Muốn nghỉ hưu sớm phải có gần 50 tỷ đồng: Chàng trai cật lực làm 3 công việc cùng lúc và tránh xa “ăn nhiều nhưng rủi ro cao”

Vân Anh - Design: Minh Trang, Theo Phụ nữ mới 00:01 08/03/2024
Chia sẻ

Sau hơn thập kỷ miệt mài làm việc từ khi còn học cấp 2, đến giờ này, mục tiêu lớn nhất của anh chàng là nghỉ hưu sớm.

Nhắc đến thế hệ trẻ, nhiều người mặc định đây là những người thích làm giàu nhanh, ham lướt sóng để chóng kiếm lời và không ngại chi tiền cho các sở thích đắt đỏ. Nhưng đây không phải câu chuyện của Phillip Le - một chàng trai luôn tự nhận là người kiểm soát tài chính chặt, thận trọng trong đầu tư và chi tiêu.

Kiếm tiền và tiêu tiền theo nguyên tắc "cẩn trọng là lựa chọn số một" của Phillip Le có thể không phải là lựa chọn phù hợp với số đông người trẻ, nhưng chúng lại giúp anh chàng nhanh chóng đạt được mục tiêu lớn nhất của những năm tháng đi làm. Đó là nghỉ hưu sớm khi tài sản ròng chạm mốc 2 triệu USD (49,4 tỷ đồng).

Muốn nghỉ hưu sớm phải có gần 50 tỷ đồng: Chàng trai cật lực làm 3 công việc cùng lúc và tránh xa “ăn nhiều nhưng rủi ro cao” - Ảnh 1.

Phillip Le/ninomars (SN 1991)

- Nhiếp ảnh gia đang làm việc tại New York (Mỹ), từng hợp tác với các ngôi sao tại Việt Nam và Hollywood (Hồ Ngọc Hà, Đông Nhi, Selena Gomez, Karlie Kloss…).

- Nhà sáng tạo nội dung đa nền tảng:

+ Kênh YouTube có 150K+ subscribers.

+ Instagram có 70K+ người theo dõi.

Nghỉ hưu sớm một-cách-thận-trọng

Khi còn nhỏ, Phillip có tuổi thơ khá khó khăn khi gia đình gặp biến cố, từ đó hình thành ở anh chàng sự thận trọng về tài chính mãi sau này. Điều này không chỉ thể hiện ở cách Phillip nỗ lực kiếm tiền mà còn trong quan điểm đầu tư, tìm kiếm các phương thức sinh lời với mức độ rủi ro nằm trong vùng an toàn.

Điển hình như trong câu chuyện nghỉ hưu sớm, nhiều người thường chọn tham gia đầu tư "mạo hiểm", để nhanh chóng có đủ tiền nhằm hoàn thành mục tiêu. Thế nhưng, Phillip lại theo đuổi đầu tư an toàn, có thể sinh lời chậm nhưng chắc. Bởi chàng trai quan niệm, khi có biến cố tài chính, Phillip khó có thể trông cậy vào ai. "Nơi an toàn nhất để dựa vào chỉ có thể là chính mình", anh chàng nói.

18 tuổi, Phillip giành được học bổng đi du học Singapore. Thời điểm đó, anh chàng tự mình chuẩn bị một khoản tiền nhất định dành cho việc đi học, với suy nghĩ sang đó có thể "vừa học vừa làm". Tuy nhiên, thực tế không như kỳ vọng của Phillip. Anh chàng nhanh chóng về nước chỉ sau 1 năm vì… hết tiền.

Trở về nước, Phillip vừa đăng ký khóa học nâng cao kiến thức, đồng thời đi làm nhiếp ảnh để tích lũy tiền bạc. Sinh sống ở Việt Nam trong 4 năm, chàng trai lại lên đường sang Mỹ du học, với khoản tích lũy là 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này đã được anh chàng tiêu hết trong vòng 1 năm, thông qua việc du lịch khắp nước Mỹ để xem thành phố nào hợp với mình nhất. Cuối cùng, Phillip chọn Boston - một thành phố có trường Đại học cho anh nhiều học bổng hơn cả.

