Hồ Ngọc Hà, Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng ngồi ghế giám khảo The Voice Việt Nam, ngay sau đó đối thủ Vietnam Idol đã dồn hết tất cả tài lực để làm điều "không tưởng" là nhận được cú gật đầu của Mỹ Tâm. Mục đích của Vietnam Idol là đưa hai cuộc thi đang hot nhất này về thế cân bằng. Những điều này chứng mình một điều rằng, cuộc chiến của các talent show (chương trình tìm kiếm tài năng) tại Việt Nam ngày càng trở nên căng thẳng chẳng thua kém những gì đang diễn ra tại Mỹ. Đây không chỉ còn là cuộc chiến tìm ra ai là người chiến thắng, tài năng nhất nữa mà còn là cuộc chiến kịch liệt giữa các giám khảo, giữa những hợp đồng quảng cáo và rating của những đối thủ với nhau. Showbiz Việt sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến này khi mà chắc chắn nhiều kỉ lục về rating, các hợp đồng quảng cáo "khủng long", những sự kiện hoành tráng sẽ được thiết lập.
Ratings
Khi The Voice của Mỹ bắt đầu phát sóng và gây được sự thích thú rộng rãi, dư luận đã râm ran cho rằng American Idol sẽ bị đánh bại về lượng rating. Thực tế là ngay tập đầu tiên phát sóng, The Voice được ghi nhận có 17,7 triệu khán giả theo dõi qua TV, đánh bại con số 17,1 triệu của American Idol. Nhưng về sau mùa giải, khi sự mới lạ của The Voice đối với khán giả đã hết, mọi thứ dần trở lại bình thường thì "ông lớn" American Idol vẫn là cái tên không có đối thủ, chốt hạ mùa giải bằng vị trí dẫn đầu, sở hữu lượng khán giả xem trung bình 19,2 triệu so với con số 14,8 triệu của The Voice.
Bảng đo rating giữa American và The Voice
Vậy tình hình rating tại Việt Nam sẽ như thế nào khi chúng ta không có một cái máy đo rating nào "làm chứng"? Tại Mỹ, 2 chương trình trên được phát trên hai kênh truyền hình đối thủ là FOX và NBC, còn tại Việt Nam, khá buồn cười là cả hai show của chúng ta đều được phát trên cùng một kênh VTV, vậy chúng ta sẽ đo độ nóng của nó bằng cái gì? Câu trả lời là vẫn như bình thường: sự phản ứng của báo chí, cư dân mạng trên Facebook và số lượng scandal sẽ là những tiêu chí phân thắng bại của hai chương trình này tại Việt Nam. Rating hay nói đúng hơn là phản ứng của dư luận sẽ là một tiêu chí quan trọng để thu hút quảng cáo - mục đích cuối cùng của những người tổ chức chương trình, vì thế: ai là người sử dụng chiêu trò hay hơn, truyền thông tốt hơn thì người ấy sẽ chiến thắng. Ai là người chiến thắng cũng được, nhưng với những chương trình dài hơi như thế này, cái chúng ta nhận được là sẽ luyện được những cá nhân tạo "buzz" (tiếng vang) tốt nhất cho showbiz Việt.
Quảng cáo
Mùa giải 2011, American Idol dẫn đầu giá trị quảng cáo khi "thu" của mỗi nhãn hàng 512.000 USD (hơn 10,6 tỷ đồng) nếu muốn xuất hiện 30s trong giờ phát sóng, The Voice có giá trị bằng phân nửa là 206.000 USD (4,2 tỷ đồng). Và nghiễm nhiên cả hai đều nằm trong Top 10 những chương trình "đắt giá" nhất nước Mỹ.
Kịch bản cho The Voice Việt Nam và Vietnam Idol có lẽ vẫn sẽ tương tự như "mẹ đẻ" của chúng: cả hai chương trình sẽ "đếm tiền không xuể" từ các hợp đồng quảng cáo. Theo những số liệu từ một chương trình tương tự, nhưng ít độ hot hơn là Vietnam's Got Talent vừa mới kết thúc, giá quảng cáo cho 30s là 7.200 USD (gần 150 triệu đồng), vậy suy ra đối với hai show "cực hot" là The Voice Việt Nam và Vietnam Idol, con số quảng cáo sẽ còn khủng cỡ nào? Chưa kể, truyền hình Việt Nam lại có vẻ không có giới hạn thời gian quảng cáo, khán giả đôi khi xem quảng cáo còn dài hơn chương trình chính thức (tại Mỹ, American Idol tập cuối cùng chỉ cho phép quảng cáo phát 28 phút trong tổng số 127 phút của chương trình). Vậy thì đúng là nhà sản xuất chương trình đang sở hữu một kho vàng vô tận. Về phần này, Vietnam Idol đang chiếm lợi thế vì mỗi tuần chương trình này có đến hai buổi phát sóng, điều đó có nghĩa là họ sẽ có số lượng quảng cáo phát cao gần gấp đôi The Voice.
Giám khảo
Nếu các nhà sản xuất chương trình là người đứng đằng sau xây dựng nên những kịch tính trong các talent show thì ban giám khảo chính là bộ mặt trực tiếp tham gia vào việc tạo nên sự hấp dẫn trên sân khấu chẳng kém gì những tài năng tranh tài. Chính thế mà sau cơn sốt "Simon khó tính" của những năm trước, vấn đề giám khảo luôn được cho là quyết định sống còn mỗi khi một mùa giải mới chuẩn bị khởi động. Điều gây chú ý đầu tiên có lẽ là danh tiếng của vị giám khảo đó "ăn thị trường" đến mức nào. Chính vì nhận thức được điều này, nhà sản xuất của 3 chương trình American Idol, The Voice, X-Factor đã không ngần ngại bỏ ra hàng chục triệu đô la để mời: Jennifer Lopez, X-Tina, Britney Spears ngồi vào ghế nóng.
