Mẹ chồng ra rạp đã gần một tuần, nhưng có vẻ như những thông điệp, bài học mà mọi người cảm nhận được qua bộ phim còn nhiều hơn những gì đạo diễn tiên liệu. Chắc có lẽ ban đầu đạo diễn Lý Minh Thắng chỉ hy vọng sẽ gửi tới khán giả một góc nhìn cảm thông về mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu rắc rối tự muôn đời. Nhưng thật ra, những bài học trong phim không chỉ xoay quanh đạo làm dâu con nữa mà còn là những cách ứng xử, kinh nghiệm để sống trong môi trường phức tạp như gia đình Hội đồng Lịnh.
Những người hay nói lời đạo lý, thường sống không như lời
Một nhân vật tiêu biểu của những bài thuyết giảng trong Mẹ chồng, chính là cô Ba Trân (Thanh Hằng). Nhắc tới nhân vật này, người ta nhớ ngay đến câu "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" (Trong ba tội bất hiếu, tội không có con nối dõi là tội lớn nhất) bởi cô bị mẹ chồng chì chiết câu này rất nhiều, sau đó khi đã có con cô cũng mang câu nói "ném" lại vào mặt bà, đồng thời "ném" luôn vào mặt con dâu. Nhưng rõ ràng những người hay nói đạo lý thường sống không như lời, đứa con trai mà Ba Trân luôn tự hào lại không phải con của nhà họ Huỳnh. Thành thử khi thấy Tuyết Mai (Midu) có tư tình với em chồng, Ba Trân mới nổi đóa lên vì... thấy nhột.
Rồi thêm nữa, nếu đã lên mặt dạy người khác về sự chung thủy, thì ít nhất nếu có trót lỡ ăn vụng, Ba Trân cũng cần biết chùi mép cho sạch. Ừ thì gian nhà ngang có kín đáo, có vắng vẻ thật, nhưng cửa nẻo chỉ đóng chứ không thèm khóa, rắn có nuôi cũng không chịu thả ra bảo vệ bản thân. Trong lúc đến ăn vụng với nhân tình, Ba Trân còn làm rơi cái khăn tay mà ai nhìn vô cũng biết là của mình thì bảo sao không bị con dâu "nhắc nhở nhẹ". Mà không chỉ mình con dâu Tuyết Mai đâu, đến con dâu Tư Thì hay cả gã gia nô Chín Tị còn biết, thì có lẽ Ba Trân ngoại tình hơi quá đà rồi!
Đừng nghĩ những đứa hay cười là hiền, sẽ có ngày nó gọi cả làng đốt nhà chủ và đả đảo đấy!
Ai ngờ nổi nhân vật mà cứ loanh quanh cạnh cậu Hai Phước (Lâm Vĩnh Hải), hóa ra lại là vợ của cậu. Đùng đùng xuất hiện không cảnh cưới xin, không cảnh thân mật, Tư Thì (Lan Khuê) khiến không ít khán giả tưởng lầm đó là người hầu mà Ba Trân dùng để trông coi người con tư duy tỉ lệ nghịch với vóc dáng của mình thay vì là vợ cả.
Và cũng làm gì có ai ngờ nổi, đấy lại là nhân vật nắm được toàn bộ số mệnh các nhân vật khác. Qua Tư Thì, người ta càng hiểu rõ hơn câu chuyện tại sao có tận 2 cái tai, 2 con mắt nhưng chỉ có 1 cái miệng. Thà rằng cứ vâng dạ theo mẹ, cứ âm thầm theo dõi nhất cử nhất động của mọi người để chờ cơ hội bật lại còn hơn tỏ thái độ bất bình. Và trong thời gian làm "camera hành trình", Tư Thì bắt được kha khá bệnh tình từng người, dễ dàng chấm tử sao cho phù hợp.
Hơn nữa, Tư Thì còn chỉ khán giả cách nhịn thế nào để không nhục. Cách đeo sao cho vừa cái mặt nạ vợ hiền dâu thảo, đợi đến phút quyết định mới lột mặt nạ ra, "hô quân khởi nghĩa" đòi đảo chính. Làm dâu ở nơi chẳng khác nào chiến trường thì phải biết du kích như Lan Khuê mới thắng được!
Hiền lành hay không không quan trọng, quan trọng là phải có cá tính!
Tuyết Mai được xây dựng là cô con dâu tân thời, nhanh nhẹn và có phần láu cá. Ngay khi bị mẹ chồng phát hiện đang vụng trộm với em rể, điều đầu tiên hiện ra trong đầu của cô gái mà mẹ chồng cứ nói một câu là cãi lại chem chẻm chem chẻm một câu này tất nhiên là quỳ lạy, van xin tha thứ. Nhưng với những người độc đoán như Ba Trân thì xin tha khi có tội cũng không phải kế hay. Thế nên Tuyết Mai không quên nhắc lại những chuyện "bại hoại gia phong" của Ba Trân để làm đường lui cho mình.