Không còn tiền trong người, Phillip đã làm nhiều công việc để chi trả cho cuộc sống ở nước Mỹ và chi phí học tập. Lúc đó, anh chàng không chỉ làm nhiều (có thời điểm làm đến 80 tiếng/tuần) mà còn chấp nhận những công việc bản thân không yêu thích như phụ bếp, làm pha chế ở quán cafe…

Chính những trải nghiệm gặp khó khăn về tiền nong này càng thôi thúc anh chàng tìm hiểu sâu hơn về kỹ năng quản lý tài chính và đầu tư hiệu quả trong tương lai.

Muốn nghỉ hưu sớm phải có gần 50 tỷ đồng: Chàng trai cật lực làm 3 công việc cùng lúc và tránh xa “ăn nhiều nhưng rủi ro cao” - Ảnh 3.

Phillip tâm sự: "Khi còn ở Việt Nam, mình kiếm tiền rất tốt nhưng lại chưa đủ kỹ năng quản lý tài chính. Cho đến khi qua Mỹ và nhận thức là không có đường lui, sự tính toán tài chính của mình cũng từ đó mà được tập trung đầu tư hơn rất nhiều.

Có thể nói, trong 4 năm đầu ở Mỹ, mình chỉ lo học và làm cách nào để có đủ tiền sống ở thời gian này. Mãi đến năm 2019 khi mình bắt đầu đi làm ở New York thì mọi thứ mới dần dần ổn hơn. Vì ở New York việc xài 1 USD cũng rất quan trọng. Mình bắt đầu nghiên cứu cách chi tiêu hợp lý để phải vừa đáp ứng được nhu cầu cơ bản của bản thân và cũng phải tìm cách ‘hưởng thụ’ cuộc sống ở thành phố này.

Kinh nghiệm sau 2 lần đi du học nhưng đều ‘vỡ’ kế hoạch là phải biết tính đường dài, quản lý tài chính chặt và thông minh sẽ giúp hoàn thành mục tiêu đặt ra".

Mục tiêu nghỉ hưu sớm với tài sản ròng 2 triệu USD: Có đủ tiền để tự do làm điều mình thích

Ở độ tuổi còn trẻ, Phillip đã có một mục tiêu rõ ràng cho những năm tháng miệt mài làm việc của mình, đó là nghỉ hưu sớm với khoản tích lũy 2 triệu USD (49,4 tỷ đồng).

"Mình đã làm việc từ rất sớm. Có thể nói trước cả khi đủ tuổi, hoặc cụ thể hơn là những năm cấp 2, mình đã phải đi làm để tự lo cho bản thân. Và trong quãng thời gian đó, mình chưa bao giờ làm một công việc. Lúc nào cũng thích ôm đồm hai ba thứ. Nên thực sự mình chỉ muốn nghỉ hưu sớm để làm một công việc yêu thích và dành thời gian cho bản thân mà không bị áp lực tiền bạc".

Muốn nghỉ hưu sớm phải có gần 50 tỷ đồng: Chàng trai cật lực làm 3 công việc cùng lúc và tránh xa “ăn nhiều nhưng rủi ro cao” - Ảnh 4.

Với Phillip, nghỉ hưu sớm không phải kết thúc hoàn toàn chuỗi ngày đi làm mà đây là cách anh chàng trút bỏ gánh nặng tài chính, cũng như thoải mái làm những điều đam mê.

Nói về cột mốc 2 triệu USD, Phillip bắt đầu từ việc thống kê những khoản chi nhỏ nhất theo từng tháng, từ đó biết được mình chi tầm 80 ngàn USD/năm (khoảng 1,9 tỷ đồng) cho chi phí sinh hoạt khi sống tại thành phố đắt đỏ New York. Cũng từ đó, anh chàng xác định cần có khối tài sản ròng là 2 triệu USD thì mới yên tâm nghỉ hưu sớm.

