Robot thám hiểm tự hành của NASA trên Sao Hỏa. Ảnh: NASA.
Sao Hỏa được xem như là điểm đến tiếp theo trong công cuộc khám phá không ngừng nghỉ của con người. Có điều, những nỗ lực đó hiện đang phải đối mặt với các thách thức to lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ du hành vũ trụ đến y học, sinh học, xã hội và đạo đức.
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đến từ những trường đại học hàng đầu ở Brazil, Ba Lan và Mỹ đã tìm hiểu chi tiết về việc liệu phụ nữ có thể mang thai trên sao Hỏa hay không.
Tiến sĩ John Millis, nhà vật lý và thiên văn học do NASA tài trợ, chia sẻ với tờ The Sun Online rằng bức xạ vũ trụ trên bề mặt hành tinh này sẽ dẫn đến đột biến ở thai nhi.
"Bức xạ có hại đối với người trưởng thành, đặc biệt đối với các tế bào sinh sản, phát triển phôi thai, và bào thai, và từ lâu đã được xem là đặc biệt nguy hiểm cho sức khỏe các phi hành gia", các nhà nghiên cứu cho biết.
Bên cạnh đó, việc đối mặt với vi trọng lực, cả trong chuyến đi lẫn trên bề mặt Hành tinh đỏ, là một mối quan ngại khác. Chúng ta đã biết rằng vi trọng lực có thể khiến giảm mật độ xương và ảnh hưởng mức độ dịch trong mắt và cột sống của các phi hành gia, dẫn dến suy giảm thị lực.
Cộng thêm một lượng lớn các vấn đề tiềm tàng liên quan sức khỏe khác mà con người gặp phải khi du hành không gian - ức chế miễn dịch, thay đổi hệ thần kinh, giảm thính lực - thì cơ thể con người đơn giản là khó có thể ở điều kiện tốt nhất để sinh sản trên Sao Hỏa.
Theo nhóm nghiên cứu, cách tốt nhất để phòng chống những vấn đề này là làm biến đổi gen của con người trên Trái Đất trước khi đưa họ lên hành tinh Đỏ, để đảm bảo rằng họ có thể chống chọi với các điều kiện trên sao Hỏa.
Đa phần Sao Hỏa có địa hình như hoang mạc, nhiều đá, nhưng khả năng tìm ra mạch nước khá cao. Ảnh: NASA
Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng việc đó có thể sẽ dẫn đến việc tạo ra một loài người mới. Loài mới này có thể thích ứng với cuộc sống trên sao Hỏa, nhưng có lẽ họ sẽ không thể sống trên Trái Đất nếu thiếu sự trợ giúp của công nghệ.
Tuy nhiên, việc sinh sản trên Sao Hỏa không phải một sớm một chiều mà thực hiện được. Chúng ta vẫn có rất nhiều thời gian để nghiên cứu các ảnh hưởng tiềm tàng của điều kiện sống ngoài hành tinh đối với sinh sản - cũng là những gì mà các nhà nghiên cứu đề xuất thực hiện.
Sao Hỏa là hành tinh giống với trái đất nhất trong hệ mặt trời. Nó có một quang cảnh đẹp với những dãy núi hùng vĩ, một ngọn núi lửa khổng lồ, những hồ nước cổ đại tuy đã khô cạn nhưng vẫn hy vọng một ngày nào đó mạch nước lại được tìm thấy.
Thời tiết trên Sao Hỏa rất khắc nghiệt, hôm nay và ngày mai có thể chênh tới 170 độ, nhiệt độ trung bình lại âm. Con người cũng cần bình dưỡng khí vì bầu khí quyển ở đây quá nhiều carbon dioxide.
Elon Musk – ông chủ của SpaceX – hy vọng sẽ đưa con người lên sao Hỏa trong vài năm tới, tuy nhiên sẽ phải mất hàng thập kỷ để xây dựng được các khu định cư ở đó.
Ngoài ra, chúng ta phải làm quen với bão bụi, xảy ra khoảng 26 tháng một lần vào mùa hè. Bão bụi có thể che kín ánh sáng mặt trời trong nhiều ngày khiến bầu trời lúc nào cũng như đang chạng vạng vào một số tháng sau đó.
Trên Trái Đất, các loài sinh vật được bảo vệ khỏi bức xạ nhờ bầu khí quyển. Tuy nhiên, Sao Hỏa không có lớp không khí này và bất kỳ dạng sống nào trên bề mặt cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tia bức xạ gây hại.