Dương Khắc Linh: "Ngành giải trí Việt Nam đang ở số 0"

, Theo Mask Online 00:56 25/10/2014
Chia sẻ

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh chia sẻ nhận định của mình về tình hình âm nhạc trong nước, kế hoạch hợp tác cùng các nhạc sĩ Kpop, và về vai trò giám khảo trong chương trình "X-Factor - Nhân tố bí ẩn".

“Nhân tố bí ẩn” là show giải trí, không phải show âm nhạc

“X-Factor - Nhân tố bí ẩn” tuy ban đầu được kì vọng rất nhiều nhưng rating lại không cao như mong đợi. Là người trong cuộc, nhạc sĩ Dương Khắc Linh có cho rằng chương trình đã thành công?

Với tôi, “Nhân tố bí ẩn” vẫn là một chương trình có nhiều tiết mục hay và mới mẻ. Có hai lý do chính khiến rating của chương trình không được như mong muốn. Vấn đề quan trọng nhất là lịch phát sóng của “Nhân tố bí ẩn” không được ổn định, khán giả bị mất tập trung, không biết hôm nào có show để mà theo dõi. Lý do thứ hai là scandal của Huyền Minh, đây là một sự cố rất vô duyên.

Dương Khắc Linh: "Ngành giải trí Việt Nam đang ở số 0" 1

Còn vai trò giám khảo của anh trong cuộc thi, anh đánh giá mình đã làm tốt chưa?

Việc làm giám khảo “Nhân tố bí ẩn” giúp ích cho tôi rất nhiều thứ. Ban đầu tôi ngồi đó mà không biết nói gì hết, thấy rất là run, nhưng càng về sau lại càng tự tin hơn.

Quan điểm của tôi là không nói nhiều về kỹ thuật, vì nó cực kì chán. Tôi tin rằng người ta coi X-Factor không phải để nghe một nhạc sĩ nhận xét thí sinh về kỹ thuật, xem cô này hát đến nốt Đô hay nốt Mi. Nhiều người cứ nghĩ X-Factor là một chương trình ca hát, nhưng không phải, đây chỉ là chương trình giải trí, mượn âm nhạc để làm một show thực tế.

Nói như anh thì X-Factor, The Voice, hay Vietnam Idol chỉ đơn giản là để giải trí thôi sao? Thực tế là qua những chương trình này, chúng ta vẫn tìm được nhân tố mới đóng góp cho thị trường âm nhạc.

Đúng vậy, là show giải trí hết. Việc tìm ra nhân tố chỉ là cái phụ thôi, còn quan trọng nhất vẫn là tạo được cảm xúc. Trong những chương trình đó, người ta không có nhu cầu tìm ra cái gì khác ngoài cảm xúc. Ở bên Mỹ, mọi người thích coi X-Factor là để xem ông Simon Cowell khen chê thí sinh thế nào, vì nó vui. Còn nếu bạn muốn coi một chương trình ca hát để nâng cao hiểu biết về âm nhạc, có thể chọn xem “Bài hát Việt” chẳng hạn. Phân biệt được cái đó sẽ giúp mình theo dõi chương trình một cách nhẹ nhàng hơn.

Dương Khắc Linh: "Ngành giải trí Việt Nam đang ở số 0" 2

Anh nghĩ nhân tố X nào sẽ phát triển được sự nghiệp sau khi cuộc thi kết thúc?

Cái này là trách nhiệm của những thí sinh, họ không làm được một mình mà phải tìm ra ê-kíp. Nhiều người thi xong không tập trung, không ra sản phẩm, không được ai hỗ trợ nên “mất tích” nhanh chóng. Cũng có nhiều người thi xong là “lên trên mây”, không đáp xuống được. Đó là cái bệnh nguy hiểm nhất, làm họ chủ quan, cứ nghĩ cái gì cũng dễ dàng.