Con số 2 triệu USD được Phillip tính toán dựa trên 2 quy tắc quen thuộc với những người tìm hiểu về nghỉ hưu sớm là quy tắc 25x và quy tắc 4%.

Anh chàng cho hay: "Đầu tiên, với quy tắc 25x, mình sẽ nhân tổng số chi tiêu hàng năm với 25 để ra được số tiền cần để nghỉ hưu trong khoảng 25 năm tới. Cụ thể, mình chi khoảng 80 ngàn USD/năm thì dùng con số đó nhân với 25 sẽ ra được 2 triệu USD như mình đề cập.

Khi đạt được tổng tài sản ròng là 2 triệu USD, cũng như dựa vào danh mục đầu tư hiện có ở S&P500, mình dự tính mỗi năm sẽ sinh lợi khoảng 8%. Thì mình sẽ rút 4% trong số đó để chi tiêu, 4% còn lại sẽ tái đầu tư và tiếp tục sinh lời.

Trong quá trình tiến tới nghỉ hưu sớm, bản thân mình sẽ phải còn tiếp tục làm việc và đầu tư cho đến khi đạt được 2 triệu USD chứ không phải là kiếm đủ 2 triệu USD rồi mới đầu tư sinh lời.

2 triệu USD là con số không nhỏ. Nhưng mình thấy nhiều người làm giáo viên cấp 3 (với mức lương trung bình ở Mỹ) làm được. Với mức lương như hiện tại, mình nghĩ bản thân cũng có thể làm được nếu chịu cố gắng và duy trì cách quản lý tài chính cá nhân như hiện tại".

Những hình ảnh khác về cuộc sống ở Mỹ của Phillip

Sống ở thành phố đầy cám dỗ nhưng không cho phép mình chi tiêu bừa bãi

Nghỉ hưu sớm để được làm những điều mình thích, ngày ngày không cần lo toan về tiền bạc là điều mà ai cũng muốn. Thế nhưng đây không phải là một mục tiêu dễ dàng của người trẻ và họ cần lên kế hoạch hoàn thành từ sớm. Phillip cũng vậy.

Đã có con số đích đến cụ thể, lộ trình chuẩn bị nghỉ hưu sớm của Phillip hiện tại là làm tốt 3 công việc, gồm nỗ lực gia tăng thu nhập, quản lý chi tiêu chặt chẽ và đầu tư từ sớm.

Đầu tiên về gia tăng thu nhập, hiện Phillip đang có nguồn thu từ công việc nhiếp ảnh gia ở thành phố New York và sáng tạo nội dung. Còn trong chuyện tài chính cá nhân, Philip tự đánh giá mình có mức độ kiểm soát bản thân khá cao.

"New York là một thành phố có nhiều ‘cám dỗ’ chi tiêu với người trẻ. Mà nổi bật nhất là 3 khoản gồm rượu bia; chất gây nghiện kích thích; shopping và ăn ngoài.

Mình là người không biết uống rượu bia hay nghiện chất kích thích, cũng như qua tuổi thích mua sắm quần áo, nên cũng mừng là 2 cám dỗ này coi như là tự động bị gạt bỏ. Ngoài ra mình cũng chỉ cho phép bản thân ăn ngoài 1-2 lần/tuần. Vì ăn ngoài rất đắt đỏ và cũng dễ tạo thói quen thích ăn ngoài, dẫn đến việc không tiết kiệm được.

Nhìn chung, ở thành phố New York, nếu bạn thích thích hưởng thụ, mua sắm,... sẽ khó kiểm soát chi tiêu. Nhưng mình tự nhận thức bản thân không có nhiều tiền để phá vỡ kỷ luật", Phillip nói.

Muốn nghỉ hưu sớm phải có gần 50 tỷ đồng: Chàng trai cật lực làm 3 công việc cùng lúc và tránh xa “ăn nhiều nhưng rủi ro cao” - Ảnh 6.

