The Voice được chia ra 3 vòng thi:
Vòng Giấu mặt,
Vòng Đối đầu và
Vòng Liveshow biểu diễn truyền hình trực tiếp (không kể
Vòng Sơ loại không lên sóng).
The Voice Việt đã đi được 1/3 chặng đường nhưng nó đã kéo gần như mọi sự chú ý của khán giả cả nước vào "tâm bão", thế thì liệu ở những vòng sau, "điều kì diệu" này sẽ tiếp diễn theo cách nào?
Vòng Giấu mặt: HLV và thí sinh đều có "tính toán riêng"
Vòng Giấu mặt của The Voice Việt đã kết thúc, khán giả có thể dễ dàng nhận thấy ở vòng thi này, thí sinh "đừng hòng" dùng sắc đẹp hay khán giả cũng "đừng hòng" dùng tiếng la ó gây áp lực lên các HLV bắt họ quay ghế lại. Cả Hà Hồ, Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng và Trần Lập đều chọn phương án "nhắm mắt lắng nghe" để lựa chọn giọng ca.
Có thể những chi tiết "nếu có hơn một vị HLV quay ghế lại thì quyền lựa chọn được chuyển sang cho thí sinh" chỉ để tăng thêm kịch tính cho chương trình chứ thực sự, cả HLV và thí sinh đều đã có lựa chọn của mình ngay từ đầu.
Điều này lí giải vì sao cho dù 4 vị HLV dùng mọi lí lẽ thuyết phục, thậm chí Hồ Ngọc Hà là người nói hay nhất, Hương Tràm vẫn về với "thần tượng từ lúc nhỏ" của mình là Thu Minh.
Hoặc nếu tinh ý, khán giả không khó để nhận ra vẻ mặt "tui hớ rồi" của vài HLV khi quay ghế lại và phát hiện mình đã "một phút yếu lòng" mà chọn người không thích hợp. Ngay lập tức HLV đó sẽ ngồi im hoặc không tích cực vận động vì như cách nói của Hồ Ngọc Hà là: "Chúng tôi là những người hiểu chúng tôi nhất, tôi biết tôi có thể làm được gì cho bạn và không làm được gì cho bạn".
Về tính thực tế và chiêu trò của chương trình, có một số đơn vị truyền thông do không hiểu rõ ràng ý nghĩa của vòng thi này đã vội vàng quy kết chương trình sử dụng chiêu trò, dàn xếp để tăng rating như bao chương trình giải trí nặng mùi thương mại khác. Nhưng ít ai biết, The Voice là chương trình mà đội ngũ thực hiện "kém chiêu trò" nhất. Họ muốn giọng hát là điểm nhấn thì những "rìa rìa" cũng nên liên quan đến giọng hát.
Điều đó giải thích vì sao cả chương trình, BTC ít bõ công lặn lội xuống vùng quê ghi hình gia cảnh thí sinh hay tạo nên những kịch bản công phu nhằm thu hút người xem. Mà việc của BTC rất đơn giản: mời người thân của thí sinh vào một phòng kín cùng MC Phan Anh với rất nhiều máy quay đặt xung quanh.
Điều kì diệu là sự đơn giản này lại tạo hiệu quả và "hợp lí" khi người ta thấy những giọt nước mắt lăn dài trên mặt mẹ Hương Tràm khi chứng kiến cảnh con mình xuất sắc trên sân khấu, hay hai người bạn gái của Hà Văn Đông khóc ướt cả mặt khi thấy bạn mình tỏa sáng...
Đó là những cảm xúc chân thật nhất và sẽ không có một kịch bản nào có thể kiểm soát được những cảm xúc chân thật đó.
Vòng Đối đầu: HLV học bài học cuộc đời
Lí do các HLV phải bắt mình "lơ" hết tất cả những yếu tố xung quanh ảnh hưởng đến lựa chọn của mình chính là vòng thi này - họ không được khinh suất để dẫn đến những lựa chọn sai lầm mà bản thân mình sẽ gánh chịu. Vì đến vòng này, khán giả vẫn chưa có tiếng nói, quyền quyết định vẫn là HVL nên đúng sai gì thì trách nhiệm cũng chính là họ.
Có nhiều khán giả nhầm lẫn đây là vòng thi mà thí sinh giữa 4 đội sẽ bắt cặp để đấu với nhau. Nhưng thực tế thì cặp thí sinh loại trực tiếp nhau chính là những người trong cùng một đội.