Là giám khảo phụ trách về nhóm nhạc, anh có nhận xét gì về tình hình nhóm nhạc tại Việt Nam?

Rất khó để duy trì một nhóm nhạc trong thời điểm hiện tại, xoay quanh cũng chỉ vì tiền bạc. Để nuôi một nhóm nhạc, mọi chi phí đều phải nhân lên nhiều lần, trong khi thu nhập lại không cao. Thí dụ như nhóm 365 chẳng hạn, được công ty xây dựng theo một mô hình hiện đại, chặt chẽ, họ cũng có bài hit nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn.Tôi luôn nói thị trường âm nhạc của mình vẫn là thị trường “ảo”, vì người ta đầu tư nhiều hơn là lấy lại. Bao nhiêu dự án âm nhạc chỉ toàn là lỗ, làm xong không bị nợ gì đã là may mắn lắm rồi.

Kết quả X-Factor với chiến thắng dành cho Giang Hồng Ngọc có khiến anh hài lòng?

Dĩ nhiên là tôi có buồn một chút cho hai nhóm nhạc của đội mình, vì chúng tôi đã cùng nhau đi một chặng đường quá dài nên ai cũng muốn có được chiến thắng. Tôi nghĩ Giang Hồng Ngọc cũng rất xứng đáng. Tuy vào nghề đã lâu, nhưng đến bây giờ Ngọc mới có được cơ hội để tỏa sáng thực sự nên tôi rất mừng cho bạn ấy.

Dương Khắc Linh: "Ngành giải trí Việt Nam đang ở số 0" 3

Ngành giải trí của chúng ta hiện tại đang ở số 0

Từng chia sẻ rất nhiều lần về mong muốn đưa âm nhạc Việt Nam ra thị trường châu Á. Để làm được như vậy, anh nghĩ đâu là con đường hiệu quả nhất?

Trước tiên là mình phải làm sao để hòa nhập được với một thị trường khác. Hiện tại tôi đang hợp tác với các đối tác Hàn Quốc, bên cạnh đó giới thiệu thêm những nghệ sĩ Việt Nam làm việc cùng họ, như Trang Pháp sắp tới cũng sẽ có một dự án kết hợp cùng với nghệ sĩ Kpop. Đầu tiên mình sẽ hợp tác trước, cho họ thấy là mình làm cũng tốt nhạc của họ, từ từ người ta sẽ nhận ra âm nhạc Việt Nam cũng quốc tế lắm, không có dở đâu.

Ở Hàn, người ta cũng mất mấy chục năm để có được ngày hôm nay. Ngành giải trí của chúng ta hiện tại đang ở số 0, còn họ đi trước 20 năm rồi. Hồi xưa ở Hàn Quốc cũng như mình, không có “style”, lộn xộn, vi phạm bản quyền, nghệ sĩ cũng khổ cực… nhưng nhà nước họ đã thay đổi, đầu tư vào âm nhạc và điện ảnh để giới thiệu về văn hóa Hàn Quốc một cách rất hay. Bây giờ ai cũng biết Kpop là gì, biết người Hàn ăn cái gì, sống thế nào.  Nghệ thuật, showbiz không đơn thuần chỉ là giải trí mà còn là “card visit” của một đất nước, là cái người ta nhìn vào trước tiên. Cho nên, nếu thuyết phục được người nước ngoài qua những sản phẩm âm nhạc Việt Nam, tôi tin họ sẽ nghĩ khác.

Hàn Quốc mất 20 năm, vậy anh nghĩ nước mình cần bao nhiêu năm?

Cái này thì không biết được.

Anh nghĩ thế hệ nghệ sĩ, nhà sản xuất Việt Nam hiện tại đã đủ lực để bước ra thị trường lớn?

Tôi thấy nghệ sĩ của mình hiện tại thừa sức làm được những sản phẩm mang tính quốc tế. Vậy lý do tại sao họ chưa làm? Lại vẫn là vấn đề về tiền bạc. Ở Hàn Quốc, nhà sản xuất làm được một bài hit sẽ bỏ túi ít nhất mấy chục ngàn đô, thậm chí mấy trăm ngàn đô, nên một bài người ta làm trong cả tháng. Ở Việt Nam mà có số tiền như vậy đi, mọi người sẽ “chăm” một bài như chăm con luôn. Mấy người bạn ở Hàn Quốc từng hỏi tôi : Một tháng Linh làm được mấy bài ? Tôi trả lời “10 bài” và họ kinh ngạc. Họ nói chắc là tôi giàu lắm, vậy mà tôi đâu có giàu đâu.

Dương Khắc Linh: "Ngành giải trí Việt Nam đang ở số 0" 4

Nhạc Việt ảnh hưởng từ Hàn Quốc chẳng có gì sai

Đúng là ngành giải trí Hàn Quốc rất phát triển. Nhưng theo anh, việc âm nhạc, văn hóa Việt Nam bị ảnh hưởng quá nhiều từ Hàn Quốc có phải là điều tốt?

Thật ra có rất ít quốc gia mà âm nhạc của họ có đặc trưng riêng, hầu hết đều bị ảnh hưởng theo một nước nào đó, thường là Anh, hoặc Mỹ. Tôi thấy như vậy cũng chẳng có gì sai. Mình thích cái gì thì theo cái đó, thích Hàn thì theo Hàn, hồi xưa thích nhạc Hồng Kông thì theo Hồng Kông, không sao hết. Quan trọng là mình phải luôn sáng tạo, dựa vào cái đó để tạo thành cái của mình. Nhạc Hàn cũng học hỏi từ Mỹ thôi, hay Nhật Bản cũng vậy.

Sự kết hợp cùng các nhạc sĩ Hàn Quốc có phải là kế hoạch quan trọng nhất của anh ở thời điểm hiện tại?

Đúng rồi, đó là cái mà tôi đang tâm huyết và hào hứng nhất. Làm nhạc bên đó giống như một thử thách mới, khiến mình phải cố gắng nâng cấp chất lượng hơn, làm kĩ càng hơn. Sản phẩm âm nhạc ở Hàn đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối. Tôi lấy thí dụ như nhóm SNSD, họ thu một bài hát trong cả tháng trời, mà ngày nào cũng thu hết, chỉ đến khi không thể hay hơn nữa thì mới dừng lại.

Bên cạnh đó, môi trường âm nhạc ở Hàn Quốc cũng tạo sự cạnh tranh rất lớn. Ở Việt Nam, tôi chẳng phải cạnh tranh với ai. Tôi, hay Nguyễn Hải Phong, Hồ Hoài Anh mỗi người một việc, một vị trí, không ai xem ai là đối thủ. Còn ở Hàn thì khác, mọi người cạnh tranh rất khốc liệt. Điều đó giúp cho mình có nhiều động lực hơn để học hỏi, tiến bộ.

Dương Khắc Linh: "Ngành giải trí Việt Nam đang ở số 0" 5

Mải mê với các kế hoạch tại Hàn, anh có quan tâm đến các sự kiện trong nước, như vụ đề cử EMA vừa qua chẳng hạn?

Tôi cũng có theo dõi một chút. Về scandal EMA, dĩ nhiên mình không biết nguyên nhân thật sự như thế nào, nhưng thí dụ cứ cho rằng MTV Việt Nam đã chọn Hồ Ngọc Hà đi, thì Hà vẫn là một lựa chọn rất xứng đáng. Những nghệ sĩ khác họ sẽ vẫn có những cơ hội, sang năm chẳng hạn. Thật ra ở Việt Nam cũng chẳng có nhiều nghệ sĩ đủ điều kiện để đại diện, nên Đông Nhi hay Sơn Tùng M-TP, nếu không được chọn năm này thì cũng năm khác, cái đó không quan trọng.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày