Muôn màu sinh viên "mắc kẹt" ở Hà Nội: Người ăn cơm cá khô, người tranh thủ kiếm tiền

Mai Phương, Theo Infonet 08:30 10/09/2021
Chia sẻ

Tính đến thời điểm hiện tại, TP. Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được hơn 1,5 tháng. Những sinh viên ở lại TP đang vượt qua những ngày này như thế nào?

Chia sẻ với Infonet, Thanh Huyền (sinh viên năm 4, trường ĐH Văn hoá Hà Nội) cho biết, em lên Hà Nội từ đầu tháng 6 để đi thực tập theo lịch của nhà trường. Tuy nhiên, sau khi kết thúc thời gian thực tập thì Hà Nội tạm dừng xe khách đến 37 tỉnh, thành phố, trong đó có quê Huyền ở Nghệ An. Tiếp đó TP thực hiện giãn cách để phòng dịch lây lan nên Huyền vô tình bị "mắc kẹt", không về quê được.

"Việc TP. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội khiến cuộc sống của em cũng có một chút đảo lộn. Do ở trọ nên em không được phát phiếu đi chợ riêng. Rất may em được bác chủ trọ đi mua giúp nên các bữa ăn tuy không thịnh soạn nhưng cũng đủ chất.

Ngoài ra, em cũng cảm thấy may mắn vì ngoài sự hỗ trợ của gia đình thì mùa dịch này em vẫn còn có công việc làm thêm tại nhà. Vì vậy, cuộc sống cũng bớt khó khăn đi phần nào. Em cũng dành thời gian tự học tiếng Anh để chuẩn bị cho kì thi tiếng Anh đầu ra của nhà trường", Thanh Huyền kể.

Dương Hồng - cô sinh viên gây "bão" trên TikTok với loạt clip chia sẻ về cuộc sống đời thường - cho rằng, thời gian này dù khó khăn nhưng cũng có những thuận lợi, may mắn với bản thân.

Hồng dành nhiều thời gian để đọc sách, nghiên cứu phát triển kênh TikTok của mình. Từ đó, giúp những ngày dịch dù bị kẹt lại ở Hà Nội nhưng vẫn kiếm được tiền nhờ các nhãn hàng đặt quảng cáo.

Muôn màu sinh viên mắc kẹt ở Hà Nội: Người ăn cơm cá khô, người tranh thủ kiếm tiền - Ảnh 1.

Những ngày giãn cách xã hội, Dương Hồng dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách, học ngoại ngữ và làm nội dung cho kênh TikTok

Còn đối với Lê Đình Minh - sinh viên năm 2, ĐH Bách Khoa Hà Nội thì dịp giãn cách xã hội này lại là cơ hội để rèn luyện cơ thể theo một cách riêng.

Minh sống trong căn phòng trọ chỉ hơn 15m2 ngột ngạt, khó chịu nhưng rất nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16 với mong muốn dịch bệnh sớm được đẩy lùi. Mỗi ngày Minh đều cố gắng tập gym tại chỗ với đủ các loại vật dụng trong nhà.

Muôn màu sinh viên mắc kẹt ở Hà Nội: Người ăn cơm cá khô, người tranh thủ kiếm tiền - Ảnh 2.

"Em thích tập gym, giờ giãn cách xã hội không thể ra ngoài hay đến phòng tập thì em cố gắng tập tại nhà. Đúng là chưa có khi nào em chôn chân trong căn phòng trọ nhiều như quãng thời gian này.

Ở nhà ngoài việc học thì em cũng tìm hiểu thêm các kiến thức về chế độ ăn uống, dinh dưỡng,... và cũng biết tính toán hơn trong việc cân đối chi tiêu", Minh chia sẻ với PV Infonet.

Trong khi đó, nam sinh Nguyễn Văn Đức (sinh viên năm cuối ĐH Kinh tế Quốc dân) chia sẻ, em ở lại Hà Nội với mong muốn đi làm thêm để kiếm tiền đóng học phí cho kỳ tiếp theo. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên Đức bị thất nghiệp, em đi làm được vài hôm thì cửa hàng phải tạm đóng cửa.

Đức kể: "Không được đi đâu em có chút bức bối nhưng sau dần thích nghi. Thời gian này em cũng dành thời gian để tập thể thao, tự nấu ăn, đọc sách. Thỉnh thoảng em nói chuyện với bạn bè qua mạng xã hội".

Tình hình dịch bệnh căng thẳng nên hầu như Đức không tự chủ được tài chính như trước, phải nhờ sự chu cấp của gia đình. Trong khi gia đình ở quê khó khăn nên cũng chẳng hỗ trợ được nhiều.

Muôn màu sinh viên mắc kẹt ở Hà Nội: Người ăn cơm cá khô, người tranh thủ kiếm tiền - Ảnh 3.

Bữa cơm chỉ có canh và cá khô của Đức

"Em phải xin chủ trọ giảm tiền nhà, hỗ trợ tiền điện, tiền nước nhưng cũng chẳng được là bao! Chưa kể, khu em sống giá cả thực phẩm cũng đắt hơn trước nên bữa ăn của em chỉ có vài món cứ đổi từ hôm này sang hôm khác như trứng luộc, cá khô, thịt hộp...", Đức chia sẻ.

Đức cũng đăng ký với nhà trường để nhận quà từ chương trình từ thiện "Giỏ quà yêu thương" để vơi bớt đi phần nào khó khăn trong mùa dịch.

"Em hi vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát trên địa bàn Hà Nội để trở về với cuộc sống bình thường mới. Khi đó em sẽ được quay trở lại giảng đường gặp bạn bè, thầy cô và được đi làm thêm để trang trải cuộc sống, phụ giúp gia đình", Đức mong muốn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày