Đảm bảo rằng những điều như "Tiền không mọc trên cây", hay "Nhà giàu keo kiệt"... bạn đã được nghe đi nghe lại trong cuộc sống hàng ngày, không từ người này thì cũng từ người khác.
Những quan niệm phổ biến này có một điểm chung là khiến chúng ta tin rằng giàu có là một đặc quyền xa xỉ của một số ít người. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính và triệu phú tự thân, đa số chúng là những lời nói dối xuyên thế kỉ.
Hãy điểm qua một số quan niệm sai lầm mà ta vẫn tin sái cổ nhé.
1. Muốn có tiền thì trước hết cần phải có tiền
Scott Trench, phó chủ tịch của chiến dịch BiggerPockets, cho biết đây là một trong những lời nói dối bự chảng khi bàn đến việc làm giàu.
Lý do mà mọi người tin vào nó chính là họ chỉ có cái nhìn hạn hẹp về "kết quả" của sự giàu có, hơn là tự hỏi bản thân rằng: người giàu làm gì khi họ cũng đang ở trong tình thế của mình?
Theo Trench, chìa khóa của sự thành công là "chi ít hơn thu" và biết đầu tư vào nhiều thứ.
"Vấn đề ở đây là mọi người nghĩ rằng đầu tư là một việc hết sức bị động và người giàu đơn giản chỉ là vung tiền vào một thứ gì đó." – Trench cho biết – "Người giàu không hề làm thế. Họ nghiên cứu kĩ càng những cơ hội có tiềm năng, kiên trì theo dõi và cân đong đo đếm quá trình đầu tư của họ. Phần lớn người giàu có sẽ có nhiều khoản đầu tư và trở thành những người chủ động trong quá trình đó."
2. Tiền không mọc từ trên cây
Đúng là về mặt sinh học, tiền không mọc từ trên cây thật, nhưng theo cách hiểu tượng hình, điều đó là hoàn toàn có thể.
Steve Siebold, triệu phú tự thân và tác giả quyển sách "How Rich People Think" chia sẻ:
Tiền tuy không mọc từ trên cây thật, nhưng cũng không hiếm có khó tìm như thế.
"Quan niệm này khiến mọi người tin rằng tiền rất hiếm và khó kiếm, thay vì nghĩ rằng nó tồn tại rất nhiều và kiếm tiền thật dễ bằng sự kiên định và suy nghĩ sáng tạo."
"Tiền không mọc trên cây, nhưng có những yếu tố gốc rễ giúp cho nó mọc. Bạn phải tự thách thức bản thân để khám phá những yếu tố đó là gì."
3. Tiền là gốc rễ của mọi tội ác
Câu nói này từ trong Kinh thánh mà ra. Tuy vậy, nó đã bị trích dẫn sai trong nhiều thế kỉ. Thực ra, bản gốc là như thế này: "Sự khát khao tiền bạc là gốc rễ của mọi tội ác." Nói cách khác, tiền không có tội.
Bình tĩnh, nghe hết cả câu đã nhé
Ed Brancheau, CEO của Goozleology chia sẻ rằng:
"Nếu bây giờ bạn nghe điều này và lúc trẻ cũng vậy, quả thực sẽ đa phần dường như sẽ thấy tội lỗi khi làm giàu.
Nhưng khi bạn nghe toàn bộ lời trích dẫn, việc sở hữu nhiều tiền mà không cảm thấy bản thân độc ác là một điều hoàn toàn có thể. Nghe thật lạ, nhưng một khi tôi nhận ra điều này, tôi như được trút bỏ gánh nặng mà chính bản thân mình còn không biết là đang mang."
4. Tiết kiệm được một đồng là kiếm được một đồng
Quan niệm này đề xuất rằng tiết kiệm là một trong những yếu tố quan trọng nhất để trở nên giàu có. Vấn đề ở đây là nó khiến cho mọi người quá tập trung vào việc tiết kiệm từng đồng lẻ và sống quá dè xẻn mà không nhìn vào bức tranh lớn hơn.
"Mọi người phải từ bỏ ngay kiểu suy nghĩ nhỏ nhặt này và tập trung năng lượng vào đúng chỗ: những khoản tiền lớn." – Theo Siebold.
Nếu chỉ chăm chăm vào việc tiết kiệm từng đồng, bạn sẽ lỡ mất cơ hội để bắt lấy những cơ hội có thể giúp bạn kiếm được gấp hàng trăm nghìn lần những đồng lẻ đó.
5. Mỗi ngày trôi qua trị giá một đồng
Câu này ý nói là mỗi ngày bạn đều nhận được hoặc chi tiêu một khoản tiền giống nhau. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thế
Theo Siebold, "Con người đổi thời gian lấy tiền bạc. Điều này khiến mọi người tin rằng kiếm tiền là một quá trình cần thời gian dài lâu. Muốn chơi lớn thì phải thoát khỏi lối suy nghĩ đó."
Thỉnh thoảng trở nên giàu có không phải chỉ cần làm việc siêng năng trong thời gian dài, mà phải biết tận dụng hiểu biết và kĩ năng để kiếm được nhiều tiền trong khoảng thời gian ngắn nhất.
6. Xe, nhà hay bằng cấp là một thứ hàng hóa
Theo Trench, suy cho cùng thì sở hữu những thứ đó cũng khiến bạn mất khối tiền (thuế, bảo dưỡng ...), cộng thêm một khoản nợ hàng tháng (trả góp, học phí)... Riêng với bằng cấp, đi học là chuyện nên làm, nhưng việc bạn sở hữu nhiều hơn 2 bằng cấp thực sự là một việc làm lãng phí, cả về thời gian và tiền bạc.
"Bạn phải hiểu rằng, mình không thể coi những thứ đó là một dạng tài sản để trở nên giàu có được. Ngay cả khi làm được, bạn cũng chỉ ở tầng lớp trung lưu thôi, không thể vươn đến tầm giàu có và sang chảnh".
Bạn nên tập trung vào những món hàng sẽ tăng giá trị theo thời gian. Trench còn đề xuất nên đầu tư vào những thứ như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản... thay vì những món xa xỉ như xe, bằng cấp hay là quỹ hưu trí tư nhân.
7. Người giàu thường keo kiệt
Người ta thường tin rằng để giàu có thì phải keo kiệt, tiếc từng đồng từng cắc. Thực ra mọi người đã diễn tả ý nghĩa của nó một cách hơi nặng quá. Siebold cho biết:
"Thương trường như đã được lập trình sẵn để đặt lợi ích của người khác lên hàng đầu. Nghe có vẻ cao thượng quá, nhưng rõ ràng đây là lời khuyên tệ nhất khi mà mọi chuyện xoay quanh tiền bạc".
Để kiếm thật nhiều tiền, phải có một khoảng thời gian ban đầu bạn chỉ tập trung vào bản thân và sự nghiệp của mình để nâng tầm nó lên. Một khi đã giàu rồi thì bạn có thể bắt đầu tính đến chuyện cho đi là ổn."