Trong suy nghĩ của người hiện đại, việc một người đàn ông thời xưa được cưới công chúa, trở thành phò mã, rõ ràng là chuyện vô cùng vinh quang. Rất nhiều bộ phim cổ trang cũng xây dựng tình tiết tương tự, một chàng thư sinh hàn vi sau mười mấy năm đèn sách, thi đỗ trạng nguyên, cưới công chúa và bước lên đỉnh cao nhân sinh.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong xã hội phong kiến, đặc biệt là thời Đường, cưới công chúa không phải là lựa chọn lý tưởng, nhất là với những gia tộc danh giá, thậm chí là những thế gia đã tồn tại hàng nghìn năm. Họ hoàn toàn không muốn cưới công chúa.
Vì sao họ lại có suy nghĩ như vậy? Chẳng phải cưới con gái hoàng đế cũng như đứng trên thiên hạ? Không chỉ tương lai rộng mở mà cả gia tộc cũng được hoàng đế chiếu cố, trăm lợi mà không một hại. Tuy nhiên, theo phân tích từ Sohu, nếu đặt mình vào vị trí của những thế gia đại tộc thời bấy giờ, ta sẽ thấy cưới công chúa thực sự là một "món hời" nhưng lại không hề có lời.
Thứ nhất, xét về vai trò người vợ, công chúa thời Đường hoàn toàn không phải là một lựa chọn tốt. Công chúa là con gái của vua, được nuông chiều từ nhỏ, quen thói kiêu căng, hầu hết đều có tính khí thất thường. Đối với các tiểu thư khuê các, việc có chút hống hách cũng là chuyện bình thường. Nhưng, nếu cưới một tiểu thư bình thường, vợ chồng cãi nhau, người chồng còn có thể tranh luận bình đẳng. Còn nếu cưới công chúa, chắc chắn điều đó là không thể.
Ví dụ như truyện về Thăng Bình Công Chúa trong sự tích "Tứ Đả Kim Chi" nổi tiếng trong lịch sử. Con trai của Phần Dương quận vương Quách Tử Nghi là Quách Ái cưới Thăng Bình công chúa, con gái của Đường Đại Tông. Trong thọ thần 80 tuổi của Quách Tử Nghi, khi mọi người cung kính chúc thọ, thì Thăng Bình công chúa có hành vi vô lễ. Tức giận, Quách Ái về phòng và trách mắng công chúa, nói: "Nàng đường tưởng cha làm Hoàng đế thì có thể cậy mình hiếp người! Phụ thân ta là Quách Tử Nghi cũng có thể làm Hoàng đế, chỉ là không muốn mà thôi!". Công chúa tức giận mà khóc lóc, chạy vào cung tố giác với Đường Đại Tông.
Đường Đại Tông nghe chuyện, nói với công chúa: "Sự thực chính là thế! Giả dụ Quách Tử Nghi làm Hoàng đế, để xem ngươi còn có thể hống hách được nữa không?!". Quách Tử Nghi biết chuyện, bèn lôi Quách Ái trói lại vào điện thỉnh tội. Nhưng Đại Tông nghe xong chuyện không những không trách phạt chàng rể, an ủi Quách Tử Nghi và chỉ ban thưởng vài món. Quách Tử Nghi vì thế đánh Quách Ái vài chục trượng, sau đó cũng lui.
Xét một cách khách quan, lời nói của Quách Ái cũng không sai. Bởi những ai am hiểu lịch sử đều biết, nếu không có Quách Tử Nghi, liệu nhà Đường có thể dẹp yên loạn An Sử hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Các nhà sử học hiện đại cũng cho rằng Quách Tử Nghi là một trong những người "tái tạo Đại Đường".
Lời nói của Quách Ái khi đó có thể chỉ là lời nói lúc nóng giận trong lúc cãi vã vợ chồng. Nhưng ngay cả Quách Tử Nghi, người có công lớn với Đại Đường cũng phải như vậy, huống chi là những thế gia đại tộc khác.
Thứ hai, xét về phẩm hạnh cá nhân, phần lớn công chúa thời Đường cũng không phải là người vợ tốt. Từ tư liệu lịch sử, thời Đường là một thời đại khá cởi mở. Những công chúa được nuông chiều từ nhỏ, về mặt đời sống cá nhân lại càng phóng khoáng.
Ví dụ như trong Tân Đường thư từng nhắc tới câu chuyện của Cao Dương công chúa, con gái của Đường Thái Tông, lấy con trai thứ của danh tướng Phòng Huyền Linh. Cuộc hôn nhân này vốn là trời sinh một cặp. Nhưng sau khi kết hôn, Cao Dương công chúa cảm thấy không hạnh phúc, sau đó liền công khai dan díu với một nhà sư tên Biện Cơ, khiến cả kinh thành xôn xao.
Việc đến tai Thái Tông, ông lệnh đem Biện Cơ xử tử cùng với hơn 10 nô tài ở bên công chúa do tội bao che cho chủ. Công chúa không tự biết tội, càng oán trách Thái Tông. Từ đó, công chúa không kiêng dè điều gì nữa, mặc sức tư thông với văn nhân đạo sĩ. Cho đến tận khi Đường Thái Tông mất, công chúa cũng không mảy may xót thương.
