là lý do vì sao nhiều người sống trong vùng lạnh dưới 0 độ C trong thời gian dài thì phần lông mi, mắt, râu sẽ trụi hơn so với người sống ở nơi khác.
Ngoài ra, ở mức nhiệt này, cơ thể rất dễ gặp nguy cơ bỏng lạnh - loại bỏng đáng sợ hơn cả bỏng nóng. Chỉ cần dùng tay trần cầm vào đồ vật bằng sắt để ngoài trời, bạn sẽ bị bỏng lạnh - rộp da tróc từng mảng ngay lập tức.
Các tổn thương này còn phụ thuộc vào điều kiện môi trường. Ví dụ như nếu nhiệt độ môi trường là âm 18 độ kèm những cơn gió rét âm 28,3 độ thì bạn sẽ chịu thương tổn giá rét sau 30 phút đứng trong môi trường này. Tuy nhiên, nếu môi trường xuống tới âm 26 độ C, cơn gió rét xuống âm 43 độ thì nguy cơ tử nạn của bạn chỉ trong vòng 5 phút.
Tạm kết:
Được biết, mức nhiệt độ thấp nhất mà con người từng trải qua là mùa đông năm 1933 ở Oymyakon - vùng phía Đông Bắc nước Nga với cái lạnh âm 68 độ C của mùa đông năm 1933.
Rất có thể đó vẫn chưa là giới hạn.
Nhưng cũng tùy theo từng điều kiện môi trường, cơ địa mà sức chịu lạnh của mỗi người có thể khác nhau. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học thì trong điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt như thế này, tốt nhất là bạn nên ở trong nhà.
Nếu buộc phải ra ngoài cần phải đảm bảo giữ thân nhiệt thật tốt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính mình.
Nguồn: Howstuffworks, Livescience, CNN