Chính vị HLV của đội đó sẽ huấn luyện hai thành viên trong đội mình và để họ đấu với nhau. Đau lòng hơn cả khi chính HLV cũng là người quyết định thắng thua sau khi nghe hai thành viên đội mình song ca.
Một chuyên gia sản xuất chương trình truyền hình đã có một phát biểu về ý nghĩa "khắc nghiệt" của vòng thi này: "Vòng Đồi đầu của The Voice như một bài học cuộc đời cho chính 4 vị HLV, đó là bài học về sự lựa chọn. Họ bắt buộc phải "đúng" ngay từ lúc họ chia nhóm của đội mình.
Nếu HLV không tinh tế, sẽ dẫn đến những sự lựa chọn sai lầm ảnh hưởng cho tới cuối cuộc thi. Đã không ít lần Christina hay Adam bắt cặp thí sinh sai lầm dẫn đến họ cùng lúc mất đi rất nhiều tài năng mà ngay cả họ cũng phải hối hận và tự trách mình.
Có thể ngày hôm sau, họ bị báo chí chửi tơi bời về những sai lầm này nhưng họ biết, nỗi đau và sự ám ảnh, day dứt với thí sinh bị loại đáng tiếc mới làm cho họ đau lòng hơn cả. Nhà sản xuất không muốn can thiệp vì họ có một bài học lớn hơn muốn gửi đến khán giả: Những ngôi sao hàng đầu cũng có những lúc sai lầm và họ không phải hoàn toàn hoàn hảo".
Vòng Liveshow: Mọi thứ trở về với "nguyên thủy"
Vòng cuối cùng của The Voice là nơi tiếng nói của khán giả bắt đầu có trọng lượng. Tùy theo từng phiên bản mà nhà sản xuất quốc gia đó sẽ quy định số thí sinh còn lại của mỗi đội bước vào vòng thi này. Vòng này lại chia ra 2 vòng nhỏ là Bán kết và Chung kết. Ở vòng Bán kết, mỗi tuần sẽ là một cuộc tranh tài của hai HLV.
Các thí sinh hát đơn ca trên sân khấu, khán giả sẽ là người quyết định số đông thí sinh vào vòng trong (ví dụ The Voice Mỹ là 6 thí sinh hát, khán giả sẽ chọn 3), HLV được quyền giữ 1 thí sinh (trong 3 thí sinh có số bình chọn thấp nhất). Cho đến khi mỗi HLV còn lại 1 thí sinh xuất sắc nhất thì sẽ bắt đầu bước vào đêm Chung kết. Đây cũng là chặng cuối cùng của cuộc thi và được quyết định hoàn toàn bởi khán giả.
Quay trở lại với Bán kết, trước khi tiến đến đêm quyết định, mỗi HLV sẽ còn lại 2 thí sinh xuất sắc nhất. HLV vẫn tiếp tục là những người bị làm khó khi mà họ phải trực tiếp nói số điểm của mình với MC để cộng điểm với điểm của khán giả.
Ví dụ Hồ Ngọc Hà có 100 điểm cho đội mình, chị ấy sẽ được quyền quyết định cho thí sinh A bao nhiêu điểm, thí sinh B bao nhiêu điểm tùy thích. Giả sử nếu Hồ Ngọc Hà cho thí sinh A 90 điểm, thí sinh B được 10 điểm thì cho dù khán giả có "cứu" như thế nào cũng không kéo được thí sinh B lên.
Nhưng qua mùa thi đầu tiên của The Voice Mỹ, đa số các HLV đều "đẩy trách nhiệm" sang cho khán giả khi hầu hết họ đều cho số điểm cân bằng 50 - 50.
Đây là một điểm cũng khá ý nghĩa của chương trình, 4 vị HLV của The Voice Mỹ đều đồng tình với quan điểm nhiệm vụ của họ tới khi chọn ra 2 người xuất sắc nhất trong đội đã là trọn vẹn lắm rồi, bằng 100 điểm họ sẽ không phải là một người sáng suốt nữa nếu dùng con số để đong đếm những tài năng này.
Kết
Nếu là một chương trình giải trí đơn thuần, The Voice có thể không là một chiến binh giỏi nhất. Nhưng để là một nơi đáng tin tưởng cho các tài năng âm nhạc thực thụ thì The Voice là một sự lựa chọn giá trị.
Sự ra đời của chương trình này như một lời cảnh báo cho những show tuyển chọn tài năng vốn đang cũ kĩ dần, chương trình thực tế nhưng "không thực tế". The Voice ngược lại, lấy cảm xúc và ứng xử xã hội làm nền tảng nên gây được những phản ứng tích cực nơi khán giả.