Một trường ở Hà Nội tuyển sinh lớp 6 "khác biệt", phụ huynh hân hoan: Đỡ khổ cho cả con cái lẫn cha mẹ

Hiểu Đan, Theo Thanh niên Việt 13:30 10/04/2025
Chia sẻ

Tính đến thời điểm hiện tại, đây là trường đầu tiên trong kỳ tuyển sinh vào lớp 6 năm nay áp dụng cách thức tuyển sinh này.

Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế tuyển sinh THCS và THPT có hiệu lực từ ngày 14/2, nêu rõ: Từ năm 2025, các trường THCS phải xét tuyển học sinh vào lớp 6, không được tổ chức thi, kể cả với trường chất lượng cao.

Nhiều phụ huynh lo sợ, việc này sẽ dẫn tới tình trạng chạy đua "làm đẹp" học bạ. Thực tế, trước năm 2018, các địa phương chỉ xét tuyển vào lớp 6. Khi đó, ban giám hiệu các trường rất "đau đầu" khi có hàng nghìn hồ sơ với điểm học bạ toàn 9, 10, trong khi chỉ tiêu chỉ vài trăm.

Vì vậy mới đây, thông tin một trường ở Hà Nội tuyển sinh lớp 6 bằng hình thức đánh giá năng lực, không tính điểm học bạ thu hút sự chú ý.

Một trường ở Hà Nội tuyển sinh lớp 6 "khác biệt", phụ huynh hân hoan: Đỡ khổ cho cả con cái lẫn cha mẹ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo thông tin tuyển sinh lớp 6 năm học 2025-2026, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành dùng bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) để tuyển đầu vào. Hình thức thi viết với 3 môn: Toán, tiếng Việt và tiếng Anh. Các bài thi kết hợp trắc nghiệm khách quan với tự luận. Nội dung kiểm tra chủ yếu nằm trong chương trình lớp 5. Thời gian làm bài cho môn toán và tiếng Việt là 45 phút, môn tiếng Anh là 30 phút.

Điểm xét tuyển là tổng điểm của 3 môn cộng với điểm khuyến khích (nếu có). Thí sinh có chứng chỉ TOEFL Primary từ 228 điểm trở lên hoặc giải Olympic tiếng Anh cấp thành phố, giải Tin học trẻ cấp thành phố sẽ được cộng từ 0,5 đến 1,5 điểm.

Trường không tính điểm học bạ vào điểm xét tuyển, đồng thời không yêu cầu bất cứ điều kiện nào về học bạ để dự tuyển.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành là trường đầu tiên không xét học bạ trong kỳ tuyển sinh vào lớp 6 năm nay.

Không xét học bạ, vì sao phụ huynh đồng tình?

Quyết định của Trường Nguyễn Tất Thành là tín hiệu tích cực trong bối cảnh học bạ tiểu học bị "thổi phồng", giảm tình trạng "điểm ảo". Bên cạnh đó, bài thi đánh giá năng lực vẫn giúp sàng lọc học sinh có năng lực thực sự. Việc cộng điểm chứng chỉ ngoại ngữ, giải thưởng tạo động lực học tập chủ động.

Phương án này được nhiều phụ huynh đánh giá không chỉ giảm thiểu tiêu cực trong tuyển sinh mà còn hướng tới một quy trình công bằng, minh bạch và khoa học hơn. Cách tiếp cận này giúp nhà trường chọn được học sinh có tư duy logic, khả năng ngôn ngữ và nền tảng ngoại ngữ vững chắc. Thay vì phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, học sinh sẽ được đánh giá dựa trên chính năng lực của mình.

Việc chuyển từ xét học bạ sang thi ĐGNL buộc phụ huynh và học sinh thay đổi cách tiếp cận giáo dục. Thay vì chạy theo thành tích "điểm số ảo", học sinh cần tập trung phát triển tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng ngôn ngữ.

Mặc dù còn những thách thức như áp lực ôn thi, nhưng về dài hạn, đây là giải pháp công bằng và hiệu quả hơn so với xét học bạ. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, cần có lộ trình và hướng dẫn chi tiết để tránh biến kỳ đánh giá năng lực thành một kỳ thi "nặng gánh" mới.

Trên thực tế, dù có cấm thi tuyển nhưng nhiều trường top đầu hiện nay không chỉ dựa vào học bạ mà còn kết hợp đánh giá năng lực qua bài test riêng. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT, trong đó quy định trường THCS xét tuyển đầu vào lớp 6. Các địa phương phải xây dựng tiêu chí, áp dụng cho tất cả trường, đồng thời hướng dẫn tiêu chí riêng với các trường có đông thí sinh đăng ký và đạt yêu cầu chung cao hơn chỉ tiêu.

Tiêu chí riêng không chỉ là các yêu cầu trong hồ sơ xét tuyển mà còn cần đánh giá trực tiếp học sinh theo nhiều hình thức như: Hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh, hoặc kiểm tra, đánh giá năng lực.

Đến thời điểm này, nhiều trường đã công bố chi tiết phương thức tuyển sinh. Có trường áp dụng hình thức xét tuyển + đánh giá năng lực, có trường phỏng vấn trực tiếp, sau đó kiểm tra đánh giá năng lực, có trường phải làm trắc nghiệm tâm lý và bài đánh giá năng lực tổng hợp.

Điều này có nghĩa là: "Làm đẹp" học bạ chỉ là bước đầu, nếu con không có năng lực thực sự, vẫn sẽ bị đào thải.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày