Muốn sớm có em bé, đừng quên “3 tăng, 4 giảm” khi ăn uống từ chuyên gia

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ Việt Nam 00:00 26/02/2024
Chia sẻ

Khi muốn có em bé, nhiều cặp đôi thường chỉ quan tâm tới làm “chuyện ấy” như thế nào mà quên rằng chế độ ăn uống cũng rất quan trọng.

Muốn sớm có em bé, đừng quên “3 tăng, 4 giảm” khi ăn uống từ chuyên gia - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Tiến sĩ He Yanbing (Đài Loan, Trung Quốc), chế độ ăn uống không chỉ quyết định tình trạng sức khỏe, tuổi thọ của một người mà còn tác động lớn tới khả năng sinh sản. Ví dụ như có thực phẩm tốt nhưng cũng có thực phẩm xấu đối với chất lượng tinh trùng ở nam giới, chất lượng cuộc yêu của các cặp đôi. Đặc biệt là đối với phụ nữ, khả năng thụ thai có thể bị ảnh hưởng bởi cách mà chị em ăn uống hàng ngày, nhất là trong thời điểm đang cố gắng có em bé nhưng gặp khó khăn.

3 nhóm thực phẩm nên ăn nhiều hơn khi muốn sớm có em bé

Nếu muốn sớm có em bé, chị em phụ nữ nên ăn nhiều hơn 3 nhóm thực phẩm sau đây:

Thực phẩm giàu vitamin D, vitamin C

“Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã khẳng định vitamin D có thể cải thiện chức năng buồng trứng. Nó cũng được khuyên dùng để hỗ trợ điều trị buồng trứng đa nang hoặc suy giảm chức năng buồng trứng. Các thực phẩm giàu vitamin D trong tự nhiên có thể kể đến như: cá biển sâu (cá hồi, cá trích, cá mòi…), lòng đỏ trứng, sữa… Ngoài ra nên tắm nắng vừa phải, ít nhất 10 - 15 phút mỗi ngày để cơ thể được hấp thu vitamin D” - Tiến sĩ He nói.

Ông cũng nhắc nhở thêm rằng, nếu chị em muốn uống thêm các loại viên uống bổ sung vitamin D thì cần hỏi ý kiến bác sĩ/dược sĩ. Đừng dùng tùy tiện kẻo gây gánh nặng cho gan hoặc các tác dụng phụ khác.

Muốn sớm có em bé, đừng quên “3 tăng, 4 giảm” khi ăn uống từ chuyên gia - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Còn vitamin C hoạt động như chất chống oxy hóa, có khả năng chống viêm, góp phần vô hiệu hóa các gốc tự do trong cơ thể - những tác nhân gây hại tế bào trứng. Vitamin C có nhiều trong rau củ quả tươi.

Thực phẩm giàu axit folic và sắt

Axit folic và sắt là hai trong số nhiều loại vitamin cần thiết để thụ thai thành công. Liều lượng bổ sung được khuyến cáo là 400 mcg axit folic (hoặc tốt hơn nữa là folate) và từ 40 - 80 mg sắt mỗi ngày. Tiến sĩ He khuyên bạn nên bắt đầu bổ sung vitamin trước khi sinh ngay khi bạn bắt đầu cố gắng mang thai.

Các loại rau lá xanh đậm, quả chín như rau ngót, rau muống, cải kale, cải xoăn, cải bẹ, cam, dưa hấu, dâu tây… chứa nhiều axit folic, vitamin C và chất sắt. Những chất dinh dưỡng này không chỉ giúp nuôi dưỡng trứng mà còn hạn chế nguy cơ thai nhi bị dị tật ống thần kinh.

Thực phẩm tốt cho nội tiết tố nữ

Việc bổ sung, cân bằng nội tiết tố cũng rất quan trọng trong việc tăng cường khả năng thụ thai và bảo đảm sức khỏe thai nhi. Tiến sĩ He khuyên rằng nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu estrogen, protein chất lượng cao, nhất là thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên.

