Đăng Khôi thay mặt SM, JYP, KT đưa việc "nghe nhạc chùa" ra pháp luật

HG; Ảnh: Taro, Theo Trí Thức Trẻ 15:47 04/08/2014

Những công ty lớn của Kpop, thông qua ca sĩ Đăng Khôi đã có hành động mạnh tay đối với nạn "nghe nhạc chùa" tại Việt Nam.

Gần đây, nạn "nghe nhạc chùa" lại gây nhiều chú ý tại Việt Nam khi lần này các công ty Hàn Quốc đã nhảy vào cuộc. Đoạn clip ngắn được đưa lên VTV đã phần nào thể hiện được sự nghiêm trọng của hành động này.


Ca sĩ Đăng Khôi, đại diện công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Quảng Cáo Việt Giải Trí (VGT), thay mặt phía Hàn Quốc đã có hành động mạnh tay khi đâm đơn kiện công ty VNG, với trang web ZingMP3 khi sử dụng nhạc không trả tiền.






Hôm nay (4/8), ca sĩ Đăng Khôi đã có buổi chia sẻ với báo giới về công việc mình đang làm

Trước đó, KT Corporation - đơn vị được nhượng quyền sử dụng các sản phẩm âm nhạc từ các nhà sản xuất âm nhạc của Hàn Quốc đã xác nhận Công ty VGT được quyền chính thức phân phối và khai thác để thu tiền phí sử dụng từ những cá nhân, tổ chức sử dụng nội dung Kpop tại Việt Nam. Đồng thời, VGT còn hợp tác với các cơ quan tổ chức Chính phủ Việt Nam để giải quyết các vấn đề vi phạm các quyền có liên quan tới nội dung Kpop ở Việt Nam thông qua Chứng nhận đại diện số KT-01-001 kí ngày 16/8/2013. Nội dung Kpop bao gồm các tác phẩm âm nhạc của các hãng SM Entertainment, JYP Entertainment, KT Music.

Nội dung nhạc Hàn Quốc mà VGT được uỷ quyền bao gồm gần 10.000 tác phẩm âm nhạc Hàn Quốc của hơn 750 nghệ sĩ Hàn Quốc, trong đó có nhiều nghệ sĩ rất nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong khu vực và thế giới, tại Việt Nam được hàng triệu khán giả yêu thích như SNSD, Super Junior, f(x), 2PM, BoA, EXO, DBSK, DBSK, JYP, TRAX, B2ST, SHINee, missA, Wonder Girls, Fly To The Sky, Bobby Kim…




Hồ sơ của vụ kiện




Luật sư giúp công ty VGT trong vụ kiện lần này

Hành vi vi phạm bản quyền này được xác định ở các dịch vụ nghe nhạc online, tải bài hát miễn phí, video clip, nhạc chuông, nhạc chờ, nhạc nền Zingme. Các bài hát Hàn Quốc mà Việt Giải Trí có bản quyền có đến gần 1 tỷ lượt nghe, xem trên trang web này nhưng VNG không trả tiền bản quyền cho chủ thể quyền theo đúng quy định.

Kể từ tháng 8/2013, VGT đã nhiều lần gửi công văn thông báo và đề nghị hợp tác đến VNG về việc trả tiền bản quyền nội dung nhạc Hàn Quốc của VGT mà phía này đang khai thác, kinh doanh thu tiền của khách hàng. Sau thời gian không nhận được sự hợp tác từ phía VNG, VGT đã yêu cầu VNG ngừng sử dụng các tác phẩm âm nhạc Hàn Quốc cũng như yêu cầu VNG thanh toán số tiền thù lao cho việc sử dụng các sản phẩm âm nhạc. Nhưng cuối cùng, vì sự im lặng từ phía VNG, VGT đã quyết định đâm đơn kiện.


Các văn bản xác nhận quyền hợp pháp của VGT trong sử dụng, phân phối một số sản phẩm Kpop tại Việt Nam



Văn bản xác định vi phạm từ JYP, KT, SM gửi đến VNG

Các đơn vị quản lý nội dung từ phía Hàn Quốc, đó là KT Corporation cũng như đơn vị sản xuất SM Entertainment, JYP Entertainment đều biết sự việc VNG vi phạm bản quyền nội dung Hàn Quốc của họ.

Vào ngày 27/2/2014 và ngày 5/03/2014, những đơn vị này cũng đã gửi công văn trực tiếp đến cho VNG yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng xâm phạm bản quyền cũng như gỡ bỏ các sản phẩm âm nhạc thuộc sở hữu của KT, SM, JYP, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền can thiệp vào tình trạng xâm phạm nội dung Kpop, và yêu cầu các đơn vị xâm phạm phải chịu trách nhiệm và án phạt theo quy định của Pháp luật.