Dương Khắc Linh lên án "đạo beat", gián tiếp phê phán Sơn Tùng M-TP?

HG, Theo Trí Thức Trẻ 17:49 05/06/2014

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh đã chia sẻ những kiến thức rõ ràng liên quan đến chủ đề "đạo nhạc" hay "vay mượn beat" đang nóng bỏng hiện nay của Vpop.

Trong lúc Vpop đang khá nóng với câu chuyện "đạo nhạc" của Sơn Tùng M-TP, việc Sơn Tùng M-TP phủ nhận mình đạo nhạc và vô số những lời nhận xét, chỉ trích, bình luận trái chiều được đưa ra từ khán giả yêu nhạc. Cách đây ít phút, nhạc sĩ Dương Khắc Linh, một nhà chuyên môn được đánh giá cao tại Việt Nam hiện nay đã đưa ra những ý kiến, cung cấp thêm cho khán giả kiến thức cơ bản xung quanh vấn đề này, khiến nhiều người liên tưởng ngay đến trường hợp của Sơn Tùng M-TP những ngày gần đây.



Nhạc sĩ Dương Khắc Linh chia sẻ trên Facebook:

"Thế nào là đạo nhạc? Linh muốn chỉ để các bạn không phải thắc mắc nữa. Các ca khúc trên thế giới có thể có nhiều bài trùng nhau về vòng hoà thanh, nhưng không thể giống cả hoà thanh và hoà âm. Một nhạc sĩ khi hoà âm một bài hát, họ có bản quyền chất xám của mình trên bản hoà âm đó. Nếu một nghệ sĩ muốn dùng bản hoà âm đó để viết nhạc thì phải mua, hoặc có sự đồng ý của tác giả, cho dù họ có thay đổi giai điệu hay không.

Bên nước ngoài, một ca khúc thường được nhiều nhạc sĩ sáng tác chung, người nghĩ ra hoà thanh, nghĩ ra giai điệu, viết lời, người hoà âm đều là những cá nhân đóng góp vào sự thành công của ca khúc và đều được hưởng lợi nhuận với mức % khác nhau khi ca khúc thu được lợi nhuận.

Nếu lấy một bản hoà âm đã có sẵn của một ca khúc đã được ra mắt của một ca sĩ khác và viết một giai điệu mới lên, thì vẫn bị gọi là lấy cắp, vì hiển nhiên chưa được sự đồng ý của tác giả. Hơn nữa, khi ca sĩ đã thu lợi nhuận từ việc biểu diễn những ca khúc này, bán nhạc chuông nhạc chờ từ những ca khúc này thì lại càng phạm luật.

Điều mà ít người biết. Đó là ngày xưa, thời của nhạc cổ điển thì luật bản quyền chưa tồn tại. Vì vậy có rất nhiều người sử dụng nhạc cổ điển để cho vào ca khúc của mình, điều đó hoàn toàn đúng luật. Hơn nữa, họ vẫn luôn luôn tôn trọng người nhạc sĩ sáng tác, và luôn để rõ ràng tên của họ. Ở thời hiện đại, từ khi âm nhạc có thể được kinh doanh và làm ra lợi nhuận thì bản quyền là cực kỳ quan trọng. Các bạn trẻ không nên lầm tưởng là lấy beat của người khác viết là điều đáng làm, mà ngược lại, là điều đáng tránh
".



Như vậy, trước lời khẳng định không đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP hôm qua mà chỉ lấy cảm hứng dựa trên nhạc beat ngoại thì có vẻ như đây là điều nhạc sĩ Dương Khắc Linh khuyên phải tránh. Mặc dù không đạo giai điệu, nhưng với việc sáng tác trên một phần hòa âm có sẵn, Sơn Tùng đã tạo nên một sản phẩm mới có hòa thanh giống ca khúc cũ, khiến 2 bài hát này dù hát trên 1 beat đều ổn. Trên thế giới có rất nhiều sản phẩm có thể hát cùng trên một nền hòa âm do có cùng hòa thanh, tạo ra những bản mash-up thú vị.

Lấy ví dụ, nếu Sơn Tùng hát "Em của ngày hôm qua" trên một phần hòa âm hoàn toàn mới, khác nhịp điệu, nhạc cụ, những hiệu ứng khác thì ca khúc này không có gì đáng chê trách. Điều đáng nói là anh đã sử dụng một đoạn beat không khác gì so với "Every Night" (EXID), do đó đây mới là việc không nên làm.

Bên cạnh đó, nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng khẳng định M-TP không đạo nhạc, nhưng không nhắc gì đến việc sử dụng phần beat - hòa âm có sẵn vào sản phẩm của anh: "Việc khẳng định Sơn Tùng đạo nhạc hay ăn cắp trí tuệ là không đúng. Từ những năm 1980, khi học nhạc ở Học viện âm nhạc, tôi đã trải qua một thời gian đào tạo do giáo viên người Nga dạy, tức là làm giai điệu trên bản hòa thanh có sẵn. Đây là một môn học chính thức ở một  trường chuyên về âm nhạc, vậy thì việc sử dụng bản beat có sẵn là hoàn toàn hợp lý, và đây cũng là xu hướng làm bài hát của giới trẻ Việt Nam hiện nay mà trên thế giới đã áp dụng cách đây trăm năm. Vấn đề ở đây là khán giả có chấp nhận xu hướng đó không lại là một câu chuyện khác. Phải khẳng định lại với các bạn là dùng bản hòa thanh có sẵn thì không thể gọi là ăn cắp nhạc".

Ca sĩ Trang Pháp cũng vừa lên tiếng trên trang cá nhân, đồng tình với ý kiến của nhạc sĩ Dương Khắc Linh:




Chia sẻ khá dài của Trang Pháp