Bất chấp việc vướng phải không ít vụ lùm xùm, các ca khúc đình đám trong quá khứ thuộc chương trình I Am a Singer (đài MBC) hiện đang liên tục “chễm chệ” ở nhiều vị trí trên các bảng xếp hạng âm nhạc. Tuy nhiên, các nhà sản xuất âm nhạc lại tỏ ra không hài lòng với kết quả này.
Ngày 31/3 vừa qua, một nhà sản xuất giấu tên khẳng định: “Các ca khúc online của “I Am A Singer” đang thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc. Tất cả các kế hoạch quay lại hay quảng bá ca khúc mới đều bị chôn vùi dưới những ca khúc cũ này. Tôi cũng hiểu được tầm quan trọng của việc đưa các nghệ sĩ tài năng và các ca khúc đình đám trong quá khứ trở lại, nhưng nếu “I Am A Singer” tiếp tục phát hành những ca khúc online vì mục đích lợi nhuận thì toàn bộ nền âm nhạc sẽ rơi vào khủng hoảng.”
Một đại diện khác trong ngành cũng lên tiếng: “Trong tình trạng nền âm nhạc đang quá chú trọng vào vũ đạo và dòng nhạc của ca sĩ thần tượng thì việc mang đến những thay đổi mới của “I Am A Singer” là rất đáng được khích lệ. Có nhiều nghệ sĩ tài năng chỉ được biết đến trong quá khứ. Việc giới thiệu những ca khúc nổi tiếng trước kia và mang lại tiếng tăm cho các nghệ sĩ xứng đáng trong ngành âm nhạc thực sự rất tuyệt vời. Tuy nhiên, sẽ là một câu chuyện khác nếu đài truyền hình chiếm tỉ lệ lớn trong phần lợi nhuận thu được từ việc bán các ca khúc online. Hi vọng rằng các chương trình vốn được tổ chức với mục đích tốt đẹp sẽ không bị biến chất.”
Trước những đánh giá của các nhà sản xuất âm nhạc, rất nhiều khán giả và cư dân mạng lại tỏ ra không đồng tình: “Các nhóm nhạc thần tượng thường xuyên chiếm giữ các bảng xếp hạng, và giờ khi họ không thể duy trì vị trí thì các nhà sản xuất này lại lao vào tìm mọi cách để bảo vệ túi tiền của mình”, “Tôi không hiểu vì sao các nhà sản xuất này lại lên tiếng phàn nàn trong khi chính họ mới là người hủy hoại nền âm nhạc bằng cách ép buộc các nhóm nhạc thần tượng của họ rập khuôn nhau liên tục”, v.v…
Về vấn đề phân bổ lợi nhuận thu được các ca khúc trong chương trình, đài MBC giải thích: “60% lợi nhuận thuộc về các nhà phân phối và những người nắm giữ bản quyền. 10% của 40% còn lại được chia cho việc thúc đẩy nền âm nhạc. Phần còn lại cuối cùng được chia đôi cho các ca sĩ và chúng tôi.”