Mainichi, tờ nhật báo quốc gia của Nhật Bản hôm nay cho biết một thanh niên hơn 20 tuổi nước này đã gặp biến chứng sau khi tự ý tiêm BCG, một loại vắc-xin phòng vi khuẩn lao cho trẻ sơ sinh - nhưng đang được thử nghiệm trong đại dịch COVID-19 với hi vọng nó cũng giúp chống lại virus SARS-CoV-2.
Thông tin được dẫn từ Bộ Y tế Nhật Bản tiết lộ thanh niên này đã đến bệnh viện với triệu chứng sốt, nổi mề đay và tiểu ra máu. Trước đó, anh/cô ấy đã được tiêm vắc xin BCG, nhưng không phải để phòng bệnh lao.
"Cơ sở y tế đã tiêm vắc-xin cho thanh niên này không có nhiệm vụ và chức năng quản lý bệnh lao phổi", Mainichi viết trong bản tin. Và có vẻ như nhân viên y tế ở đây đã tiêm vắc-xin BCG sai hướng dẫn y tế gây ra biến chứng.
Theo Mainichi, vắc-xin BCG của Nhật Bản được tiêm bằng cách nhỏ trực tiếp lên vùng da bắp tay của trẻ sơ sinh, sau đó dùng một kim mỏng chích qua da để một lượng nhỏ vắc-xin được đưa xuống dưới vùng da nông (dermis).
Tuy nhiên, thanh niên người Nhật đã được tiêm toàn bộ liều BCG trong ống vào vùng da sâu (subcutaneous) và có thể đó là nguyên nhân của biến chứng. Mainichi không tiết lộ cơ sở y tế cũng như giới tính của bệnh nhân này, nhưng nhấn mạnh vắc-xin BCG hiện chỉ được chỉ định cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi để phòng ngừa lao.
Hiện có một số nghiên cứu nêu giả thuyết cho rằng vắc-xin BCG có thể phòng ngừa được COVID-19, bởi các quốc gia phổ cập vắc-xin này đang có tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong thấp hơn tới 10 lần các quốc gia khác.
Một số thử nghiệm lâm sàng vắc-xin BCG trên nhân viên y tế đang được tiến hành ở Australia, Hà Lan và một thử nghiệm sắp diễn ra tại Mỹ. Tuy nhiên, Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản cảnh báo về việc tiêm vắc-xin này trên người trưởng thành: "Chúng ta không có đủ kiến thức (về sự an toàn của nó). Có thể những người đã miễn dịch (với bệnh lao) sẽ có phản ứng phụ".
Vắc-xin BCG cũng thường không được khuyến cáo tiêm trên người trưởng thành. Chỉ có những người lớn làm việc trong môi trường tiếp xúc cao với bệnh nhân lao phổi hoặc virus lao trên động vật mới nên chích ngừa BCG. Những người đã có tiền sử bệnh lao không nên chủng ngừa loại vắc-xin này, bởi nó có thể gây ra các phản ứng bất lợi.
Mainichi cũng cho biết hiện Nhật Bản chỉ có duy nhất một cơ sở sản xuất vắc-xin BCG. Và loại vắc-xin này cần thời gian sản xuất rất lâu, lên tới 8 tháng. Từ cuối tháng 3, khi có thông tin BCG có thể có tác dụng phòng ngừa COVID-19, lượng đơn đặt hàng vắc-xin này ở Nhật đột nhiên tăng gấp 3 lần.
Một số cơ sở y tế ở Nhật Bản cần vắc-xin BCG để chủng ngừa cho trẻ em đã bị thiếu vắc-xin này. Hiệp hội Bác sĩ Y khoa Tokyo đã phản ánh điều đó với Bộ Y tế Nhật Bản. Họ khuyến cáo người dân không nên sử dụng vắc-xin BCG ngoài mục đích phòng lao.
Các chuyên gia y tế cũng cho biết hiện chưa có bằng chứng trực tiếp cho thấy vắc-xin BCG có khả năng phòng ngừa COVID-19. Các thử nghiệm sơ bộ mới chỉ đang được tiến hành và phải vài tháng nữa chúng ta mới biết kết quả của nó.
Ngược lại, vắc-xin BCG cần được tiêm đúng kỹ thuật. Có rất nhiều nguy cơ biến chứng nếu tiêm BCG vào vùng da sâu hoặc vào máu bao gồm sốt, sưng hạch bạch huyết, viêm xương, thậm chí sốc phản vệ.
Tham khảo Mainichi, Oxford, WHO