Bão giá đến kèm theo hàng loạt mặt hàng tăng chóng mặt, nhiều người đã chọn cách tiết kiệm nhưng không phải ai cũng giống nhau: từ nhịn ăn hàng, gom đồ từ quê cho đến “phủ bạc” luôn ô tô.
Dù trước đây hoàn toàn có thể chi tiêu với khoản sinh hoạt phí tầm 4 triệu đồng/ tháng bao gồm cả tiền thuê trọ và tiền xăng xe, ăn uống, nhưng tầm gần 3 tháng đổ lại đây, cuộc sống của Nguyễn Phương Nga (sinh viên năm 2, Trường ĐH Mỏ Địa chất) vất vả hơn vì cái gì cũng tăng giá từ tiền nhà trọ cho đến tiền xăng, tiền thức ăn hàng ngày. Để tiết kiệm, cô nàng đã từ bỏ ăn cơm hàng, chỉ dám đặt món khi săn được mã khuyến mại.
Chia tay cơm hàng, làm bạn cơm nhà để chống bão giá
Cũng giống như Nga, Nguyễn Quang Long - sinh viên năm 3 trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng chọn cách tự nấu cơm nhà mang theo đi làm. Long còn tranh thủ săn mã giảm giá trên các sàn mua bán điện tử để được mua hàng với ưu đãi. Từ nước giặt, gia vị, vật dụng trong gia đình... nam sinh đều lên chợ mạng để tìm mua, mong tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.
Ngọc Diễm từ bỏ đi cà phê, tụ tập bạn bè tại nhà để tiết kiệm chi phí
Vũ Diễm Ngọc - sinh viên khoa Luật, Đại học Luật Hà Nội cũng phải điều chỉnh chi tiêu của mình khá nhiều. Dù ở cùng bố mẹ và không phải quá lo lắng về chi phí sinh hoạt, cô nàng cũng phải hạn chế việc ăn vặt cũng như đi chơi của mình do quán cà phê tăng giá 10-18%. Thay vào đó, cô nàng chọn tự nấu hoặc ăn ở nhà nếu có tụ tập bạn bè.
Viết Hưng chọn tự pha cà phê thay vì mua ngoài hàng như trước
Viết Hưng (1997) cũng bắt đầu tự pha cà phê tại nhà bằng các dụng cụ mưa từ đợt giãn cách vì giá cả cà phê mà Hưn uống mỗi ngày cũng đã bắt đầu tăng giá.
Giá thực phẩm, hàng hóa tăng chóng mặt khiến nhiều người nội trợ xoay sở, tìm kiếm những nguồn cung cấp phù hợp hơn so với mua tại siêu thị hay chợ. Chị Nguyễn Thanh Chi (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, quê nhà chị ngay huyện Thường Tín, nhà lại có sẵn vườn trồng rau, nuôi gà nên chị thường tranh thủ cuối tuần về quê thăm bố mẹ, hái rau và đi chợ quê mua thịt, cá, trứng… để mang lên thành phố sử dụng trong tuần.
Nhiều chị em gom thực phẩm từ quê cho tiết kiệm
Chị Thảo Hương (khu đô thị Linh Đàm) thường cung các chị em cùng chung cư rủ nhau gom đơn hàng để đặt mua từ quê. Ví dụ, chị quê ở Thái Bình sẽ nhận mua hải sản, chị khác quê ở Hà Nam đặt mua thịt lợn, người quê Phú Thọ đặt mua gà đồi… Nếu nhiều người cùng mua, có thể mua được với giá bán sỉ và tiền phí vận chuyển sẽ không bị đội lên quá cao.
Nhiều người dân Hà Nội thời gian này cũng đã đối phó với bão giá bằng việc kết hợp đi xe đạp và tàu điện cho đỡ…tiền xăng. Anh Vũ Khiêu (ở quận Hà Đông, làm lập trình viên tại một công ty tại quận Thanh Xuân) cho biết hiện tại mình không quan tâm đến giá xăng nữa, bởi đã chuyển sang sử dụng xe đạp kết hợp với tàu điện công cộng, vừa tiết kiệm tiền vừa bảo vệ môi trường. Số tiền tiết kiệm được từ việc thay đổi thói quen đi lại, thỉnh thoảng anh mời bạn bè đi cà phê và những việc ý nghĩa.
Tàu điện đến xe bus điện là sự lựa chọn hàng đầu của dân văn phòng
Là một người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, anh Hà Minh Tú (quận Đống Đa) trước đây thường xuyên dùng ô tô để đi làm, dạo gần đây khi vật giá leo thang, anh Tú đã để ô tô ở nhà và chọn di chuyển đến công ty bằng tàu điện. Minh Tú cho biết nếu bây giờ vẫn đi làm bằng ô tô, mỗi tháng cũng phải đổ 5 triệu tiền xăng, hiện giờ anh đi tàu điện mua vé quý chỉ hết 420.000 đồng/ 3 tháng, tiết kiệm được rất nhiều.
Thanh Mai chọn đi làm bằng xe đạp vì vừa tiết kiệm lại vui
Thanh Mai (26 tuổi, Hà Nội) cũng lựa chọn chuyển sang xe đạp để đi làm mỗi ngày do nhà gần công ty để vừa tiết kiệm vừa vận động giúp bản thân vui vẻ hơn.