Một ví dụ khác là Thái Bình công chúa, con gái của Võ Tắc Thiên, bà còn không cần che giấu, công khai nuôi dưỡng nam sủng trong phủ, thậm chí còn đem nam sủng mình ưng ý tặng cho mẹ mình.
Những chuyện như vậy không chỉ xảy ra một hai lần mà rất nhiều lần. Chính vì vậy nên danh tiếng của các công chúa nhà Đường ngày càng sa sút.
Thứ ba, công chúa là con gái hoàng đế, thân phận vô cùng cao quý. Thông thường, sau khi công chúa lấy chồng, không chỉ phò mã phải ngày ngày hành lễ mà ngay cả cha mẹ của phò mã cũng phải thường xuyên vấn an công chúa. Ví dụ như trong câu chuyện của Thăng Bình công chúa, nguyên nhân Quách Ái cãi nhau là do công chúa quá vô lễ. Không chỉ không hiếu kính cha mẹ chồng mà còn bắt Quách Tử Nghi phải quỳ lạy mình.
Những công chúa thời Đường như vậy, làm sao có thể là một người vợ tốt được.
Tất nhiên, cưới công chúa cũng không phải là không có lợi ích. Ít nhất là có hoàng đế làm cha vợ, sau này con đường làm quan của phò mã chắc chắn sẽ thăng tiến vù vù. Gia tộc của phò mã cũng sẽ được nhờ.
Nhưng những lợi ích này đối với những thế gia đại tộc thực sự thì chẳng có ý nghĩa gì. Đối với họ, cho dù con cháu không cưới công chúa, thì con đường quan lộ của họ vẫn rộng mở. Hơn nữa, sự hỗ trợ đến từ nội bộ gia tộc còn mạnh mẽ hơn sự nâng đỡ của hoàng đế, lại không gây ra dị nghị.
Về vinh quang của gia tộc, thời Đường, rất nhiều thế gia đại tộc đã tồn tại hàng nghìn năm, lịch sử gia tộc có thể truy ngược đến tận nhà Hán. Trong lịch sử dài như vậy, những gia tộc này đã tích lũy quá nhiều vinh quang, họ không cần đến ân sủng từ việc cưới công chúa.
Vì vậy, đối với những thế gia hàng đầu, lợi ích mà việc cưới công chúa mang lại thực sự rất hạn chế. So với những cái giá phải trả khi cưới công chúa, đó hoàn toàn là một cuộc "mua bán" lỗ vốn.
Cưới công chúa thời Đường là một cuộc "giao dịch" lỗ vốn?
Ngoài những nguyên nhân trên, còn một nguyên nhân quan trọng nhất. Thời Đường, một số đại gia tộc hàng đầu căn bản không coi trọng hoàng tộc nhà Lý. Đặc biệt là một số thế gia, đại diện cho sĩ tộc Sơn Đông, cho rằng lịch sử gia tộc mình lâu đời hơn, địa vị cũng cao hơn hoàng tộc nhà Lý.
Điều này đã được ghi nhận trong nhiều ghi chép lịch sử. Đầu thời Đường, Đường Thái Tông ra lệnh cho người dân xếp hạng các gia tộc trong thiên hạ. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng mà mọi người bình chọn lại là một số thế gia Sơn Đông đứng đầu. Còn hoàng tộc nhà Lý chỉ xếp ở hạng hai.
Sau đó, Đường Thái Tông phải gạt bỏ mọi ý kiến trái chiều, để cậu vợ mình chủ trì, biên soạn lại một phiên bản mới, đưa hoàng tộc nhà Lý lên đứng đầu, coi như xong chuyện. Nhưng phiên bản gia phả sĩ tộc này lại không có sức thuyết phục bằng phiên bản trước. Mọi người vẫn cho rằng một số thế gia Sơn Đông có địa vị cao hơn.
Những thế gia này, một mặt khinh thường hoàng tộc họ Lý, mặt khác cũng là để duy trì tính chính thống của mình, căn bản không muốn kết hôn với hoàng tộc, càng không muốn cưới công chúa. Những đại gia tộc này muốn kết hôn với nhau, không quan tâm đến những người ngoài gia tộc, ngay cả hoàng tộc cũng không ngoại lệ.
Thậm chí đến thời Đường trung hậu kỳ, Đường Văn Tông từng muốn chọn một tiểu thư họ Trịnh ở Hình Dương làm Thái tử phi, nhưng kết quả là nhà họ Trịnh căn bản không quan tâm đến hoàng đế, trực tiếp gả tiểu thư này cho người họ Thôi, khi đó chỉ là một quan viên cấp cửu phẩm.
Cần biết rằng, nếu trở thành Thái tử phi, vị tiểu thư này có khả năng trở thành Hoàng hậu. Nhưng ngay cả đối với ngôi vị cao như vậy, những đại gia tộc này cũng không thèm để ý. Vậy thì đối với những công chúa, những thế gia này lại càng không quan tâm.
Nói cho cùng, đối với những thế gia hàng đầu này, cái hại của việc cưới công chúa nhiều hơn cái lợi. Những thứ hoàng đế có thể cho, những đại gia tộc này không cần; còn những thứ đại gia tộc này cần, hoàng đế lại không cho được! Đó mới là mấu chốt của vấn đề.
Tổng hợp