“Ví dụ như các loại ngũ cốc họ đậu như đậu nành, đậu lăng, đậu rồng, đậu đen là nguồn protein, chất xơ, folate dồi dào. Tăng cường tiêu thụ các sản phẩm này giúp cân bằng nội tiết tố, kích thích rụng trứng sớm. Bổ sung protein động vật, protein thực vật đúng cách cũng giúp ổn định nội tiết tố và tuần hoàn máu, tăng cường sức khỏe cơ quan sinh sản, cải thiện chất lượng trứng, tăng khả năng thụ thai” - ông nói.

4 nhóm thực phẩm nên hạn chế khi muốn có em bé

Bên cạnh những thực phẩm tốt cho quá trình thụ thai, Tiến sĩ He cũng chỉ ra có 4 nhóm thực phẩm chị em nên tránh để sớm có em bé. Đó là:

Đồ ăn có tính hàn

Các món rau củ quả có tính hàn như măng tây, dưa chuột, đu đủ, dưa hấu, dừa, bông cải xanh, cam, vải, bí ngô, thì là, ngó sen, mộc nhĩ, rau răm… không nên ăn nhiều khi muốn mang thai. Dù cần bổ sung protein động vật nhưng cũng không nên ăn quá nhiều thịt có tính hàn như ốc, ếch, thịt vịt, cua... Đương nhiên, các chị em đang muốn mang thai cũng nên kiêng đồ ăn uống lạnh, nhất là trong kỳ kinh nguyệt.

Lý do là cơ thể phụ nữ vốn có tính hàn, ăn nhiều các món trên sẽ khiến khí lạnh tích tụ và xâm nhập vào cơ thể. Từ đó, làm lạnh tử cung và ảnh hưởng đến chất lượng trứng, tỷ lệ thụ thai.

Nội tạng động vật

"Các loại nội tạng động vật như tim, lòng, gan của lợn, bò, cừu, dê… đều chứa một lượng kim loại 'nặng' cadmium. Nếu ăn nhiều loại thực phẩm này lượng cadmium trong cơ thể cũng sẽ tăng lên, trong khi đây là kim loại gây tổn thương các nhiễm sắc thể, khiến việc thụ thai trở nên khó khăn hơn. Thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sự phát triển của thai nhi sau này" - Tiến sĩ He giải thích.

Thực phẩm chế biến sẵn

Theo Tiến sĩ He, thực phẩm chế biến sẵn tiện lợi nhưng hàm lượng dinh dưỡng không cao, dễ dư thừa muối, chất béo chuyển hóa, chất bảo quản… Nếu bạn ăn thường xuyên có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, kéo dài thời gian rụng trứng và giảm khả năng thụ thai. Ngoài ra, thực phẩm chế biến sẵn cũng nhiều đường, làm cho lượng đường trong máu tăng đột biến. Điều này có thể gây viêm, thay đổi nội tiết tố và cản trở quá trình rụng trứng.

Một số loại đồ uống

Danh sách đồ uống cần giảm và tránh khi cố gắng mang thai bao gồm rượu bia, sữa ít béo, thức uống chứa caffeine, sữa đậu nành…

“Rượu bia có thể tăng nguy cơ vô sinh và làm cạn kiệt vitamin B trong cơ thể - chất giúp cải thiện cơ hội mang thai và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Còn với thức uống chứa caffeine, có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng caffeine làm giảm khả năng thụ thai lên đến 50% so với những người không sử dụng” - Tiến sĩ He giải thích.

Ông cũng nói thêm rằng, sữa đậu nành dù giàu dinh dưỡng và tốt cho nội tiết tố nhưng cũng không nên uống quá nhiều. Nó có thể gây rối loạn nội tiết tố, rối loạn kinh nguyệt và giảm khả năng mang thai. Tương tự, sữa ít béo, tách béo cũng có thể gây ra sự mất cân bằng hormone trong cơ thể, ảnh hưởng đến chất lượng trứng và tinh trùng cũng như khả năng thụ thai cho cả hai giới.

Nguồn và ảnh: Health News, QQ, Family Doctor

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày