Ca sĩ trẻ cần công ty độc quyền - những lý do “đương nhiên”!
Vào thời đại này, đã qua rồi những lạ lẫm bỡ ngỡ của cụm từ “độc quyền”, cũng như không còn ai bực dọc với câu trả lời “anh/chị liên lạc với quản lý/công ty của em nhé!” như cái thời đầu tiên lúc Hoàng Tuấn quản lý Đan Trường, Nguyễn Phi Hùng thì có Thủy Nguyễn... Bây giờ, đó chính là sự chuyên nghiệp, bảo đảm một phần nào đó mức độ “ca sĩ đó có thể bay được đến đâu khi được đầu quân vào công ty A/B/C”. Ca sĩ trẻ (hay nói chính xác hơn là các bạn trẻ muốn làm ca sĩ) nhất thiết cần-phải-có một công ty độc quyền, hoặc là một đơn vị, cá nhân quản lý! Đó gần như là chuyện đương nhiên!
Đan Trường và ông "bầu" Hoàng Tuấn (HT Pro.)
Lý do thứ nhất, chính là các mối quan hệ trong truyền thông và “sô” diễn. Thời điểm ca sĩ trở thành một “món nghề” béo bở như hiện nay thì không phải ai cũng được truyền thông chú ý. Không phải hát hay là trở nên nổi tiếng và không phải cứ xinh đẹp là được nâng đỡ dù là có điều kiện gì gì đó hay không. Nói một cách rõ ràng thì mối quan hệ trong thế giới giải trí ngoại trừ bạn giàu, bạn đẹp, bạn có tiền, thì điều quan trọng hơn là bạn là ai? Và bạn có những mối quan hệ với ai? Một thông tin mà bạn (khi chưa là ai) đưa ra sẽ vô cùng khác với một thông tin hoàn toàn giống nhưng do cá nhân/công ty có tiếng đưa ra.
Không chỉ là quản lý mà nhạc sĩ Minh Vy còn là "ông xã" của Cẩm Ly, cặp đôi này đã tạo ra không biết bao nhiêu thành công cho thương hiệu Kim Lợi
Lý do thứ hai không kém phần quan trọng, chính là định hướng để đánh đúng tâm lý khán giả. Một ca sĩ trẻ có thể có thể hát tốt, nhưng chọn bài hát như thế nào để xác suất được chú ý, thành hit thì không thể bằng “dân chuyên nghiệp”. Không ai chối cãi rằng việc một sản phẩm trở thành hot cần rất nhiều yếu tố như thiên thời, địa lợi, nhân hòa và vận may, nhưng một sản phẩm được “dân chuyên nghiệp” lựa chọn, cộng với một chiêu thức PR, xây dựng phong cách và hình tượng hợp lý thì tất cả đều sẽ mang “tính ứng dụng” cao hơn khi tung ra thị trường vốn bát nháo hiện nay. Vì thế, việc tung ra một sản phẩm của công ty sẽ rất khác so với sản phẩm của một ca sĩ chưa tên tuổi nào đó.
Và đó là chưa kể đến việc nếu là một ca sĩ độc lập, bạn phải vừa tự làm mọi việc để rồi một thời gian sau đó mới tìm được cho mình một e-kip riêng làm việc hiệu quả và ăn ý nhất, trong khi khi đã có một công ty hay cá nhân đỡ đầu thì cái bạn cần lo chỉ là chuyên môn, còn những chuyện khác đã có người khác phụ trách.
Đức Trí (Music Faces) và Hồ Ngọc Hà
Công ty độc quyền – sự bùng nổ và... đứng yên!
Nắm bắt được tất cả các yếu tố quan trọng trên, việc các nhạc sĩ/ca sĩ/truyền thông nhắm đến chuyện “thành lập công ty giải trí” ngày càng trở nên thịnh hành. Ngoại trừ các "đại gia" như HT có Đan Trường, Kim Lợi nắm chắc Cẩm Ly, WePro gắn chặt với Phạm Quỳnh Anh, Thiên Thi có “gà cưng” Minh Hằng đã có từ trước, thì các công ty mới như Quang Cường, Music Box, Sư Tử Bạc, YE, TiNu, VTE... ngày càng bành trướng, chưa kể đến những cá nhân quản lý hoặc công ty ca sĩ tự lập để quản lý... chính mình!
Nhạc sĩ Quang Huy (WePro) và nhóm nhạc H.A.T của mình
Với một nền giải trí đang phát triển, chuyện có nhiều công ty hướng đến sự chuyên nghiệp là điều đáng mừng, nhưng cái cần nhấn mạnh ở đây là họ hướng đến sự chuyên nghiệp đó như thế nào và cách họ hướng đến ra làm sao!
