Tháng trước, một giáo viên ở thành phố Pune, miền tây Ấn Độ, phát hiện con trai 6 tuổi của mình buồn bã vì bài tập về nhà.
“Tôi đã xóa một số chữ và yêu cầu con viết lại. Tôi nghĩ rằng con tức giận nên mới cầm bút không đúng cách”, cô chia sẻ với tờ Indian Express.
Cô không ngờ rằng khó khăn khi cầm bút của con lại là dấu hiệu đầu tiên của Hội chứng Guillain-Barré (GBS) - một rối loạn hiếm gặp, trong đó hệ miễn dịch tấn công các tế bào thần kinh, gây yếu cơ và liệt.
Chỉ trong vài ngày, cậu bé đã phải vào phòng chăm sóc đặc biệt, không thể cử động tay chân. Khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, em mất khả năng nuốt, nói và cuối cùng là thở, buộc phải thở máy. Hiện em đang dần hồi phục.
Cậu bé là một trong khoảng 160 ca mắc hội chứng GBS được ghi nhận tại Pune từ đầu tháng 1. Pune là trung tâm giáo dục và công nghệ thông tin, được bao quanh bởi các thị trấn công nghiệp và làng mạc. Đã có 5 trường hợp nghi tử vong. Theo số liệu chính thức, hiện có 48 bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt, 21 người phải thở máy và 38 người đã xuất viện.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Guillain-Barre là một hội chứng rối loạn hiếm gặp, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần của hệ thống thần kinh ngoại vi, gây tê liệt thậm chí tử vong.
GBS khởi phát với cảm giác tê hoặc ngứa ran ở tay và chân, sau đó là yếu cơ và khó cử động khớp. Các triệu chứng trở nặng trong vòng 2-4 tuần, thường bắt đầu từ tay và chân. Tỷ lệ tử vong được báo cáo dao động từ 3% đến 13%, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và chất lượng chăm sóc y tế.
Đợt bùng phát GBS ở Pune được truy vết đến Campylobacter jejuni - một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng qua thực phẩm và là nguyên nhân chính gây GBS trên toàn cầu. Mối liên hệ giữa vi khuẩn này và GBS được phát hiện vào những năm 1990 tại các vùng nông thôn Trung Quốc, nơi Campylobacter jejuni phổ biến ở gà. Các đợt bùng phát GBS thường xảy ra vào mùa mưa, khi trẻ em chơi trong nước bị nhiễm khuẩn từ phân gà hoặc vịt.
GBS thường lây qua gia cầm chưa nấu chín nhưng cũng có thể lan qua nước, giống dịch tả hoặc Salmonella. Việc dùng nước nhiễm khuẩn để chế biến thực phẩm đường phố có thể làm vi khuẩn lây lan nhanh.
Hiện tại, một chủng Campylobacter đặc biệt đang lưu hành tại Pune, nhưng chưa rõ nguyên nhân là do ô nhiễm nước hay tiêu thụ gia cầm nhiễm khuẩn.
"Chúng tôi kêu gọi người dân không hoang mang", theo thông báo từ Sở y tế. Nhưng trong bối cảnh chưa rõ nguyên nhân, điều này không hề dễ dàng.
GBS không hoàn toàn là một căn bệnh hiếm gặp ở Ấn Độ. Monojit Debnath và Madhu Nagappa, các nhà nghiên cứu tại Viện Sức khỏe Tâm thần và Khoa học Thần kinh Quốc gia (NIMHANS) ở Bangalore, đã nghiên cứu 150 bệnh nhân GBS trong giai đoạn 2014-2019.
Kết quả cho thấy 79% bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng trước đó, trong đó một phần ba xét nghiệm dương tính với Campylobacter. Đáng chú ý, tình trạng đồng nhiễm khá phổ biến, xảy ra ở 65% bệnh nhân, cho thấy sự tương tác phức tạp giữa vi khuẩn và virus.
Gần đây, các đợt bùng phát liên quan đến Campylobacter đã được ghi nhận trên toàn thế giới. Trong 7 tháng đầu năm 2023, Peru báo cáo hơn 200 ca nghi mắc GBS và ít nhất 4 ca tử vong, buộc chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế và tăng cường các biện pháp y tế công cộng. Hai phần ba số ca bệnh có liên quan đến Campylobacter.
Ở các nước có điều kiện vệ sinh tốt, số ca GBS do Campylobacter ít hơn, trong khi nhiễm trùng hô hấp là nguyên nhân chính. Một số tác nhân khác như virus Zika (Brazil, 2015) cũng từng được ghi nhận liên quan đến GBS.
Campylobacter là vi khuẩn phổ biến trong môi trường, nhưng chỉ một số chủng có lớp vỏ phân tử đặc biệt mới có thể kích hoạt GBS qua cơ chế mô phỏng phân tử. Tại Pune, chủng này có thể đang lưu hành, làm gia tăng số ca bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ phát triển GBS vẫn rất thấp, khoảng 1/10.000 ca nhiễm.
Hiện GBS chưa có thuốc chữa, bác sĩ chủ yếu dùng trao đổi huyết tương và truyền immunoglobulin tĩnh mạch (IVIG) để giảm mức độ nghiêm trọng. Chẩn đoán cũng khó khăn do không có xét nghiệm đặc hiệu, dễ nhầm với các bệnh thần kinh khác.
Tại Ấn Độ, hệ thống y tế không đồng đều khiến việc phát hiện và điều trị GBS gặp nhiều thách thức, đặc biệt ở vùng nông thôn. WHO đã cử đội ngũ đến Pune để hỗ trợ theo dõi và kiểm soát dịch.
Giới chức Pune đã giám sát hơn 60.000 hộ dân, thu thập 160 mẫu nước xét nghiệm và khuyến cáo người dân uống nước đun sôi, ăn thực phẩm sạch, tránh thức ăn ôi thiu và thịt gia cầm chưa chín.
Nguồn: BBC