Giữa hàng trăm lựa chọn đại học trải dài từ Bắc vào Nam, không thiếu những ngôi trường được đầu tư bài bản, nổi bật cả về chất lượng đào tạo lẫn môi trường học tập. Nhưng để tìm được một nơi vừa có danh tiếng lâu đời, vừa gắn bó mật thiết với thị trường việc làm, lại sở hữu tỷ lệ sinh viên ra trường có việc gần như tuyệt đối thì không phải trường nào cũng làm được.
Trong số những cái tên nổi bật của khối ngành Kinh tế - Tài chính - Kế toán, có một ngôi trường được mệnh danh là "Học viện Hoàng gia" của Việt Nam - nơi được ví như "lò đào tạo tinh hoa tài chính" trong suốt nhiều thập kỷ qua. Đó chính là Học viện Tài chính (AOF) - một trong những địa chỉ học thuật danh giá bậc nhất phía Bắc, với hệ thống đào tạo gắn sát thực tiễn, đội ngũ giảng viên đầu ngành và cơ sở vật chất hiện đại.
Trường ĐH được mệnh danh là "Học viện Hoàng gia" Việt Nam.
Theo Báo cáo đánh giá chất lượng đào tạo đại học do Bộ GD&ĐT công bố giai đoạn 2020-2024, Học viện Tài chính luôn góp mặt trong nhóm trường đại học dẫn đầu cả nước về đào tạo ngành Kinh tế - Tài chính - Kế toán. Không chỉ là cái tên quen thuộc trong các bảng xếp hạng, AOF còn khiến nhiều trường đại học khác phải "ghen tị" khi sở hữu tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp lên đến 98%, trong đó nhiều sinh viên đã được tuyển dụng ngay từ khi còn chưa tốt nghiệp.
Bí quyết nằm ở việc chương trình đào tạo của trường luôn cập nhật theo sát yêu cầu thực tế của thị trường lao động, kết hợp hài hòa giữa lý thuyết chuyên môn và trải nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên là các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành - nhiều người từng làm việc tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, giúp sinh viên học hỏi trực tiếp từ các "bậc thầy" trong nghề.
Ngoài ra, trường cũng thường xuyên mời diễn giả, CEO, chuyên gia đến chia sẻ tại các buổi tọa đàm, talkshow, tạo môi trường giao thoa giữa lý thuyết và thực tiễn.
Môi trường học tập tại AOF tạo điều kiện để sinh viên phát triển toàn diện.
Sinh viên được khuyến khích tham gia các dự án nghiên cứu, case study doanh nghiệp, thực tập từ năm 2 tại các công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia, ngân hàng thương mại và cả các cơ quan nhà nước.
Không chỉ nổi bật về chất lượng đào tạo, Học viện Tài chính còn khiến nhiều sinh viên phải "mắt tròn mắt dẹt" bởi quy mô hoành tráng và mức độ đầu tư bài bản vào cơ sở vật chất. Khuôn viên chính của trường tọa lạc tại số 58, phố Lê Văn Hiến, phường Đông Ngạc, Hà Nội – nơi vừa khánh thành khối giảng đường hiện đại vào cuối năm 2023 trên diện tích rộng tới 12ha. Các phòng học, phòng thực hành, hội trường và khu sinh hoạt chung đều được thiết kế hiện đại, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra không gian học tập xanh, rộng mở và đầy cảm hứng.
Cơ sở vật chất của trường được đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Đặc biệt, từ cuối năm 2024, Học viện tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo với việc đưa vào hoạt động cơ sở mới tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, có diện tích lên đến 28.108m2. Dự kiến trong năm 2025, Học viện sẽ tiếp nhận thêm một cơ sở đào tạo tại TP.Hồ Chí Minh, nâng tổng số cơ sở của trường lên 06 cơ sở trên cả nước. Việc mở rộng địa bàn không chỉ giúp Học viện Tài chính tiếp cận gần hơn với người học trên cả nước, mà còn góp phần phân bổ và phát triển hệ sinh thái đào tạo theo hướng linh hoạt, hiện đại và hội nhập.
Khu Công nghệ cao của Học viện Tài chính tại Hoà Lạc.
Không chỉ chú trọng đến đào tạo chuyên môn, Học viện Tài chính còn là một trong số ít trường đại học có đầy đủ các cơ sở hạ tầng đáp ứng các môn thể thao như bơi, tennis, pickable, golf… để sinh viên phát triển một cách toàn diện.
Một trong những điểm khiến Học viện Tài chính được ví như "Học viện Hoàng gia" chính là ở sức hút tuyển sinh mỗi năm. Dù điểm chuẩn đầu vào luôn nằm trong top cao của khối ngành Kinh tế, lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường vẫn luôn vượt xa chỉ tiêu. Năm học 2024, điểm chuẩn các ngành "hot" như Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Kiểm toán không dưới 26 điểm, cho thấy sự cạnh tranh gay gắt và uy tín của trường trong lòng học sinh.
Điểm chuẩn của Học viện Tài chính theo điểm thi THPT năm 2024.
Năm 2025, Học viện Tài chính tuyển 6.320 sinh viên, tăng hơn 1.800 so với năm ngoái. Trường cũng bổ sung thêm 14 chương trình đào tạo mới, trong đó có 09 chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế để đáp ứng nhu cầu học tập chuyên sâu theo chuẩn mực của thế giới của thí sinh, 05 chương trình chuẩn mới với các ngành/ Chương trình đào tạo đón đầu xu hướng hiện nay như: Khoa học dữ liệu trong tài chính; Trí tuệ nhân tạo trong tài chính - kế toán; Kinh tế chính trị - tài chính; Luật; Toán tài chính.
Sinh viên AOF không chỉ học để ra trường có việc làm, mà còn được rèn luyện tác phong chuyên nghiệp, kỹ năng mềm, khả năng tư duy phản biện và ngôn ngữ. Với nền tảng vững chắc và triết lý đào tạo "Gắn lý thuyết với thực tiễn, gắn nhà trường với xã hội", Học viện Tài chính không ngừng chứng minh rằng danh xưng "Học viện Hoàng gia" Việt Nam là hoàn toàn xứng đáng.
Tổng hợp