Format tại Việt Nam của những chương trình trên cũng đã sớm nhận thức được điều đó khi sẵn sàng mời những ngôi sao hàng đầu Việt Nam như: Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh... làm giám khảo. Nên nhớ các ngôi sao Việt Nam khác với những siêu sao thế giới là sao chúng ta chạy show nhiều hơn họ, nên cái giá mà nhà tổ chức Việt Nam bỏ ra để các ngôi sao chịu bỏ thời gian gần nửa năm theo chương trình không hề nhỏ, gần như là cao nhất từ trước đến nay, chưa kể những nhân vật họ mời đều là những cái tên ăn khách nhất Việt Nam. Chắc chắn công chúng Việt sẽ có một thời gian cuối năm sôi động chưa từng có khi mà mỗi tuần họ đều có thể ngồi trước TV chứng kiến các gương mặt hot nhất, những chiêu trò kịch tính nhất...
Người chiến thắng
Theo thống kê, trải qua 11 mùa giải, American Idol đã thực sự tạo nên những cái tên "bán album được" sau giây phút đăng quang: 324 ca khúc đạt số 1 Billboard, 50 triệu album được bán ra, 250 triệu lượt tải về trên Itunes đã chứng minh vị trí bất bại và cái nhìn đúng đắn từ những vị giám khảo của chương trình này. The Voice mới trải qua một mùa giải, nhưng người thắng cuộc là Javier Colon chỉ bán được 38.000 album. Một nhà phân tích âm nhạc đưa ra nhận xét về thực tế này: "Đa số chúng ta thích thú với vòng giấu mặt của The Voice vì thấy nó có ý nghĩa quá, chỉ cần có tài năng, không cần có ngoại hình, chúng ta thấy được cơ hội của chúng ta trong đó. Từ suy nghĩ đó mà ta lại quay sang mặc định Idol như là một cuộc thi kệch cỡm, chỉ chọn người đẹp. Nhưng đó lại là sai lầm, hãy xem Kelly Clarkson, Underwood, ai dám nói họ chỉ đẹp mà bất tài? Vì thế, Idol vẫn là một lựa chọn an toàn cho những người muốn đi đường dài sau khi đăng quang, The Voice có lẽ phải có những thay đổi mang tính chất tích cực hơn".
Còn ở Việt Nam thì sao? Bán đĩa, chúng ta dĩ nhiên không ai bán được. Tải nhạc? Toàn miễn phí. Vậy thì cái gì đo mức độ thành công sau giây phút đăng quang của người chiến thắng? Phương Vy, Uyên Linh, Thảo Trang đã có những vị trí nhất định ở showbiz nhưng chưa thực sự nổi bật, Quốc Thiên hoàn toàn lu mờ. Từ đấy có thể thấy rằng yếu tố quyết định trong cuộc cạnh tranh của The Voice và Vietnam Idol có thể là yếu tố mang tính nhân văn nhất: sự thành bại của người chiến thắng sau phút giây đăng quang.
Adam và Javier Colon Tuy nhiên, "người chiến thắng" ở các talent show chưa chắc chỉ có mỗi người đứng trên sân khấu. Các giám khảo cũng sẽ "lên đời" không ít từ ảnh hưởng của những cuộc thi này, Jennifer Lopez nhờ American Idol đã có cuộc trở lại ngoạn mục với album Love? bán ra hàng chục triệu bảng trên toàn thế giới, tương tự X-Tina cũng nhờ The Voice mà lượng bán album tăng lên đột biến. Vậy đối với các "giám khảo" ở Việt Nam thì sao?
Siu Black đã xây dựng thương hiệu như một trong những giám khảo mát tay nhất Việt Nam, kéo theo việc chị ấy đắt show giám khảo ở rất nhiều cuộc thi sau đó với số tiền catse được tiết lộ là không hề thấp. Thu Minh liệu sẽ có cuộc thăng hạng sau The Voice sắp tới khi mà đây đúng là nơi chị ấy thoải mái vẫy vùng giọng hát khủng của mình? Mr. Đàm chắc chắn sẽ có cơ hội gần hơn với đối tượng khán giả trẻ - phân vùng mà anh ấy chưa nhận được nhiều sự ủng hộ. Hồ Ngọc Hà thời thượng sẽ thu hẹp được khoảng cách với công chúng khi hình ảnh của chị ấy sẽ xuất hiện trên TV mỗi tuần. Mỹ Tâm có lẽ là người thu được ít lợi ích nhất khi chỉ đang đóng vai trò làm tăng sức hút của chương trình, tuy nhiên vị trí giám khảo có lẽ cũng ít nhiều góp phần khẳng định hơn nữa vị trí của chị ấy trong Vpop hiện nay.
Kết
Talent show đang là một xu hướng đáng khích lệ với showbiz Việt vì nó là con đường ngắn nhất để thúc đẩy mọi sự phát triển của nền giải trí của chúng ta. Những tài năng liên tục xuất hiện, khán giả được xem những chương trình chất lượng, nhà tổ chức có doanh thu khủng, đài truyền hình liên tục đạp đổ các kỉ lục rating, các ngôi sao có "đất" để thể hiện tài năng... Để có được những điều này công đầu tiên thuộc về những người viết ra format gốc ở nước ngoài, việc còn lại của những khách hàng mua về như chúng ta là vận hành nó thật tốt, mang lại lợi ích cho showbiz Việt.