Lần đầu tiên giấy xuất hiện là khoảng năm 100 TCN và được làm từ cây gai dầu ướt, vỏ cây, tre và các sợi thực vật khác.
Đến giữa thế kỷ 15, có 1 sự thay đổi nhỏ đã diễn ra - đó là giấy thường được làm từ vải lanh, giẻ rách, vải bông hoặc các loại sợi thực vật khác. Mãi tới giữa thế kỷ 19 thì giấy mới được làm từ sợi gỗ giống ngày nay.
Điều đáng lưu ý nhất là giấy làm từ bột mịn của sợi gỗ dễ dàng bị oxy hóa, đặc biệt là khi gặp ánh sáng.
Cần nói rõ rằng, gỗ chủ yếu được tạo thành từ hai chất: lignin và cellulose.
Lignin là một hợp chất quan trọng làm cho cây cứng hơn, chịu được các áp lực bên ngoài tốt hơn và phát triển cao hơn. Tiến sĩ Hou-Min Chang thuộc Đại học NC State tại Raleigh nói rằng: Nếu không có lignin thì cây chỉ có thể cao chưa tới 2m.
Lignin là một màu tối tự nhiên, rất dễ bị oxy hóa. Khi chất này tiếp xúc với oxy, nhất là khi có thêm ánh sáng Mặt trời thì cấu trúc phân tử của lignin thay đổi, dẫn đến sự thay đổi trong cách hấp thụ và phản xạ ánh sáng của hợp chất.
Vì thế, những vật có chứa lignin sau khi bị oxy hóa sẽ dần chuyển sang màu nâu vàng.
Bên cạnh đó, cellulose cũng bị oxy hóa nhưng không mạnh bằng lignin. Đây là một trong những chất hữu cơ phong phú nhất trong tự nhiên giúp cho giấy có màu trắng.
Tuy nhiên, sau khi cellulose bị oxy hóa nhẹ và hấp thụ ánh sáng thì màu trắng mờ dần đi, khiến những trang giấy trở nên tối màu hơn.
Ngày nay, các nhà sản xuất thường dùng công nghệ tẩy trắng để loại bỏ lượng lớn chất lignin có trong giấy nhưng các hóa chất này lại vô tình làm cho cellulose bị oxy hóa nhanh hơn và nhiều hơn.
Để làm chậm quá trình chuyển màu của giấy, người ta sử dụng giấy không chứa axit với một lượng lignin hạn chế cho những văn bản quan trọng.
Cùng với đó, tại viện bảo tàng, tài liệu lịch sử được cất giữ trong phòng điều khiển nhiệt độ với ánh sáng thấp.
Các mọt sách hãy chú ý lưu giữ sách báo của mình ở nơi mát mẻ, khô ráo và tối, không nên để ở những nơi bị ẩm và hay có ánh sáng trực tiếp từ Mặt trời kẻo sách sớm ngả màu nhé!
Nguồn: Today I Found Out