Chưa hết, lợi dụng được sự ngu ngơ trong tình yêu của Hai Phước, "vợ đẹp" đã liên tục thúc với chồng rằng: "Mẹ muốn giết con của mình đó cậu hai!" mỗi khi Ba Trân muốn Hai Phước bỏ cây kéo nguy hiểm xuống. Bởi mới nói, hiền lành hay không không quan trọng, điều quan trọng trong cái nhà này chính là có cá tính và ứng biến linh hoạt. Đấu với nhiều phụ nữ khác nhau thì mình càng đa dạng càng tốt!
Nhưng tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa! Tuyết Mai quên mất chị đại Tư Thì, cộng với đám gia nhân trong nhà nữa. Thế nên dù cho có thoát được mẹ chồng, không chết ngay trong nhà lớn của gia tộc họ Huỳnh thì vẫn phải uống chén thuốc độc ở ngoài sân mà Tư Thì đang đợi sẵn.
Họa từ miệng mà ra, quả báo nhãn tiền là có thật!
Bài học này chính là từ bà Hội đồng Lịnh. Mở đầu phim bà ngang tàng bao nhiêu, độc miệng bao nhiêu thì chỉ vài cảnh sau đó bà đã bị nộ khí xung thiên, vật cho méo miệng không còn nói chuyện đi đứng gì được, nằm một chỗ cho con dâu chì chiết.
Nhưng từ khi trở thành phế nhân, nhân vật bà Hai Lịnh cũng ngầm gửi thông điệp đến khán giả, đó là nếu có lỡ bị bệnh, biết chắc không thể quật lại người từng dưới trướng mình, tốt nhất nên nghe lời người ta mà sống yên phận.
Phải mà bà Hai Lịnh giao chìa khóa cho Ba Trân từ lúc mới liệt, thì chắc chắn bà sẽ không sống trong cảnh ngồi nhìn bốn bức tường và ô cửa sổ bé tin hin, cũng là nguồn sáng duy nhất trong căn phòng giống như Mị (Vợ chồng A Phủ). Vốn từ một người đàn bà thét ra lửa, nay không nói nổi, đã là bí bách. Xong lại ngồi im nghe con dâu mỉa mai, chắc chắn tâm trạng cực kì u uất.
Nhưng trách ai bây giờ? Trách bà thôi. Chỉ một công việc nhẹ nhàng, là đưa cho Ba Trân chìa khóa giữ đồ gia bảo rồi hưởng nốt tuổi già dưới sự phục vụ của rất nhiều gia nhân là xong, bà không chịu thì ráng chịu thôi, không trách mình thì chỉ còn trách biên kịch vậy.
Làm người hầu cũng phải biết lập mưu tính kế
Quy tắc quan trọng khi làm người hầu rút ra từ phim: Thứ nhất phải đúng việc, thứ hai đúng người và sau cùng là đúng thời điểm. Nói đến đây chắc trong đầu khán giả sẽ nhớ ngay tới em bé gia nhân lanh lợi Hai Thơ (Hồng Nhung). Cùng với Tư Thì, Hai Thơ chính là chiếc "camera hành trình" thứ hai trong nhà họ Huỳnh với mớ tin tức sốt dẻo có thể sẵn sàng biến thành "scandal" bất cứ lúc nào.
Không biết do bản tính thích rình mò hay vô tình mà Hai Thơ rất hay nhìn được chuyện này chuyện kia trong lúc đi làm những công việc được giao. Và trẻ con thì vốn hồn nhiên, thấy gì nói đấy. Nên ngay sau khi nhìn thấy Tuyết Mai và Thiện Khiêm đi cùng nhau, em đã nói lại với Tư Thì vì gặp cô ả trên đường về. Mặc dù lần đó, Tư Thì có nhắc nhở không được nói với bà Ba Trân, nhưng em vẫn cứ xồng xộc chạy đi mách khi thấy chuyện này lần thứ hai.
Chắc là lần trước mách Tư Thì không thấy có drama để xem, nên em tìm tới người quyền lực hơn. Chính Hai Thơ là người đã khơi tất cả những chuyện đen tối của Huỳnh gia ra trước ánh sáng, để cho sau cùng, tất cả gia nhân trong nhà đối mặt với cảnh chủ của mình chết hết, không biết sẽ sống sao.
Mẹ chồng kết thúc bằng nhiều uất ức trong phim, và trong cả tâm thức những người đi xem. Nhưng với 5 bài học "đắt giá" trên đây, hẳn là ai cũng sẽ cảnh giác hơn trong cuộc sống của mình.