Nói về chuyện quản lý tài chính, chàng trai đã lập một file để theo dõi các khoản chi theo từng tháng, cũng như dựa vào đó để lên budget cho tháng sau. Thông thường, vào ngày cuối tháng, anh chàng sẽ lại kiểm soát lại file chi tiêu này.

Về thu nhập, Phillip đang chia làm 3 khoản: 1 phần thu nhập cho các khoản chi tiêu bắt buộc (tiền nhà, điện nước, đi lại và một ít tiền ăn…), 1 phần đầu tư vào quỹ nghỉ hưu sớm. Còn lại bao nhiêu, chàng trai bỏ hết vào quỹ đầu tư và gửi tiết kiệm ngắn hạn. Đến khi tích lũy được 1 khoản kha khá thì chàng trai sẽ bỏ vào đầu tư dài hạn.

Trong đầu tư, hiện Phillip đang tham gia 2 hình thức là mua chứng khoán và bất động sản ở Mỹ. Với một người thận trọng như Phillip, anh chàng hầu như tránh xa các hình thức sinh lời nhanh nhưng đầy rủi ro, "ăn cũng nhiều mà thua cũng đau".

Phillip chia sẻ cách anh chàng đầu tư: "Với chứng khoán, mình thường chọn các quỹ lớn ở Mỹ (index fund) có thể sẽ không sinh lời nhiều nhưng về đường dài thì nó an toàn và đảm bảo hơn. Thường thì khi đầu tư, mình sẽ nghiên cứu lịch sử của chứng khoán và quỹ đó chứ không chọn theo sở thích hoặc người xung quanh. Mình muốn bản thân là người chịu trách nhiệm lựa chọn và đưa ra quyết định.

Còn về bất động sản, mình đánh giá chúng không chỉ đòi hỏi việc mua được một mảnh đất với giá tốt và bán khi có lời, mà còn cần tìm hiểu về các khía cạnh liên quan như khả năng định giá, tính pháp lý của dự án, uy tín của chủ đầu tư…"

Muốn nghỉ hưu sớm phải có gần 50 tỷ đồng: Chàng trai cật lực làm 3 công việc cùng lúc và tránh xa “ăn nhiều nhưng rủi ro cao” - Ảnh 7.

Chàng trai nhận định đầu tư là một hành trình dài và bền bỉ. Bản thân Phillip cũng từng bị cuốn theo cơn sóng đổ xô đầu tư ngắn hạn, nhưng đã chịu mất mát trong những ngày đầu tìm hiểu về chứng khoán. Sau cùng, Phillip vẫn thoát khỏi làn sóng và tìm cho bản thân phương pháp đầu tư dài hạn. Mà theo cách anh chàng nói: "Nếu có mất tiền thì mình cũng dằn vặt bản thân dữ lắm".

Một điều đặc biệt là dù sống ở New York có nhiều "cám dỗ" chi tiêu nhưng anh chàng nhận thấy ở thành phố này, mọi người nói chuyện thoải mái hơn về tiền nong. Điều này cũng giúp Phillip khá nhiều trong hành trình đạt được tự do về tài chính.

"Mình nghĩ việc cởi mở nói về tiền bạc với ý tốt thì luôn mang đến tác động tích cực. Với mình, nó không phải thay đổi cách quản lý tiền nong ra sao mà thường sẽ thúc đẩy bản thân tìm hiểu và học cách đầu tư để tiền đẻ ra tiền.

Ví dụ như mình có thể tham khảo bạn bè cách kiếm tiền thụ động để có thêm nhiều nguồn thu nhập khác nhau và không chỉ phụ thuộc vào tiền lương mỗi tháng. Tất nhiên là mình chỉ nên chia sẻ chuyện tiền nong với những người mà bạn có thể tin tưởng và đưa ra lời khuyên hữu ích thôi nhé!", Phillip bày tỏ.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày