Câu chuyện về Kpop và quá trình "EDM hóa"

, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 19/03/2015

Âm nhạc Dance điện tử đã len lỏi vào trong Kpop từ bao giờ và được các fan đón nhận ra sao?

Ngày xửa ngày xưa, các ca khúc Kpop, từ Ballad sầu não đến những bản nhạc Dance sôi động cũng đều mang những âm thanh đặc trưng rất... Hàn Quốc. Ngày nảy ngày nay, chính xác hơn là từ khi cơn lũ idolgroup nổ ra, chúng ta thường xuyên nghe Kpop fan than thở: "Bài nào cũng như bài nào". Khó có thể phủ nhận rằng âm nhạc Dance điện tử cũng là một phần quan trọng trong vô vàn những ca khúc "bài nào cũng như bài nào" của Kpop hôm nay.

Âm nhạc điện tử nhen nhóm trong Kpop từ cách đây gần 10 năm nhờ những nghệ sỹ luôn đi đầu trong việc update các xu hướng âm nhạc thế giới như nhà YG. Năm 2007, Big Bang phát hành mini album đầu tay "Always" và quyết định thử hướng đi mới bằng việc kết hợp âm nhạc điện tử vào trong ca khúc chủ đạo "Lies". Kết quả? Có lẽ ai cũng đã rõ. "Lies" thành công ngoài sức tưởng tượng, trở thành hit làm nên tên tuổi Big Bang.


"Lies" MV - Big Bang

Chính bởi tính hấp dẫn của nó, âm nhạc điện tử dần trở thành một phần không thể thiếu trong Kpop cho đến tận hôm nay. Ai cũng biết âm nhạc Dance điện tử thu hút, lôi cuốn nhưng không phải ai cũng biết tận dụng nó. Cũng tương tự như cơn lũ idolgroup, nhiều công ty quản lý thấy đang là xu hướng nên đổ xô vào, cho ra đời vô số idolgroup và sản phẩm âm nhạc chất lượng kém. Âm nhạc Dance điện tử Hàn Quốc cũng vậy, rất nhiều những ca khúc không hao hao nhau thì cũng đủ nhạt để không để lại ấn tượng gì cho người nghe ngoài "nhức đầu" đã ra đời. Không quá lời khi nói rằng những ca khúc nhạt nhẽo này đã làm mất đi chất Hàn Quốc đặc trưng của Kpop.


"Bubble Pop!" MV - HyunA

Quay lại câu chuyện về sự phát triển của âm nhạc Dance điện tử trong Kpop. Năm 2012, Dubstep, một nhánh trong EDM, đã trở thành xu hướng ở Hàn Quốc sau một thời gian dài gây sốt trên thế giới. Về Hàn Quốc, Dubstep được sử dụng chủ yếu trong các đoạn Dance Break giữa ca khúc, đôi khi cũng được đưa vào phần điệp khúc. Nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng phải kể đến HyunA với "Bubble Pop!". Sau này có NU'EST với "Face", "Action", TASTY với "You Know Me", DBSK với "Catch Me", CL với "The Baddest Female", 2NE1 với "Come Back Home", EXO với "Wolf", SHINee với "Everybody", v.v...


"You Know Me" MV - TASTY


"Catch Me" MV - DBSK


"Come Back Home" MV - 2NE1


"Wolf" MV - EXO

Sự xuất hiện của Dubstep trong Kpop cũng mở đầu cho một thời kỳ âm nhạc "khó nhằn". EDM hot, EDM đang được ưa chuộng nhưng không phải ai cũng "thẩm" được thể loại này. Không lạ khi âm nhạc của nhà YG thường xuyên bị đánh giá là khá kén người nghe, đặc biệt là những sản phẩm cộp mác G-Dragon.

Nhưng nhà YG không phải những nghệ sỹ duy nhất nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng âm nhạc thế giới tại Hàn. Chẳng đâu xa, mới năm ngoái thôi, các cô nàng T-ara đã tái xuất với một ca khúc "không đường" nhưng không hề nhạt, EDM cực "nặng đô": "Sugar Free". Đáng tiếc là vì nhiều lý do mà "Sugar Free" đã không lập được nhiều thành tích trên các BXH.


"Sugar Free" MV - T-ara

Cuối năm 2014, GD x Taeyang lên sàn với "Good Boy", bỏ túi vô số thành tích khủng. Thử tưởng tượng nếu ca khúc Hip Hop kết hợp EDM và Trap này không phải của GD x Taeyang thì sao? Nếu "Good Boy" là ca khúc của hai anh chàng vô danh nào đó thì sao? Fan nghe ca khúc mới của thần tượng với ca khúc của một nghệ sỹ lạ, đầu óc hiển nhiên sẽ thiên vị thần tượng hơn, "dở" thì sẽ thành "được", "được" thì sẽ thành "hay". Đó là chưa kể vô số lần kiên nhẫn playback sau đó cho "thẩm" thì mới thôi! Nói cách khác, thành công của "Good Boy" không thể hiện được sự đón nhận của Kpop fan đối với thể loại EDM "nặng đô".


"Good Boy" MV - GD x Taeyang

Với sự phát triển mạnh mẽ của EDM trong âm nhạc thế giới hiện nay, liệu các idolgroup Kpop có mạnh dạn kết hợp những dòng nhạc đang là xu hướng phổ biến của thể loại này vào trong những sản phẩm của mình? Và nếu có thì Kpop fan sẽ đón nhận ra sao?