Hàng loạt công ty có tiếng bây giờ đang gần như dậm chân tại chỗ hoặc hoạt động cầm chừng. Nổi bật là WePro một thời đình đám với đội ngũ ca sĩ thuộc loại hàng “khủng” đối với giới trẻ như Ưng Hoàng Phúc, Anh Kiệt, H.A.T, Weboys thì ngày nay cũng chỉ còn một Phạm Quỳnh Anh đã lâu không xuất hiện trên sân khấu, im ắng gần như hoàn toàn. Music Box tạo nên một Ngô Kiến Huy – Hoàng tử sao băng đúng vào thời điểm “công chúa, hoàng tử” ăn khách, nhưng cho đến tận bây giờ thì rất nhiều người giật mình khi chàng Bắp ngày càng “được” thị trường hóa để phù hợp với sân khấu tỉnh. Nam Cường với Ngân Khánh thì có sự hỗ trợ đắc lực từ phía điện ảnh, nhưng ở khoảng âm nhạc thì lại vẫn ở mức độ “bình bình”.
Thanh Thảo (Music Box) và "gà" Ngô Kiến Huy
Nguyễn Pro sau Lương Bích Hữu, Ngũ Long Công Chúa trước kia, bây giờ cứ loay hoay Shining show cho những học viên theo học thanh nhạc tại công ty, dường như đã không còn hứng thú với công việc độc quyền ca sĩ. Còn Music Faces thì đỉnh điểm với Hồ Ngọc Hà nhưng Suboi và Rapsoul thì đến bây giờ vẫn có lắm người... chẳng biết họ là ai dù rằng đã có cuộc họp báo ra mắt chính thức cách đây một năm, Phương Vy tách ra độc lập, Quốc Thiên lại chẳng có được ấn tượng dù rằng là quán quân của Vietnam Idol và đã ra được album riêng. Thiên Thi sau hiện tượng Minh Hằng và lăng-xê được tên tuổi của Tim cũng đang loay hoay với “gà” mới AT…
Hướng đến chuyên nghiệp, nhưng chuyên nghiệp được không?
Trong xu thế các công ty hướng đến sự chuyên nghiệp, chưa bàn đến các khoảng khác nhưng có một điều “không chuyên nghiệp thật sự” nhưng nhiều công ty lại làm rất tốt đó chính là: biến các ca sĩ của mình thành con rối! Nhiều ca sĩ độc quyền buộc phải không nghe, không biết, không thiết tha và cũng chẳng màng cống hiến cho nghệ thuật khi ý kiến của mình không được tôn trọng. Công ty nói đi đằng A thì nhất quyết phải đi đằng A, công ty nói hát bài B thì cấm đòi hỏi hát bài C, không được tùy tiện giao lưu với anh chị phóng viên hoặc bầu “sô” trong bất kì trường hợp nào, không thì sẽ bị cho là “có ý đồ làm phản”. Chính điều này đã “góp phần” không nhỏ cho việc rất nhiều các ca sĩ phá vỡ hợp đồng trước thời hạn khi gò bó quá mức, trở thành một con người không có định hướng riêng, không có nhận định riêng mà chỉ là con rối được hát, được mặc đẹp nhưng vô hồn.
Đông Nhi và quản lý Đằng Phương (TiNu Production)
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ hướng đến việc làm ca sĩ chuyên nghiệp nhưng lại rất hời hợt với mọi giấy tờ, hợp đồng xung quanh với công ty. Đừng bao giờ đơn giản nhận được một hợp đồng độc quyền thì mừng rỡ vì công ty A/B/C có tiếng, sẽ đạt được nhiều thư như “gà trước” của họ như: được biết đến, được hát, được ra album... trong khi vấn đề đặt ở chỗ hợp đồng đó như thế nào? Cụ thể những vấn đề cần đề cập là khi đã kí kết thì trong thời điểm nào được xuất hiện trên sân khấu, thời gian bao lâu bạn sẽ được ra album riêng và trong vòng bao lâu nếu không đạt được những gì đặt ra thì hai bên phải có hướng giải quyết thế nào cho phù hợp! Vì rõ ràng bây giờ dù công ty có đầu tư 100% hay có sự hợp tác giữa hai bên thì không phải như vậy là có quyền “chôn chân” ca sĩ đến “vô thời hạn” và câu trả lời cho mọi thắc mắc là “chưa đúng thời điểm”.
Nhưng nói đi cũng cần phải nói lại, một nguyên nhân “cản trở” các công ty hướng đến sự chuyên nghiệp chính là ý thức của các ca sĩ. Chuyện một ca sĩ sau khi được đào tạo, lăng-xê thành Sao vội vàng “vứt áo ra đi” đã không còn xa lạ với Vpop. Chưa bàn đến nguyên nhân, cái mà chúng ta dễ dàng thấy được là sau những cuộc chia tay ồn ào này, các công ty ít nhiều vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Cũng chính lẽ đó nên các hợp đồng tiếp theo giữa công ty và ca sĩ khác cũng sẽ bị “điều chỉnh”…
Minh Hằng và quản lý Nhất Trung (Thiên Thi)
Tạm kết
Công ty độc quyền là nơi “cứu cánh” hay “chôn chân” ca sĩ trẻ thì vẫn không ai có thể biết trước được. Nhưng cái mà các ca sĩ trẻ có thể “giới hạn” điều “họa” cho mình may chăng chính là sự chặt chẽ trong hợp đồng được ký kết, phải rõ ràng và chính xác đến từng li từng tí. Và khi đã chấp nhận bước vào “cuộc chơi” thì cả hai bên phải tuân thủ thật tốt những quy luật mà mình đã đồng ý tham gia.